- Trong ngôn ngữ của chúng ta, những lời nói dối mang lại cho loài người nhiều lợi ích bên cạnh những điều tiêu cực thường được bàn đến.
- Giải thích về cơ chế của hành vi lừa dối.
- Một vài biểu hiện về của những lời nói dối trong cuộc sống.
Trong cuốn sách “I’m Sorry, I Didn’t Mean To, and Other Lies We Love To Tell.”, nhà tâm lý học xã hội Jerald Jellison cho biết mỗi ngày chúng ta có thể nói dối đến hơn 200 lần; đa số trong đó là những lời nói dối vô hại kiểu như “Chiếc váy mới của cô đẹp quá.” [1] . Một nghiên cứu tiến hành năm 2002 cho biết trong một cuộc trò chuyện 10 phút, có đến 60% đối tượng tham gia nói dối ít nhất một lần, và đưa ra trung bình 2 hoặc 3 lời nói dối [2] .
Sự phổ biến của việc nói dối, tức lừa dối bằng ngôn từ, chẳng phải điều đáng ngạc nhiên. Hành vi lừa dối (deception) nói chung, thực chất tồn tại khá rộng rãi trong tự nhiên dưới dạng các chiến thuật sinh tồn để chống lại kẻ thù của nhiều loài động vật, ví dụ như bắt chước, ngụy trang hay giả chết [3] . Một số trường hợp cá biệt, trong đó có nhiều loài linh trưởng họ hàng của chúng ta, hành vi lừa dối thậm chí còn hướng đến các cá thể khác thuộc cùng loài/cùng nhóm để đạt được lợi ích riêng cho bản thân [4] .
Nhưng ở con người, với sự xuất hiện của ngôn ngữ, hành vi này đã đạt đến một tầm cao mới. Khả năng thao túng người khác bằng ngôn ngữ tỏ ra ưu việt hơn so với việc sử dụng các nguồn lực thể chất khác. “Quá dễ dàng để chiếm lấy tiền bạc hoặc tài sản của người khác bằng cách nói dối thay vì tấn công họ hay cướp ngân hàng” – chuyên gia đạo đức Sissela Bok thuộc Đại học Harvard cho biết [5] .
1. Liệu ngôn ngữ có chừa chỗ cho những lời nói dối?
Tuy nhiên, như đã nêu khái quát trong bài đăng mở đầu tuần chủ đề, việc hệ thống ngôn ngữ giúp tối ưu hóa hành vi lừa dối, từ đầu đã đặt dấu chấm hỏi cho sự xuất hiện của chính hệ thống giao tiếp tinh vi này [6] . Cụ thể hơn, so với hệ thống tín hiệu giao tiếp của động vật, ngôn ngữ của con người có tính chuyển dịch (tạm dịch từ Displacement); tức khả năng mô tả những thứ không đang thực sự hiện hữu. Nó cho phép chúng ta truyền đạt thông tin về những sự vật, sự việc diễn ra tại một không gian và thời gian khác với thực tại [7] .
Đặc điểm này khiến khả năng xác thực và kiểm chứng thông tin của người cùng đàm thoại bị hạn chế. Nó khiến ngôn ngữ nói chung trở thành thứ không đáng tin và dễ bị lợi dụng, đặc biệt là khi so sánh sự “rẻ tiền” của lời nói với các hành vi khác ở động vật về mặt năng lượng thể chất phải đánh đổi (chúng ta có thể huyên thuyên cả ngày và không thấy phiền về việc đó, nhưng nỗ lực giao tiếp của động vật thường phải trả giá đắt hơn). Vì vậy, trong chiến lược phát triển của phần còn lại của thế giới động vật, ngôn ngữ gần như không có giá trị và ý nghĩa tồn tại. Nói cách khác, việc chừa chỗ cho sự lừa dối và khả truyền đạt những thông tin sai sự thật là những trở lực rất lớn đối với sự xuất hiện của ngôn ngữ ở những loài động vật vốn luôn cảnh giác việc bị dối lừa.
Nhưng theo nhà ngôn ngữ học Daniel Dor, những lời nói dối có thể lại chính là động lực giúp ngôn ngữ phát triển và đạt đến mức độ phức tạp hiện nay [8] . Để có thể đọc hiểu bài viết tốt hơn, trước tiên cần làm rõ về mặt khái niệm. Nói dối (lying) là một dạng của hành vi lừa dối (deception), là việc một người đưa ra những tuyên bố mà người đó tin là sai với ý định đánh lạc hướng người tiếp nhận tuyên bố đó [9] .
