“Điều tuyệt vời nhất là muốn những thứ đúng đắn và không đi lạc khỏi con đường này.” – Triết gia Khắc kỷ Seneca
“Nghĩ lại thì ta đã lãng phí nhiều năm tháng cuộc đời, ta đã luôn trông chờ được chết, ta đã trải qua tình yêu vĩ đại nhất, dành cho người phụ nữ chưa hề làm ta rung động, thậm chí cũng chẳng phải là mẫu người ta thích!”
–Marcel Proust
Nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi là sống một cuộc đời mà tôi thấy hối tiếc.
Thật dễ dàng rơi vào cái bẫy mà Proust nói đến và dành cả đời để theo đuổi mù quáng thứ mà bạn không bao giờ thực sự muốn.
Mù quáng theo đuổi những ham muốn của bạn biến bạn thành nô lệ cho những thôi thúc của mình—nô lệ cho những giả định của những người xung quanh bạn, những quảng cáo mà bạn tiếp xúc và những tín hiệu hóa học hỗn độn trong cơ thể bạn.
Trạng thái mặc định của chúng ta là dành cả cuộc đời giống như lũ chuột mù quáng theo đuổi liều dopamine tiếp theo.
Đây không phải là một cài đặt dễ dàng điều chỉnh lại được, nhưng nó đáng làm, để thay đổi những mục tiêu của chúng ta và trở thành một con người toàn vẹn.
Nếu chúng ta không dừng lại để hỏi bản thân rằng ta muốn mình ham muốn điều gì thì chúng ta sẽ dành cả đời này để tập trung vào những mục tiêu không lành mạnh do kẻ khác và những phần tệ hại nhất của bản thân chúng ta xác định cho chúng ta. Chúng ta sẽ truyền lại những giả định tồi tệ này về cuộc đời cho con cháu ta và những người thân yêu. Chúng ta sẽ củng cố những mặc định nhàm chán, tuyệt vọng này ở tất cả những người ta gặp.
Để đạt được tự do, chúng ta phải có khả năng tự suy nghĩ. Nếu chúng ta không giải quyết từ gốc rễ và lập trình lại những mong muốn của ta (những ham muốn của ta) thì kịch bản ngon lành nhất của chúng ta là trở thành nô lệ nổi tiếng, giàu có và thành công nhất. Nếu chúng ta không xét kỹ việc lập trình của mình thì kết cục chúng ta có thể trở thành những chú chuột thông minh nhất, song điều đó hầu như chẳng đáng tán dương.
Tự hỏi bản thân bạn muốn mình muốn gì có thể giúp bạn tránh được việc ham muốn những điều không nên.
Nó còn có thể giúp bạn vượt qua cuộc khủng hoảng hiện sinh, sự vỡ mộng và những cuộc khủng hoảng khác về ham muốn. Nền văn hóa hiện nay đang phản bội chúng ta theo cách thức mà nó lập trình nên những ham muốn trong chúng ta. Nó khiến nhiều người trong chúng ta kiệt quệ tới nỗi chẳng còn mong muốn bất cứ điều gì nữa.
Đặt câu hỏi này có thể mang đến cho bạn khả năng ham muốn trở lại—để tin tưởng nơi bản thân và những mục tiêu của bạn:
Bạn muốn mình muốn gì?
Để trả lời câu hỏi này một cách nghiêm túc, chúng ta phải hiểu được nó là gì và tại sao nó lại quan trọng, vì vậy chúng ta sẽ bắt đầu ở đó.
Chúng ta sẽ xem xét hai phương cách mà ta có thể bắt đầu giải thoát mình khỏi những ham muốn mặc định của xã hội, và khám phá, chuyển sang sống đúng với những mong muốn của riêng ta.
Nào chúng ta hãy bắt đầu.
Bạn là Thứ bạn muốn
Trong lịch sử nhân loại chưa từng có thời kỳ nào mà con người có thể dễ dàng đổi những ham muốn hiện tại của họ để lấy những ham muốn do họ chủ tâm lựa chọn, nhưng chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà công việc này đặc biệt khó nhằn.
Hiện nay không có một nền văn hóa chủ đạo, cố kết và có vô vàn lựa chọn—có hàng triệu lối sống và niềm tin khác nhau để thử sống theo và một bữa tiệc buffet mang đến vô vàn thứ để ham muốn. Có cả triệu nhà quảng cáo và nhà sáng tạo nội dung đang tranh giành sự chú ý của bạn, lợi dụng những nỗi bất an của bạn. Giờ là giai đoạn cấp tính của những áp lực chồng chéo, và mọi người chưa biết nên đi theo con đường nào.
