- Thế giới vận hành theo quy luật Entropy như một lẽ tự nhiên nhưng khoa học đã tìm ra cách để giảm tác động của nó.
- Dù con người còn nhìn nhận Entropy như một sự nghiệt ngã của cuộc sống, nhưng trên thực tế, nó có một số mặt tích cực nhất định.
- Sự hỗn loạn là bất biến, điều duy nhất có thể thay đổi đó là cách phản ứng của nhân loại với sự hỗn loạn.
Vũ trụ này cư xử giống những cô nàng đang giận dỗi, mọi thứ dường như luôn có xu hướng trở nên hỗn loạn, trầm trọng hơn hoặc tồi tệ đi.
Ta luôn biết rằng căn phòng mình vừa dọn sẽ lại trở nên bừa bộn vào một ngày nào đó, hoặc giả như không ai đụng đến, nó cũng nhanh chóng đóng bụi và đồ đạc mục nát hết cả.
Bát mì úp vội bẵng một vài phút đã nguội lạnh và trương phình lên; cốc cà phê sữa đá trong những ngày chạy deadline chỉ vừa kịp nhấp môi, đến lúc nhìn lại đã thấy nó trở nên nhạt nhẽo vì bị nước đá tan ra hòa loãng.
Những bông hoa rồi sẽ tàn, công trình hùng vĩ nào cũng đến ngày sụp đổ và chúng ta rồi sẽ chết.
Đáng buồn là những quá trình ấy dường như không thể đảo ngược và diễn ra vô cảm với tất cả mọi thứ trên thế gian này. Bất kể bạn giàu hay nghèo, ác độc hay có đầy đủ những phẩm hạnh cao quý nhất, sẽ đến ngày bạn phải nằm xuống. Bất kể bông hoa xấu hay đẹp, cốc cafe ngon hay dở, chúng rồi cũng hoặc lụi tàn, hoặc dần trở nên nhạt nhẽo.
Các nhà khoa học gọi quy luật đã tạo ra toàn bộ những điều đau khổ trên là entropy.
1. Vũ trụ vận hành theo hướng biến tất cả mọi thứ thành cát bụi.
Giải thích ngắn gọn, entropy là đại lượng dùng để chỉ mức độ rối loạn và độ ngẫu nhiên trong hệ thống.
Giả sử bạn được giao nhiệm vụ nhắm mắt gõ phím ngẫu nhiên cho đến khi vô tình gõ ra được bài viết này của Monster Box, bạn có thực hiện được không? Trên lý thuyết là có, nhưng xác suất để việc này xảy ra thấp đến mức coi như không tồn tại. Bạn sẽ phải ngồi gõ phím liên tục trong khoảng thời gian dài hơn cả tuổi của vũ trụ để thực hiện xong nhiệm vụ này.
Vậy, trên lý thuyết cũng tồn tại khả năng bát mì vẫn nóng lên dù không được cung cấp nhiệt, hoặc cốc cafe không bị tan mà tiếp tục lạnh đi đến mức bị đông đá, hoặc tung một mớ lego ngẫu nhiên lên trời và tự nó xếp thành Iron Man, nhưng xác suất để xảy ra những việc ấy thấp đến mức chúng ta không có cơ hội để chứng kiến.
Ngược lại, giả sử xác suất để bạn gõ ra được bài viết này trong lúc nhắm mắt là 1/100000000000000000, thì có 100000000000000000 – 1 (9999999999999999) khả năng bạn không viết được. Những thứ tương tự cũng vậy, xác suất để tạo ra những thứ vô dụng thường cao hơn rất rất nhiều so với xác suất để tạo ra những thứ hữu dụng.
Xác suất để viên nước đá tan thành nước cao đến mức chúng luôn xảy ra và chúng ta xem ấy là một sự thật hiển nhiên.
Chúng ta đã quen sống trong thế giới vận động theo quy luật nghiệt ngã này, quen với việc ngày nào đó chiếc ghế ta yêu thích sẽ mục nát, ngày nào đó bông hoa trong vườn sẽ lụi tàn và ngày nào đó sẽ phải nói lời vĩnh biệt với những người thân yêu.
Loài người đã có ít nhất 300.000 năm rong ruổi trên hành tinh này, nhưng rất rất rất nhiều cá thể Homo Sapiens ngày nay chỉ còn là cát bụi. Thế giới đã tồn tại khoảng 4,5 tỷ năm và ngày nay chỉ thỉnh thoảng, may mắn lắm, ta mới lại tìm thấy được hóa thạch và dấu tích từ sự sống trong quá khứ.