Trở lại với công trình nghiên cứu của Daniel, ông đồng ý rằng sự xuất hiện ban đầu của ngôn ngữ có thể xuất phát từ mục đích hợp tác xã hội với thiện chí chân thật. Nhưng tại một thời điểm nhất định, cùng lúc với việc cơ bản hình thành xong các yếu tố hình thức và trở thành hệ thống truyền đạt thông tin hữu dụng trong cộng đồng, ngôn ngữ đồng thời cũng phát triển thành một dạng “công nghệ giao tiếp” tiên tiến hơn. Theo Daniel, sự xuất hiện của ngôn ngữ ban đầu để giải quyết những trao đổi đơn giản như “thịt đổi lấy cá”, nhưng chính khoảnh khắc ấy ngôn ngữ cũng bắt đầu phát triển thành một dạng thức phức tạp. Một trong số những khả năng phức tạp có thể kể đến là tham chiếu, tức vượt khỏi phạm vi mô tả hạn hẹp chỉ gói gọn trong những thứ “ở ngay đây” và “vào lúc này”.
Những khả năng phức tạp này một mặt khiến ngôn ngữ mở rộng chức năng giao tiếp và sức mạnh truyền đạt thông tin, trở thành tiền đề cho nhiều yếu tố định hình xã hội loài người – ví dụ truyền dạy cách thức chế tạo công cụ hoặc kêu gọi hành động tập thể. Nó còn đặc biệt quan trọng trong việc đặt nền móng và thúc đẩy khả năng tưởng tượng cũng như mở rộng phạm vi nhận thức về thế giới của con người.
Mặt khác, sự phát triển này cũng tạo điều kiện để hành vi nói dối hình thành, chính nhờ khả năng đề cập đến những thứ mà người cùng tham gia giao tiếp không thể kiểm chứng ngay tại thời điểm hội thoại như đã phân tích ở trên. Dựa trên những thuận lợi mà ngôn ngữ mang lại, hành vi nói dối dễ dàng xuất hiện và ngày càng phổ biến, đến mức khó có thể chế ngự hoàn toàn và triệt để về mặt lý thuyết.
Đa số quan điểm cho rằng nói dối gây cản trở sự hình thành, phát triển hay thậm chí có thể làm sụp đổ sự tồn tại của ngôn ngữ thường chỉ tập trung vào khía cạnh tiêu cực và chống đối xã hội của hành vi này, mà bỏ qua cơ chế đã tạo ra những lời nói dối đồng thời cũng tạo ra hàng loạt thứ hay ho tích cực khác.
Trở lại với khái niệm nói dối, cần lưu ý rằng ý định lừa dối, đánh lạc hướng người khác mới là yếu tố quan trọng, thay vì nhắm vào việc ngôn ngữ đã tạo ra miền đất trừu tượng rộng rãi và thoải mái cho hành vi này. Trên thực tế, vẫn có những lời nói dối tích cực, như lời khen giúp người khác không cảm thấy bị xúc phạm hoặc mất mặt trước đám đông, hoặc việc nói dối nhằm lừa gạt và trừng trị một kẻ nói dối gây hại khác. Thậm chí kể cả với những lời nói dối với có hàm ý tiêu cực vẫn có thể giúp bảo vệ lợi ích của một nhóm khỏi bị xâm phạm bởi nhóm đối địch, như trong mâu thuẫn giữa các băng đảng, và lợi ích của lời nói dối là thứ có thể thấy được khi đặt điểm nhìn ở một trong hai bên.
Ngoài ra, dù có thể tồn tại phổ biến, nhưng không phải mọi lời nói dối đều thành công. Để hoàn thành ý định lừa gạt trục lợi, đòi hỏi kẻ nói dối phải có khả năng tư duy và nhận thức nhất định, đủ để thuyết phục người khác. Trong khi việc nói thật cơ bản là một quá trình tự động trình bày các trải nghiệm có thực, việc nói dối lại đòi hỏi quá trình tưởng tượng và thêu dệt một câu chuyện hư cấu, đồng thời đảm bảo những câu trả lời nhất quán đối với nhiều yếu tố khác có liên quan.