Trong một thời kỳ như vậy, con người không có đủ ý chí để phân loại hàng loạt lựa chọn, và họ mặc định rằng những thứ nào thỏa mãn ham muốn sinh học của họ (thức ăn, tình dục) hay những mưu cầu mà nhân loại chạy theo suốt hàng ngàn năm qua (giàu sang, danh tiếng, quyền lực).
Triết học Khắc kỷ La Mã thời cổ đại ra đời trong thời kỳ vô tổ chức (anomie), hay “thiếu các chuẩn mực,” giống với thời kỳ của chúng ta. Cấu trúc xã hội của họ đang bị phá vỡ; những trò chơi xã hội bình thường được dùng để phân chia những người có danh dự và đáng kính bị gãy vỡ.
Carlin Barton đã nói như sau trong cuốn Roman Honor: “Với việc đánh mất những quy tắc và điều kiện của cuộc thi đấu tốt, toàn bộ ngôn ngữ của danh dự đã bị ‘phá sập’ và phải được ‘tái tạo lại.’” Hãy tưởng tượng xem điều này sẽ gây ra nỗi hoang mang lo lắng cho một xã hội được xây dựng hoàn toàn trên mục đích sống vì danh dự.
Những nhà Khắc kỷ thời ban đầu phải quay trở lại với những nguyên tắc nền tảng để khám phá ra thứ gì thực sự quan trọng trong đời. Họ phải tự hỏi bản thân những câu hỏi mà chúng ta sẽ xem xét ở đây:
Tôi muốn mình ham muốn điều gì?
Nhiều đấu trường ổn định mà trước đây một người La Mã có thể dành được sự kính nể từ bạn bè anh ta đã sụp đổ. Các triết gia Khắc kỷ bước vào môi trường chân không này, đưa ra chỉ dẫn về cách lèo lái trong thế giới mới phân mảnh của họ.
Bởi lý do này mà những triết gia thời cổ đại đó đặc biệt hữu ích trong việc làm sáng tỏ những gì đang làm con người thời hiện đại đau khổ và dạy chúng ta cách kiến thiết lại một hệ thống mà chúng ta có thể phát triển. Ví dụ, Seneca đưa ra nhận định này về những người không dám chịu trách nhiệm cho những thứ mà họ ham muốn ở thời của ông ấy:
“Nếu anh hỏi một người trong số họ khi anh ta bước ra khỏi nhà, ‘Anh đi đâu thế? Anh đang nghĩ gì vậy?’ anh ta sẽ đáp, ‘Tôi chẳng biết nữa; nhưng tôi sẽ nhìn sang vài người, tôi sẽ làm một cái gì đó.’ Họ lang thang khắp nơi, vô mục đích, tìm việc làm, và họ không làm việc mà họ dự định, mà họ làm những việc mà họ tình cờ gặp. Sự lang thang của họ là vô nghĩa và biếng nhác, giống như những con kiến bò qua bụi rậm, chúng tìm đường bò lên đến cành cây trên cùng rồi lại bò xuống một cách vô mục đích. Nhiều người đang sống một cuộc đời giống như những sinh vật này, và anh không vô cớ mà gọi nó là sự biếng nhác bận rộn.”
Nghe quen quen đúng không? Cuộc đời lang thang như vậy cũng cũ rích như bản thân nền văn minh, nhưng chúng ta đâu cần phải góp mặt.
Trong thời đại của sự bất định và linh hoạt như thời của Seneca và của chúng ta—khi mọi thứ dường như hỗn loạn và chẳng ai biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo—biết được bạn muốn mình muốn gì, và có khả năng lập trình lại những ham muốn mặc định của bạn, cả hai đều tối quan trọng và duy nhất khả thi.
Tại sao những thứ bạn muốn lại quan trọng
“Mọi khả năng của kích thích và sự xao lãng đều được [tâm trí] chào đón—thậm chí còn được săn đón nhiều hơn bởi những kẻ có nhân cách yếu nhược, những kẻ thích bào mòn sinh lực của mình trong sự bận rộn. Có những cơn đau thể xác luôn chào đón những bàn tay sẽ gây tổn thương thêm cho chúng, và luôn khao khát được đụng chạm, như một chỗ ngứa muốn được gãi: cũng vậy, ta có thể nói rằng những tâm trí chất chứa những tham vọng đã bùng phát như những cơn đau dai dẳng sẽ luôn thèm khát sự mệt nhọc và khó chịu.”