Rồi tất cả những ai đang đọc bài viết này cũng sớm trở thành cát bụi, trở về với vũ trụ và bị lãng quên y vậy.
Thực ra sự thoái trào này không xa lạ và vĩ mô đến vậy. Common sense (tâm lý chung) của chúng ta trước nay đã biết rằng “cuộc đời là bể khổ”, cũng như có những niềm tin phi thực tế về việc “không làm nhưng vẫn có ăn” hay theo đuổi sự vĩnh cửu, trường tồn – những niềm tin này hấp dẫn vì chúng không tồn tại trong thực tế.
Nhưng lỗi không thuộc về vũ trụ, phần nhiều lỗi nằm ở chính chúng ta.
Vì một là, quy luật hỗn loạn và phi trật tự của vũ trụ không tự thân nó mang bản chất nghiệt ngã hay đau khổ, mà vì nó chống lại những nỗ lực duy trì trật tự và kiến tạo của loài người nên tạo ra sự bất mãn.
Và hai là, chính tư duy của con người cũng khá khắc nghiệt trong nhìn nhận thế giới.
2. Chúng ta có xu hướng chán và lãng quên.
“Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi” là một phát biểu có cơ sở tâm lý học. Chúng ta có xu hướng nhờn mùi khi ngửi mùi gì đó quá lâu, tương tự với thính giác, thị giác, vị giác và xúc giác [1] .
Nếu không có gì thay đổi, bạn có thể sẽ mất hứng thú đọc bài của Monster Box vào một ngày nào đó – ngay cả khi chất lượng của chúng không hề đi xuống. Hoặc tệ hơn, những cây bút của Monster Box cũng không còn hứng thú tiếp tục viết nữa.
Ấy là nếu để mọi thứ diễn ra theo chiều hướng tự nhiên.
Việc chúng ta nghe một bài nhạc yêu thích nhiều đến mức… không thể tiếp tục nghe nó được nữa không hiếm. Hoặc chuyện ta yêu thích nghệ sĩ nào đó một thời gian rồi thôi và viện lý do cho việc ấy bằng cách bảo rằng do họ đã “mất chất” cũng vậy (thực tế họ thường nổi tiếng hơn sau khi “bị” chúng ta ghét bỏ).
Do đó, chiến lược phát triển bền vững thường nhắm vào việc mở rộng thị trường (sao cho tốc độ tiếp cận người mới nhanh hơn tốc độ người cũ bỏ đi).
Coca Cola đã gần như trở thành biểu tượng trong nhiều chục năm, nhưng họ luôn phải đổ hàng tấn tiền để lập các chiến dịch quảng cáo, cũng như ra mắt sản phẩm mới nhắm vào giới trẻ. VTV cũng phải mang video của mình lên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube hay thậm chí Tik Tok (dù cho những nền tảng này là kẻ thù của truyền hình truyền thống) để tiếp cận Z Gen.
Bạn cảm thấy sự nổi tiếng và uy tín của VTV là hiển nhiên vì bạn sống trong thời đại ông bà bố mẹ tối nào cũng xem thời sự trong lúc ăn cơm, còn những đứa trẻ thời nay không biết VTV là gì chẳng có gì quá bất ngờ – nhất là khi chúng không xem TV và bố mẹ chúng cũng vậy.
Điều VTV và Coca Cola muốn là thương hiệu của họ tiếp tục sống trong tương lai, chứ không để nó bị chết đi cùng những thế hệ đang dần trở nên già nua hay những hình thức đã lỗi thời. Có thể nhiều người sẽ bảo rằng việc làm của VTV là “lố” hay không còn “chất”, “chuẩn chỉnh” như ngày xưa nhưng việc giữ cái “chất” ấy phục vụ thiểu số làm gì? Chẳng nhà quảng cáo nào muốn quảng cáo trên một kênh dành cho người già cả. Vì đó là thế hệ tiêu thụ kém, còn giới trẻ lại là thế hệ sẽ tiêu thụ chính trong tương lai.
“Hãy để mọi thứ tự nhiên” nếu không phải một lời khuyên sáo rỗng, thì là một lời khuyên tệ hại. Vì bất kể bạn, Coca-Cola hay VTV để mọi thứ diễn ra tự nhiên và chỉ làm tốt những gì trước nay vẫn làm, tình hình vẫn diễn ra tệ hơn bất kể lỗi không nằm ở bạn hay họ. Mọi thứ luôn diễn biến theo chiều hướng lụi tàn và bị mọi người lãng quên, vì vậy bạn luôn cần phải tập trung và bỏ công sức ra bù vào phần bị mất.