(Hoặc không, hoặc bạn chỉ cần biết cách nói với đúng người hoặc tạo ra một nhóm không có khả năng phân biệt đâu là dối trá đâu là sự thật. Vì khả năng kiểm chứng thông tin và tính logic đôi lúc phụ thuộc vào người nghe).
Chung quy, kẻ nói dối nếu muốn đạt mục đích cần có trí nhớ tốt, khả năng điều khiển cảm xúc lẫn tâm thế sẵn sàng tạo ra nhiều lời nói dối khác để che đậy lời nói dối ban đầu. Nói cách khác, trong kịch bản tồi tệ mà ngôn ngữ và lòng tin xã hội sụp đổ, nói dối khó có thể là nguyên nhân đơn giản duy nhất đứng sau.
Nhưng nói dối vẫn có hại ngay cả khi nó không đủ sức làm sụp đổ những thứ vĩ đại như xã hội hay ngôn ngữ. Vậy làm thế nào để phát hiện kẻ nói dối, vì ngay cả khi việc nói dối là “có ích” hoặc “vô hại” về mặt lý thuyết, tôi đơn giản là chẳng bao giờ muốn bị lừa phỉnh bởi chúng?
2. Những manh mối ngôn ngữ để phát hiện kẻ nói dối.
Nói dối cần thiết cho sự phát triển của ngôn ngữ chỉ là một giả thuyết và hàm ý chính của nó thực ra xoay quanh việc cho rằng sự phát triển của ngôn ngữ bản thân nó đã chừa chỗ cho những lời nói dối, không phải tạo ra chúng. Dù chỉ là một quan điểm thiểu số hiếm hoi, công trình của Dor vẫn cung cấp lời giải thích khả dĩ về sự song hành kỳ lạ của ngôn ngữ và hành vi nói dối.
Hành vi lừa dối trong tự nhiên tồn tại lâu đời và phổ biến đến mức có thể được xem là một dạng bản năng sinh học, trong khi nguồn gốc chính xác của ngôn ngữ vẫn chưa được tìm thấy. Cuối cùng thì ngôn ngữ vẫn xuất hiện, và đồng hành cùng nó suốt trên tiến trình lịch sử xã hội loài người đến tận ngày nay không gì khác chính là những lời nói dối. Vì vậy, ngay cả trong những hoạt động phi ngôn ngữ, sự dối trá vẫn xảy ra một cách liên tục và đều đặn.
Bên ngoài địa hạt ngôn ngữ học, nói dối vốn là đề tài thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu thuộc rất nhiều lĩnh vực như tâm lý học, khoa học thần kinh, triết học, đạo đức học, chính trị – pháp lý, với lịch sử lâu đời không kém hiện tượng phổ biến này. Tuy vậy, hướng nghiên cứu nhằm nhận diện các dấu hiệu của lời nói dối với ý định gây hại lại chỉ mới xuất hiện khá gần đây, sớm nhất là những năm đầu thế kỷ XX [10] .
Tuy đạt một số thành tựu nhất định, nhưng các nghiên cứu bên ngoài lĩnh vực ngôn ngữ lại ít nhiều đòi hỏi sự hỗ trợ của các công nghệ hoặc thiết bị trong việc phát hiện nói dối, ví dụ như công nghệ theo dõi chuyển động của mắt, thiết bị đo điện não (EEG) hoặc chụp cộng hưởng từ chức năng não bộ (fMRI). Điều này khiến việc nhận diện kẻ dối trá phần nào bị hạn chế, vì đây vốn là hiện tượng phổ biến ở ở mức độ đời sống và giao tiếp thường nhật. Nhưng với bản chất là một hành vi giao tiếp dựa trên ngôn từ, các nghiên cứu ngôn ngữ học cũng phần nào mang đến những manh mối giúp người tham gia hội thoại lật tẩy lời nói dối, cụ thể là từ chính những từ ngữ mà kẻ nói dối sử dụng.