–triết gia Khắc kỷ Seneca, Tâm tĩnh lặng
Khi Jack London và vợ ông chuẩn bị cho một cuộc hải hành trên một con thuyền nhỏ, bạn bè gọi họ là đồ khùng điên. Họ không hiểu được tại sao London lại muốn làm một việc quá ư khó khăn, đầy nguy hiểm như vậy. Đó lại là “con đường dễ nhất”—là một quyết định dễ dàng đối với London, cũng giống như quyết định dễ dàng ở lại trên đất liền đối với bạn bè ông. Ông thuật lại lý do tại sao ông lại thực hiện chuyến đi:
“Từ tối thượng đó là Tôi Thích. Nó nằm bên dưới triết học, và bao bọc quanh tâm điểm cuộc sống. Khi triết học lảm nhảm những điều chán ngắt trong cả tháng trời, khuyên nhủ một cá nhân rằng anh ta cần phải làm gì, ngay lập tức, người ấy bèn đáp, “Tôi thích,” và làm việc khác…
Đó là lý do tại sao tôi đang đóng tàu. Tôi buộc phải làm vậy. Tôi thích, chỉ có vậy thôi.”
Ham muốn mặc định của ông là phiêu lưu mạo hiểm, vì lẽ ấy, phiêu lưu là lựa chọn hiển nhiên.
Ham muốn của chúng ta định nghĩa nên những con đường dễ dàng nhất của ta.
Các nhà tâm lý học khám phá ra chúng ta đều có một lượng sức mạnh ý chí giới hạn. Điều này có nghĩa là nếu bạn phải đấu tranh khó nhọc để làm điều đúng thì rốt cuộc bạn sẽ thua mà thôi.
Những ham muốn của bạn giống như những kênh đào chạy qua vùng đất của cuộc đời bạn; nước (hành vi của bạn) sẽ tự động chảy theo bất cứ con đường nào mà những mạch nước này được đào ra và dẫn đến.
Nếu bạn sống cuộc đời thụ động thì những kênh đào ấy được tạo thành từ những (ham muốn) mặc định vô tri, ăn sâu vào tâm khảm, được hình thành nên bởi sinh học của bạn và những áp lực xã hội.
Tuy nhiên, tin tốt là những kênh đào ấy không cố định và có thể thay đổi được; bạn có thể tạo ra những đường dẫn năng lượng mới chảy theo hướng mà bạn chọn.
Những ai nghiêm túc xem xét thứ mà họ muốn mình muốn sẽ đi xa hơn cả dặm so với những người vẫn luôn chạy theo truyền thông, quảng cáo, và những cộng đồng họ đã lựa chọn một cách mù quáng.
Việc bắt tay vào công việc ngay từ giờ để tạo ra những ham muốn mặc định của bạn hứa hẹn sẽ trả cho bạn cổ tức khổng lồ trong suốt quãng đời còn lại của bạn.
Khả năng lập trình lại những ham muốn mặc định của bạn
Không dễ để rời bỏ những cài đặt mặc định của sinh học và nền văn hóa, để lập trình lại những ham muốn của bạn. Nhưng đó cũng không phải là chuyện bất khả thi.
Những lợi ích của việc thiết lập những ham muốn mặc định của bạn đã được thừa nhận trong nhiều thiên niên kỷ. Khổng tử xem kiểu lập trình lại này là thiết yếu để ngộ ra vô vi—hành động trôi chảy tự nhiên. Edward Slingerland giải thích về quá trình đạt được nó trong Trying Not To Try:
“Trong giai đoạn đầu của quá trình rèn luyện, một Nho gia cần phải ghi nhớ cả tủ kinh thư, học cách cúi đầu theo góc độ đúng chuẩn, và ghi nhớ độ dài những bước đi khi anh ta bước vào sảnh đường. Tấm đệm ngồi của anh ta phải luôn thẳng thớm. Tuy nhiên tất cả những cương luật và quy tắc này nhắm tới mục đích cuối là để sản sinh ra một hình thức của sự tự giác được rèn dũa, nhưng không kém phần chân thành. Thực chất, quá trình rèn luyện chưa được xem là hoàn thiện cho đến khi một người đã hoàn toàn không cần đến suy nghĩ và cố gắng. ”
Nói cách khác, thông qua việc luyện tập có chủ đích mà lúc đầu khiến ta cảm thấy tẻ nhạt, nhưng cuối cùng chúng ta sẽ đạt đến điểm mà chúng ta muốn những thứ mà ta muốn mình muốn.
