Trả lời bởi Jeffrey Robinson, IQ 160
Hồi đại học, tôi đọc về thời còn đi học của Isaac Asimov, tác giả yêu thích của tôi. Ông tiết lộ rằng mình luôn dành tuần đầu tiên của học kỳ để đọc HẾT TOÀN BỘ giáo trình, đọc tất tần tật đúng nghĩa đen. Và trong khi các bạn học vẫn còn đang mê mải với những buổi gặp mặt và tiệc tùng, ông cô lập với thế giới bên ngoài và chỉ tập trung vào mỗi việc đọc mà thôi. Tôi đã quyết định làm thử theo cách đó. Tôi đọc tất cả những giáo trình có trong học kỳ. Có rất rất nhiều chỗ tôi không hiểu và phần lớn thời gian tôi không khác gì chó xem bản đồ. Tôi không biết được cái gì là quan trọng, cái gì không, và trong quá trình đọc tôi cũng lúc được lúc không rút ra được một điều gì đó.
Và sau đó chuyện không ngờ đã xảy ra. Khi tôi ngồi lớp nghe giảng… tôi nhận ra mình hiểu bài nhiều hơn hẳn so với các bạn cùng lứa. Mọi người nghĩ tôi là một thiên tài, nhưng thực tế chỉ là tôi đã đọc trước. Hầu hết các sinh viên đều đợi cho đến SAU các bài giảng mới dò dẫm đọc giáo trình vì phần lớn những gì họ nghe được đã trôi tuột đi đâu. Vậy là bằng cách nào đó, có lẽ do việc đọc, tôi đã hiểu nhiều hơn. Giống như là tôi đã mò được sợi dây liên kết nối những lời giảng của giảng viên với những gì tôi đã đọc, dù lúc đọc trước tôi chẳng hiểu gì. Đôi khi tôi còn có thể nhìn ra được điều mà giảng viên định hướng tới, rồi làm thế nào mà chương hiện tại lại dẫn đến chương tiếp theo. Trong lớp lịch sử, tôi có thể nhìn ra được sự kiện này sẽ dẫn đến sự kiện kế tiếp như nào trong khi các bạn cùng lớp của tôi thì hoàn toàn mù mờ.
Trong khi hầu hết bọn họ phải vật lộn, mất phương hướng và hoang mang, với tôi thì việc học, về cơ bản, chỉ là ôn tập lại. Tôi nhận ra mình có thể bật ra những câu hỏi thông minh hơn, và nhìn ra được nhiều ý nghĩa hơn trong những lời của giáo sư hướng dẫn. Và thực tế là, nhiều bài giảng chỉ là cuộc trao đổi giữa giáo sư và tôi, ngồi hàng ghế đầu, trong khi những người khác lắng nghe, thường bối rối và mông lung (họ thường là những ‘người thứ ba’ bất đắc dĩ của ‘các cuộc nói chuyện tình cờ’). Giáo sư thấy rất hài lòng với việc CÓ ĐỨA ‘hiểu bài’.
Sau đó, học kỳ nào tôi cũng làm theo cách học này.
Hồi mới vào đại học tôi thậm chí đã sợ mình sẽ không theo kịp và phải bỏ học, để rồi sau đó nhận ra mình xuất sắc vượt xa các bạn cùng lứa. Tôi đã thay đổi chuyên ngành của mình từ sinh học sang vật lý… và hoàn thành khóa học trong hai năm. Vào năm thứ ba tôi làm việc tại Phòng thí nghiệm quốc gia Argonne với tư cách là trợ lý nghiên cứu (chưa tốt nghiệp). Đến năm cuối, tôi chuyển sang Đại học Illinois và lấy bằng cử nhân thứ hai về Kỹ thuật điện, chỉ trong ba học kỳ.
Tôi cho rằng thành công của mình là nhờ việc ‘đọc trước’ … và đến tận bây giờ tôi vẫn đọc một cách ngấu nghiến.
Tôi đọc trung bình một cuốn sách một ngày, mỗi.ngày.trong.ba.mươi.năm, và phòng làm việc của tôi thì có khoảng 15.000 cuốn sách. Một bên tường là sách hư cấu; bên kia là sách kỹ thuật. Tôi nhận thấy mình bị cuốn hút bởi MỌI THỨ và tôi đã, đang, và sẽ, luôn luôn là một người thích học thuần túy. Tôi cũng dạy ở trường đại học và viết lách. Và đó cũng là cách tôi sống, tôi ‘đọc trước’ cuộc đời bằng cách liên tục không ngừng đặt ra những câu hỏi, và tôi sẽ học, học nữa, học mãi.
Vậy, bạn muốn biết những người có IQ cao học theo kiểu nào ư?
Bằng cách đặt câu hỏi không ngừng, đọc nhiều và bước thong dong theo bất kỳ hướng nào mà sự tò mò dẫn lối. Hãy tận hưởng cuộc hành trình. Sự tò mò là món quà tuyệt vời nhất mà bạn sẽ không muốn lãng phí đâu.
______________________
Source: https://qr.ae/TVFjTf
Cám ơn bài dịch của bạn Giao Bùi được đăng ở Group QRVN: https://www.facebook.com/groups/vietnamquora/permalink/2565446147021839/