Mỗi ngày.
3. Có kẻ thù là một điều tuyệt vời.
Entropy khiến lượng lớn năng lượng bị chuyển thành nhiệt lượng và trở nên vô dụng, đó là lý do chúng ta phải liên tục cấp năng lượng để mọi thứ tiếp tục chuyển động. Trong một khoảng thời gian dài hơi của nhân loại, giới hạn về nguồn lực đã khiến con người chỉ riêng việc chống lại entropy đã hết thời gian và chẳng thể làm thêm được gì khác. Cho mãi đến sau cách mạng công nghiệp và khoa học, chúng ta mới tìm ra được cách phát triển nhanh hơn tốc độ của entropy rất nhiều lần và liên tục kiến tạo được nhiều thứ hơn.
Entropy khiến một viên đá luôn luôn tan thành nước, nhưng khoa học đã giúp chúng ta biết cách giữ viên đá ấy không bao giờ tan trong tủ lạnh – tất nhiên bằng cách dùng năng lượng từ những nguồn khác.
Xu hướng suy tàn của vũ trụ dạy nhân loại biết rằng họ luôn phải hợp tác và nỗ lực để duy trì những thứ họ muốn. Căn phòng sẽ luôn có xu hướng bừa bộn qua từng ngày, vì vậy bạn phải luôn dọn chúng. Công ty sẽ có xu hướng trì trệ và suy thoái, vì vậy bạn phải luôn đưa ra những chính sách, chiến lược mới hiệu quả hơn cái cũ. Monster Box sẽ dần trở nên nhạt nhòa, vì vậy chúng tôi luôn cần nghĩ ra những thứ mới mẻ, và tạo ra những thứ hấp dẫn, thú vị hơn.
Entropy chính nó cũng giúp đỡ nhân loại trong việc dẹp bỏ những thứ không cần thiết. Bất kể thứ gì loài người không muốn duy trì nữa, họ chỉ cần không quan tâm, nỗ lực duy trì nó nữa, vũ trụ sẽ giúp thứ ấy biến mất.
Sự hỗn loạn và xu hướng tàn phá mọi thứ này cũng ép buộc những thứ có trước luôn phải nỗ lực ngày qua ngày, trong khi những thứ đến sau có cơ hội để vươn lên.
Sự hỗn loạn này giúp chúng ta có mục đích sống, để mỗi sáng thức dậy có thể biết rằng sẽ tiếp tục nỗ lực duy trì điều gì, và cần buông bỏ điều gì.
4. “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.
Khi biết được quy luật nghiệt ngã của vũ trụ, bạn có thể chọn phản ứng theo hướng nản lòng hoặc sụp đổ vì tuyệt vọng vì nhận ra mọi thứ luôn cố gắng chống lại bạn, hoặc nhận ra điều này thật thú vị và đem lại hy vọng.
Chúng ta biết rằng khả năng xảy ra điều trái với ý mình luôn cao hơn tình huống lý tưởng, điều này sẽ giúp bạn chấp nhận được những sự thật như việc bắt đầu kinh doanh thật phức tạp và duy trì một mối quan hệ nào đó cũng không dễ dàng.
Để duy trì hôn nhân, bạn cần lo chuyện tài chính, thấu hiểu đối tác (vốn luôn thay đổi từng ngày), thỏa hiệp trong chuyện nuôi dạy con cái, làm quen với những rắc rối trong quan hệ thông gia, đối mặt với những khả năng bạn đời (hoặc chính bạn) có tình cảm với người thứ ba… những điều tương tự vậy. Và chỉ một trong những thứ ấy gặp vấn đề, nhiều khả năng hôn nhân của bạn cũng gặp vấn đề. Rắc rối xuất hiện ngay khi một điều kiện nào đó trục trặc, trong khi an toàn chỉ hiện diện khi bạn duy trì được tất cả điều kiện ở mức ổn trong cùng một lúc.
Việc kinh doanh cũng tương tự vậy. Đó là lý do và động lực để bạn biết rằng bạn phải học thêm và va chạm nhiều hơn, thay vì tin vào sự giúp đỡ của may mắn hay thế lực nào đó của vũ trụ. Vì may mắn thì hiếm khi xảy ra, còn vũ trụ lúc nào cũng muốn ngăn cản bạn.