Lập trình lại những ham muốn mặc định của bạn (ham muốn quen thuộc) và đạt được vô vi có thể mất cả cuộc đời. Khổng Tử đo lường tiến bộ của ông ấy không phải theo ngày, theo tuần hay thậm chí theo năm, mà là theo thập kỷ:
“Ta tới mười lăm tuổi mới chuyên chú vào việc học, ba mươi tuổi mới tự lập, bốn mươi tuổi mới thấu hiểu hết sự lý trong thiên hạ, năm mươi tuổi mới biết mệnh trời, sáu mươi tuổi mới có kiến thức và kinh nghiệm hoàn hảo để có thể phán đoán ngay được mọi sự lý và nhân vật mà không thấy có điều gì chướng ngại khi nghe được, và bảy mươi tuổi mới có thể nói hay làm những điều đúng theo ý muốn của lòng mình mà không ra ngoài khuôn khổ đạo lý.”
Chúng ta có lẽ sẽ chẳng bao giờ chạm được đến điểm tối thượng mà Khổng Tử mô tả (một phần vì chúng ta thấy không thể xác định được điều hoàn hảo để ta muốn mình ham muốn!) nhưng nếu chúng ta nỗ lực trong chuyện này thì đảm bảo sẽ đạt được tiến bộ.
Làm thế nào để khám phá được những điều bạn muốn và Thật sự ước muốn nó
Một khi bạn hiểu rằng bạn là những gì mình ham muốn, và bạn có thể lập trình lại mong muốn của mình, vậy thì khi ấy nhiệm vụ của bạn là khám phá những điều bạn muốn mình ham muốn trong cuộc đời, và làm thế nào để muốn những thứ mà bạn muốn. Bạn có thể làm việc ấy bằng cách
1) Thử nghiệm và tìm kiếm trải nghiệm trực tiếp
2) ở cạnh những người cũng muốn những điều tương tự ấy.
Trải nghiệm trực tiếp: Nhìn thấy bản chất của sự việc
“Chúng ta chủ yếu đau khổ không phải tại vì những thói hư tật xấu hay những khuyết điểm của chúng ta, mà là bởi vì những ảo tưởng của ta. Chúng ta bị ám ảnh không phải bởi thực tế, mà bởi những hình ảnh mà chúng ta đặt vào thực tế. Và trong suốt quãng thời gian đó, thực tế—kiểu thực tại mà Lincoln nói đến, đang chầm chậm diễn ra từng ngày— trong hậu trường, hầu như không được chú ý đến. Khi chúng ta gào thét trước những chữ số nhấp nháy, vẫy tay với người đàn ông trong bộ áo choàng, và ngấu nghiến từng mẩu tin giải trí mà bọn ‘chó săn tin’ ói ra, cuộc sống sẽ trôi qua.”
–New Philosopher issue #10, Famous for $15
“Không phải công việc làm cho con người ta chộn rộn, mà chính nhìn nhận sai lầm về sự vật đã làm cho họ cuồng điên.”
–Seneca, Tâm tĩnh lặng
Khi chúng ta ham muốn thứ sai trái, ấy thường là vì sự bóp méo xuyên tạc hoặc trừu tượng. Khi chúng ta không thể thấy rõ thì chúng ta cũng không thể ham muốn một cách sáng suốt.
Một trong những cách hay nhất để luôn biết được những thứ mà bạn muốn mình ham muốn, đó là chú ý đến trải nghiệm trực tiếp của bạn. Điều đó có nghĩa là luôn hiện hữu với những gì đang thực sự diễn ra.
Chẳng có cách nào tốt hơn để làm điều này ngoài thử nghiệm.
Chọc và thúc
Các nghiên cứu về hạnh phúc cho thấy khả năng tưởng tượng về tương lai vô cùng hữu ích của chúng ta hóa ra lại vô dụng trong việc giúp chúng ta xác định được những thứ sẽ làm cho ta hạnh phúc
Bởi trí tưởng tượng của chúng ta quá tuyệt vời trong nhiều chuyện nên chúng ta thường dựa dẫm vào nó, ngay cả trong những tình huống mà nó hoàn toàn vô dụng. Mẹo hay nhất mà tôi tìm ra để chống lại điều này, đó là phát triển một khuynh hướng thiên về hành động.