Trước tiên, do thiếu vắng trải nghiệm thực tế liên quan đến câu chuyện hư cấu mà mình bịa ra, cùng lúc mang tâm lý muốn tạo khoảng cách giữa bản thân với lời nói dối, kẻ không trung thực thường sẽ tránh hoặc ít sử dụng các đại từ ở ngôi thứ nhất (ví dụ như tôi, của tôi) hơn so với người nói thật [11] . Họ cũng ít dùng đến những mô tả phức tạp cho thấy hành vi tự nhận thức về bản thân ở trong câu chuyện họ kể. Nghiên cứu còn cho thấy người nói dối có xu hướng sử dụng nhiều hơn những từ chỉ cảm xúc tiêu cực, ví dụ như “ghét” hoặc “buồn”. Lời giải thích cho xu hướng này, có lẽ xuất phát từ việc kẻ nói dối cảm thấy tội lỗi về hành vi của mình. Kẻ nói dối cũng sẽ hạn chế dùng câu ở thể phủ định và các mệnh đề quan hệ loại trừ (ví dụ “nhưng”, “ngoại trừ”, “trừ phi”…) để đề phòng việc bị yêu cầu cung cấp các thông tin bổ sung [12] .
Nhìn chung, quan điểm phổ biến cho rằng vì không có thông tin thực về sự kiện được thêu dệt, kẻ nói dối thường sẽ sử dụng số lượng từ ít hơn và cung cấp ít chi tiết hơn về sự kiện. Tuy nhiên, nhận định này tỏ ra không chính xác ở một số bối cảnh giao tiếp nhất định, trong đó kẻ nói dối lại nói nhiều và dài dòng hơn người nói thật, hay còn được gọi là hiệu ứng Pinocchio, lấy cảm hứng từ cậu bé người gỗ với chiếc mũi sẽ bị dài ra mỗi khi không trung thực [13] . Hiệu ứng này đặc biệt đúng nếu những người tham gia giao tiếp không quen biết nhau, ví dụ như trong thí nghiệm mà đối tượng được yêu cầu nói dối trong khi trò chuyện với người khác thông qua giao diện máy tính. Với điều kiện thí nghiệm như trên, người đối diện hoàn toàn không có khả năng xác thực lời nói được đưa ra. Ở phía ngược lại, vì rủi ro bị phát hiện sự dối trá giảm xuống gần như bằng không, người kể có xu hướng thêm thắt nhiều chi tiết hơn để gia tăng tính thuyết phục cho câu chuyện bịa của mình [14] .
Trong giao tiếp đại chúng, những câu chuyện dối trá không đến từ trải nghiệm có thực, nên chúng thường được sao chép, cóp nhặt và do vậy có một vài điểm chung dễ nhận thấy. Đó là những câu chuyện xếp vào nhóm copypasta, những huyền thoại về “có thằng bạn làm cái này hiệu quả lắm”, “ông bác ung thư bệnh viện trả về đi uống thuốc Đông Y thì khỏi”, “có ông thầy giỏi lắm mà hữu duyên mới được gặp”… Bên cạnh đó cũng là hàng loạt quan điểm sai lệch được chép đi chép lại chỉ vì nghe lạ tai.
Trong kỷ nguyên internet, chúng ta có thể gặp lời nói của người khác ở gần như khắp mọi nơi, đồng thời cũng là những điều dối trá ở khắp mọi nơi. Có những thứ vô hại, có những thứ ác ý nhưng không thể phủ nhận rằng tồn tại những tuyên bố không có thực có thể ảnh hưởng sâu sắc đến cách chúng ta tiếp nhận sự thật. Rất nhiều người sẵn sàng dối trá thậm chí không nhằm mục đích gì khác ngoài gây sự chú ý, và điều này thật nguy hiểm. Bên cạnh đó là những dối trá không xuất phát từ cá nhân mà đến từ tổ chức và không chỉ thông qua ngôn từ mà còn bằng hàng loạt phương tiện tinh vi khác.
Sẽ thật tệ nếu chỉ vì một ngày lướt Facebook và vô tình bị tiêm nhiễm những quan điểm sai lệch vào tâm trí.
Vì chúng ta không thể (chưa thể?) kiểm soát được động cơ của những kẻ nói dối, vậy cách tốt nhất là tự kiến tạo cho bản thân một lớp màng bảo vệ trước hàng loạt thông tin bị dội liên tục vào người.
Hãy nhớ lại lý do vì sao bạn biết rằng 3×5=20 là một bài toán sai, Trái Đất phẳng là một quan điểm kỳ quặc và khả năng nhận diện nhanh chóng những kẻ kém cỏi khoe mẽ kiến thức trong lĩnh vực bạn giỏi.
Đúng vậy, kiến thức và bộ não giỏi tư duy chính là lớp màng tôi đang nhắc đến.
(Thậm chí nó còn giúp bạn nói dối giỏi hơn nữa đấy).