“Khi tôi sinh ra mang được ngay tiếng con nhà nghèo…”
Nhiều người khi buồn hay thích nghe những bài hát kiểu này. Một lô một lốc các bài hát than vãn bất lực ra đời trong cái thời hẳn là cuộc sống phải khó khăn. Lời kể than thân cộng với thứ âm nhạc não nề đúng là thứ gia vị không thể hợp hơn dành cho các thanh niên tự kỷ.
Ờ thì nhạc mà, thấy hay thì nghe thôi. Đối với người nghe thì dĩ nhiên chỉ có vậy, nhưng đối với người sáng tác thì không thể ngồi chế ra từ hư không. Như cái thời đói đến độ nhà nào có ăn là nhặt được vợ qua lời kể của Kim Lân. Hay cái thực trạng tây hóa nửa mùa khi Xuân tóc đỏ đổi đời trong câu chuyện của Vũ Trọng Phụng. Tất cả đều là hiện thực đằng sau nghệ thuật.
Có điều cái hiện thực nghèo hèn này nghe riết sẽ bị nhiễm. Bao nhiêu thứ tích cực dần biến hết, vòng xoáy nghe, bất lực cứ thế nó ám ảnh vào trong tiềm thức. Thay vì ngồi than “nhẫn cỏ cho em” thì đứng dậy đi tìm nhẫn kim cương đi. Thay vì ngồi trách mình “đời tôi cô đơn” hay kiểu chúc phúc ấm ức “hoa gấm ngọc ngà luôn vây quanh em cả cuộc đời” thì hạ quyết tâm kiếm ngọc ngà cho người con gái đến sau của mình chả phải hay hơn sao? Rồi có lời than “tỉnh mộng đi em…,” chưa biết người cần tỉnh mộng là anh đó hay cô đó nữa. Tình yêu thực sự phải giúp cuộc sống của bản thân mình và người mình yêu tốt đẹp lên, chứ không phải ép buộc họ phải chịu khổ chung với mình.
Quá dễ để đổ thừa và rồi buông xuôi cho số phận. Khổ thay, những người thất bại luôn luôn không hiểu rằng, cái làm thêm sự thất bại trong tình yêu và cuộc sống không phải là cái nghèo, mà chính là sự tự ti.
Đừng bao giờ thỏa hiệp và tự hào vì mình là kẻ yếm thế. Hãy đứng lên và chiến đấu hết sức mình, để rồi về sau, nếu có vô tình nghe lại những bài hát trên, ta có thể tự nhủ rằng đó là những bài hát hay nhưng cũng may ta không phải là nhân vật chính vì chính ta đã có lựa chọn mạnh mẽ hơn nhiều.
đồng chắp bút bởi Nguyễn Hạo Nhiên