Khuynh hướng thiên về hành động là cách tốt nhất để đảm bảo rằng chúng ta luôn kết nối với thực tại; đó là cách phòng ngự hữu hiệu nhất của chúng ta để chống lại những ham muốn mà ta không muốn mình ham muốn.
Thay vì mất cả đời để tưởng tượng sự việc có thể diễn ra như thế nào, tốt hơn hết là chúng ta nên thử trải nghiệm và đưa ra nhận định.
Cho dù đó là chuyển đổi nghề, áp dụng một lối tư duy mới, hay bất cứ thứ gì khác, chúng ta đều có thể thử quyết định và tự mình kiểm tra.
Chúng ta có thể thiết lập những thử nghiệm để xem thử mình thật sự thích từng cái ra sao.
Nếu chúng ta làm điều này một cách nhất quán thì chúng ta sẽ tiến tới những ham muốn mà chúng ta muốn mình ham muốn một cách đáng tin cậy.
Chẳng hạn, chúng ta có thể tin chắc rằng ta muốn trở thành diễn viên sau khi xem xong một bộ phim. Nhưng phải tới lúc ta bắt đầu quá trình học diễn xuất và đi thử vai thì chúng ta mới thực sự biết được liệu mình có thích diễn xuất hay không. Sự lặp đi lặp lại của các cảnh, liên tục bị từ chối và lao động cảm xúc chỉ có thể hiểu thấu nhờ trải nghiệm trực tiếp.
Trải nghiệm trực tiếp sẽ giúp chúng ta tập trung lại vào con đường đúng đắn trong cuộc đời. Con đường lấp lánh thoạt đầu trông có vẻ tốt đẹp hơn, nhưng khi ta bắt đầu bước đi, chúng ta mới bắt đầu nhận ra những chi phí ngầm: tình bạn hời hợt, những kẻ thù được tạo ra, vai trò của may mắn bị đánh giá thấp cùng tất cả những chi tiết nhỏ khác bị che khuất.
Chúng ta càng cảnh giác về điều này thì những ham muốn của chúng ta càng tuôn trào từ chính trải nghiệm của ta thay vì từ những tác động bên ngoài. Chúng ta càng chú ý đến trải nghiệm của mình thì chúng ta càng có thể xác định đúng những thứ mà ta muốn mình ham muốn.
Đấy là là do khi tập trung vào trải nghiệm trực tiếp của chúng ta đã tước đi những tấn tuồng khỏi cuộc sống của chúng ta, mà chúng vốn tồn tại trong sự trừu tượng. Nhu cầu xuất hiện như một đấng anh hùng hay bá chủ của vũ trụ tan biến khi bạn tập trung vào công việc trước mắt.
Antoine de Saint-Exupery tưởng nhớ về một người bạn, Guillaumet, người nổi danh vì lòng dũng cảm trong nhiều cuộc phiêu lưu mạo hiểm đe dọa đến tính mạng:
“Nếu chúng ta nói chuyện với anh ấy về lòng can đảm của anh, Guillaumet sẽ nhún vai. Nhưng sẽ thật sai lầm khi tán dương tính khiêm tốn của anh ấy. Vị trí của anh vượt xa cái phẩm hạnh xoàng xĩnh đó.
Nếu anh ta nhún vai thì ấy là vì anh ta không phải kẻ ngốc. Anh ta biết rằng một khi người đàn ông bị cuốn vào một sự việc thì họ sẽ không còn sợ hãi. Chỉ những điều chưa được biết đến mới làm con người sợ sệt. Nhưng khi một người đàn ông dám đối diện với điều chưa được biết ấy thì giờ đây nỗi kinh sợ đó đã được nhận biết.”
Một cam kết đối với những thử nghiệm và tích lũy kinh nghiệm trực tiếp là một cam kết đối mặt với điều chưa biết. Đó là một cam kết xóa tan những nỗi kinh hoàng tồn tại trong trí tưởng tượng của chúng ta. Sự cứu rỗi của chúng ta không nằm ở việc tái diễn lại kịch bản một lần nữa, mà nằm ở việc tiến thêm một bước về phía trước.