Nhận thức được tỉ lệ hiếm hoi của những thứ phi thường, bạn sẽ biết rằng nên bắt đầu làm gì đó tốt hơn ngồi một chỗ để tưởng tượng hay cầu may. Xác suất để nhắm mắt gõ bừa ra một bài văn thấp đến mức không thể xảy ra, nhưng vì bạn có thể mở mắt, nên hãy mở mắt ra mà gõ. Xác suất để mọi người xung quanh đều yêu quý và đưa tiền cho bạn cũng thấp tương tự, nên hãy đứng lên và làm gì đó lấy được tiền từ họ.
Biết được điều này, bạn sẽ hạn chế bị lừa đảo bởi những cuốn sách self-help rẻ tiền (ý tôi là những cuốn rẻ tiền, không phải sách self-help thì rẻ tiền), những chiêu trò lừa đảo (như chiêm tinh, bói toán, tướng số…) hoặc các khóa học “bí quyết làm giàu”.
Entropy dạy chúng ta rằng bản chất của mọi thứ đều vô nghĩa và để tự nhiên chỉ có lụi tàn, chứ chẳng thể khá lên được. Do vậy, mọi sự xuất chúng đều cần được thiết kế nên, chứ không phải phát hiện ra. Khả năng bạn nắm giữ kho báu chưa khai phá là rất thấp, thấp đến mức không thực tế, nhưng nỗ lực để biến bản thân trở thành kho báu thì có thể.
Entropy dạy chúng ta biết cách tôn trọng người khác và trân trọng bản thân hơn. Chúng ta thường dùng ánh nhìn nông cạn để dò xét, đánh giá người khác một cách thiếu công bằng. Ta bảo rằng làm cái này dễ, làm cái kia dễ – ngay cả ở những lĩnh vực ta chẳng có bất kỳ ý niệm nào. Chỉ có không làm gì mới dễ.
Entropy cũng tiết lộ rằng chẳng có “the one” (người sinh ra để dành cho bạn) hay “the job” (công việc được tạo ra dành cho bạn) nào cả vì xác suất để tồn tại một thứ giống vậy thấp hơn xác suất tồn tại những thứ không giống vậy; ngay cả khi họ tồn tại, những phẩm chất của họ cũng nhanh chóng thoái trào theo quy luật vũ trụ và ngay cả khi bạn gắn bó với “the one” hay “the job”, không điều gì chắc chắn rằng họ sẽ mãi như vậy, hoặc bạn sẽ tiếp tục duy trì được cảm xúc với họ như những ngày đầu.
Có lẽ thực tế chỉ nhàm chán và thực dụng ở mức ta phải tìm người/công việc phù hợp, ở thời điểm phù hợp, trong điều kiện phù hợp và cố gắng duy trì sự phù hợp ấy để có cuộc đời viên mãn – hoặc học cách từ bỏ khi không còn phù hợp nữa. Entropy cũng tiết lộ cho bạn biết rằng cấp độ cao nhất của cuộc sống này là sự cam kết, và việc bạn tìm sai người, làm sai việc tương đối phổ biến nên không có gì phải quá đau khổ.
Ngược lại, vì mọi thứ liên tục diễn biến theo chiều hướng giảm dần (kể cả thực tế lẫn cảm xúc của chúng ta), việc cố gắng tìm kiếm thứ gì đó có nội hàm bền vững, ổn định, vĩnh cửu và trường tồn là một nỗ lực ngu ngốc có thể khiến bạn chìm trong sự bất hạnh khi không tìm được (tất nhiên là không tìm được). Để rồi vào cuối ngày, ta lại than thân trách phận và đổ lỗi cho vũ trụ vì luôn khiến mọi thứ tệ đi.
Thay vì chấp nhận sự thật đơn giản rằng những thứ ta trân quý dần thoái trào chỉ vì ta đã ngừng cố gắng.
Hãy biết rằng rắc rối rất dễ xảy ra, kể cả trong công việc hay trong các mối quan hệ. Bạn không chỉ cần làm tốt, mà cần phải liên tục làm tốt. Sự liên tục nỗ lực ấy chính là bản chất của cuộc sống.
Mọi bài viết của Monster Box, bằng sự tâm huyết và tập trung, có thể sẽ khiến mọi người cảm thấy hài lòng. Nhưng đôi lúc chỉ cần một câu nào đó, trong một bài viết nào đó, hoặc một dòng bình luận nào đó trái ý một ai đó, họ nhanh chóng quên hoặc phủ nhận mọi thứ từ trước đến nay.
Nhưng bản chất của vũ trụ này là thế, chẳng có gì phải buồn vì một thứ bạn không thể kiểm soát được cả.
Bí quyết là hãy luôn phát triển mạnh hơn mức độ hỗn loạn của entropy.