Thẻ điểm nội tâm
“Câu hỏi lớn về cách mọi người hành xử ấy là liệu họ đang nhận được một Thẻ điểm bên trong hay Thẻ điểm bên ngoài. Sẽ có ích nếu bạn có thể thỏa mãn với một Thẻ điểm bên trong.
Tôi lúc nào cũng hỏi theo kiểu này: ‘Nhìn xem. Bạn có muốn trở thành người tình tuyệt vời nhất thế gian, nhưng lại bị thiên hạ nghĩ rằng bạn là người tình tồi tệ nhất trần đời? Hay là bạn thà là người tình tệ nhất trần đời nhưng được thiên hạ tin rằng bạn là người tình tuyệt vời nhất thế gian?’ . . . Giờ thì đến bố tôi: Ông là một người có Thẻ điểm nội tâm 100 phần trăm. Ông ấy quả thực là một người có tư duy và hành động độc lập (maverick). Nhưng ông không phải là một maverick chỉ vì lợi ích của một maverick. Ông không quan tâm đến những điều mà người khác nghĩ.”
–Warren Buffett
Nếu chúng ta xao lãng khỏi những thứ mà ta muốn mình ham muốn trong chốc lát thì các nhà quảng cáo và những người khác sẽ nắm quyền chỉ huy những ham muốn của chúng ta. Đấy là lý do tại sao chúng ta bắt buộc phải tập trung vào những thứ mà chúng ta đang cố gắng đạt được với những thử nghiệm đó.
Chúng ta cần một cách để đánh giá chính mình để kẻ khác không thể định đoạt được giá trị của chúng ta.
Hãy tưởng tượng một vận động viên marathon và một vận động viên chạy nước rút cạnh nhau. Anh chàng chạy marathon sẽ thấy mất mặt nếu anh ta nghĩ rằng họ đang ở trong cùng một cuộc đua. Còn bản ngã của vận động viên chạy nước rút có thể sẽ được thổi phồng lên.
Đây là những gì có thể xảy ra với chúng ta nếu chúng ta sử dụng không đúng thẻ điểm. Chúng ta nhìn thấy ai đó đã đạt được nhiều thành tựu hơn mình. Chúng ta quên rằng họ đã theo vụ này suốt 10 năm, hay chúng ta hoàn toàn không nhận thấy những hy sinh của họ trong đời sống cá nhân.
Thẻ điểm bên trong cho phép chúng ta tôn trọng trải nghiệm trực tiếp của mình bằng cách biến những mục tiêu của chúng ta trở thành tâm điểm của chúng ta, không bị tách rời và trôi nổi xung uanh nền văn hóa quảng cáo và những chương trình truyền hình.
Chu kỳ giữa những cuộc thử nghiệm và thẻ điểm bên trong giúp làm dịu đi những giọng nói bên ngoài đó và vun bồi sự tôn trọng đối với trải nghiệm của chúng ta. Chúng ta học cách tin tưởng vào thực tại của mình hơn là những tiếng gào thét của những kẻ bịp bợm và đám đông bấn loạn. Chúng ta có thể đạt được khả năng tiếp tục cố gắng khi thích hợp, và thay đổi lộ trình khi cần.
Hãy xem xét những thử nghiệm khả thi mà bạn có thể thực hiện trong cuộc sống của bạn:
Một vài chiến thuật
- Ưu tiên hành động hơn sự trừu tượng. Cam kết hành động theo những gì mà bạn muốn mình ham muốn trước khi muốn nó và chẳng mấy chốc bạn sẽ biết được mình có muốn thứ đó không.
- Tạo ra những thói quen bằng cách xâu chuỗi các hành động đó lại với nhau. Chỉ sau lần tắm nước lạnh thứ 20 thì bạn mới có thể bắt đầu yêu thích việc tắm nước lạnh.
- Thiền sẽ làm cho hành động của bạn ít phản ứng lại bằng việc tạo ra khoảng cách giữa “bạn” và những ý nghĩ/cảm xúc/thôi thúc của bạn.
- Đặt mình vào những tình huống mà bạn hòa mình vào hoạt động mà bạn đang rèn luyện. Theo định nghĩa thì đây là hình ảnh thu nhỏ của việc chú ý đến trải nghiệm của bạn.
- Học cách yêu thích tước đi của bản thân những ham muốn quen thuộc nào đó (như tắm nước ấm, đồ ngọt, cafe, phim khiêu dâm.) Điều này sẽ cho bạn thấy những ham muốn của bạn dễ uốn nắn ra sao. Sau một thời gian bạn sẽ bắt đầu thấy vui thích khi tự kiểm soát bản thân. Ngoài ra, ý chí của bạn cũng sẽ tăng lên. Điều này có thể thay đổi những gì bạn nghĩ về bản thân ham muốn. Khi bạn bắt đầu tìm thấy niềm vui từ việc tước đi của bản thân những thứ mà bạn ham muốn, bạn sẽ nhận ra bạn có quyền kiểm soát nhiều ra sao đối với những ham muốn ấy.
- Hãy tưởng tượng Chúa hay một người mà bạn kính trọng (ông bà, cha mẹ, danh nhân lịch sử…) đang quan sát bạn, điều này sẽ giúp bạn chú mục vào những việc bạn đang làm theo một cách mới mẻ và đầy sức mạnh.
- Ghi nhật ký dòng suy nghĩ của bạn sẽ giúp bạn phóng ngoại những ý nghĩ để bạn có thể thấy rõ ràng những ý nghĩ nào xoay quanh các ham muốn hiện tại của bạn. Dành 20 phút viết liên tục là một liệu pháp đầy bất ngờ.
Cộng đồng: Ở gần những người mà ham muốn của bạn giống như họ
Bạn sẽ dễ trở thành người ăn chay nếu bạn sống trong tu viện Phật giáo hơn là nếu cha bạn là người bán thịt.
Một khi bạn đã biết được những thứ mà bạn muốn mình ham muốn thì bạn cần ở gần những người cũng muốn (hay ca ngợi) điều tương tự. Điều này là do “ham muốn có tính bắt chước”—về cơ bản thì chúng ta muốn những thứ mà người khác muốn. Sức hấp dẫn của một ai đó phần lớn nằm ở chỗ những người khác cũng bị thu hút bởi họ.
Hãy tận dụng sự bắt chước ham muốn này để làm lợi cho bạn bằng cách ở gần những người muốn những thứ mà bạn muốn mình ham muốn.
Nếu bạn muốn bớt ám ảnh với chuyện kiếm tiền thì hãy tham gia làm tình nguyện tại một bếp ăn tình thương. Nếu bạn muốn rèn luyện sức khỏe thì hãy tham gia CrossFit gym.
Sử dụng cộng đồng để hỗ trợ cho những điều mà chúng ta muốn mình muốn không phải là quay lưng lại với lòng tin nơi bản thân hay những thẻ điểm bên trong của chúng ta. Mà chỉ đơn giản là đặt mình vào những tình huống nơi mà những chuyện đó trở nên khả thi hơn. Chúng ta không dựa dẫm vào người khác để nói cho ta biết mình nên ham muốn điều gì; mà chúng ta tự quyết định về những mong muốn của bản thân, và một khi chúng ta bắt đầu đi theo con đường mình chọn lựa, chúng ta cho phép người khác hỗ trợ ta trên hành trình này.
Sự tự do tuyệt đối được xem là mục tiêu quá lâu đến nỗi chúng ta gần như quên mất những lợi ích mà những ràng buộc trong cộng đồng có thể mang lại.
Những ràng buộc tỉnh táo
Chúng tôi đã đưa ra ý tưởng về anomie (khái niệm chỉ sự rối loạn, vô tổ chức do không tuân thủ các qui tắc, các chuẩn mực xã hội nơi các cá nhân) trong phần giới thiệu; sự thiếu chuẩn tắc xã hội này có thể là một trong những thứ quỷ quyệt nhất mà mà chúng ta buộc phải đối mặt ngày nay, và tham gia vào một cộng đồng là vũ khí hùng mạnh nhất của chúng ta để chống lại nó.
Jonathan Haidt đã mô tả rất hay về anomie trong The Happiness Hypothesis (Giả thuyết Hạnh phúc):
“Anomie là tình trạng của một xã hội thiếu các quy tắc, chuẩn mực hay tiêu chuẩn rõ ràng về giá trị. Trong một xã hội anomic, mọi người có thể làm những việc theo ý thích của họ; nhưng khi không có những chuẩn mực rõ ràng hay những thể chế xã hội được tôn kính để thực thi những chuẩn mực đó, người ta sẽ thấy khó mà tìm được những việc mà họ muốn làm. Anomie sinh ra cảm giác lo lắng và mất điểm tựa, dẫn đến sự gia tăng những hành vi vô đạo đức và chống đối xã hội.”
Cộng đồng có thể cung cấp những quy tắc, chuẩn mực và tiêu chuẩn về giá trị, cần thiết để giúp đầy lui tình trạng lo lắng và không có điểm tựa của anomie.
Đây là chìa khóa dẫn đến thành công rực rỡ của CrossFit. Mọi người không phải chỉ nghiện mỗi mục tiêu trở nên khỏe mạnh hơn. Mà chính là việc tham gia vào một cộng đồng mà ở đó mọi người đều có chung mục tiêu và cam kết tuân theo quá trình giống nhau để nhắm đến mục tiêu đó. Có những cách rõ ràng để nhận được sự tôn trọng và kính nể.
Cộng đồng mà bạn chọn sẽ uốn nắn con người bạn đến mức độ gần như không thể đánh giá được, vậy nên điều quan trọng là biết chọn cho khôn ngoan. Quan trọng là biết được điều mà bạn muốn mình muốn để kết cuộc bạn không chọn một cộng đồng ép bạn ham muốn điều ngược lại.
Kén chọn người mà bạn dành thời gian cho họ
Người Amish là bậc thầy về điều này. Là một cộng đồng, họ không ngừng tập trung vào những điều họ muốn mình muốn và sử dụng cộng đồng để giúp củng cố những ham muốn này lẫn nhau. William Irvine (ND: cũng là tác giả cuốn Chủ nghĩa Khắc kỷ mà page dịch) đã thảo luận về điều này trong cuốn sách On Desire:
“Một trong những mối quan tâm hàng đầu của người Amish là kiểm soát được những ham muốn xã hội của họ. Phần đông chúng ta đều tìm kiếm sự đề cao bản thân. Chúng ta muốn người khác chú ý, tôn trọng hay ngưỡng mộ mình. Thậm chí chúng ta còn muốn kẻ khác ganh tỵ với ta. Những ham muốn xã hội đó đang cai trị cuộc đời chúng ta ở một mức độ đáng kể. Chúng định đoạt nơi ta sống, cách ta sống và ta nỗ lực ra sao để duy trì được lối sống mà ta đã chọn. Người Amish thì ngược lại. Họ không ăn mặc để gây ấn tượng, họ ăn mặc để hòa hợp …Tương tự thế, những chiếc xe ngựa của người Amish trông giống nhau vì không ai muốn mua một chiếc xe ngựa để nổi bật. Những người Mỹ–không phải người Amish làm việc chăm chỉ để ‘bằng chị bằng em’; trái lại, người Amish, nỗ lực để không đua đòi.”
Ngay cả khi thứ mà chúng ta muốn mình ham muốn khác biệt với người Amish, thì cam kết hình thành cộng động của họ rất đáng để bắt chước. Chúng ta phải cực kì cẩn trọng khi giao du với người khác khi nhìn lại những thứ mà chúng ta muốn mình muốn. Hầu như tất cả mọi người mà bạn gặp sẽ nói với bạn—một cách trực tiếp hay gián tiếp—rằng bạn nên ham muốn điều gì; hãy đảm bảo rằng đấy là thứ mà bạn muốn mình ham muốn.
Triết gia Khắc kỷ Seneca ví điều này với một căn bệnh:
“Giống như trong thời đại dịch chúng ta phải cẩn trọng không ngồi gần những con người mà cơ thể của họ đã mắc căn bệnh truyền nhiễm, bởi vì chúng ta có khả năng sẽ gặp nguy hiểm và hơi thở của họ phả vào chúng ta, cho nên trong việc chọn bạn mà chơi chúng ta nên cẩn thận để tìm được những người ít bị tha hóa nhất: đồng điệu với những con người bệnh tật chính là cách làm cho một căn bệnh bùng phát.”
Đây không phải là lời kêu gọi hãy cắt đứt quan hệ với những ai không hoàn hảo (lúc đó chỉ có mỗi bạn và Đức Chúa Jesus chơi với nhau), mà đó là một thứ gì đó để vươn tới. Seneca nói tiếp:
“Nhưng không phải ta bắt ép anh không được đi theo và kết bạn với ai ngoài một nhà thông thái. Bởi vì anh có thể tìm ở đâu ra con người mà tất cả chúng ta luôn tìm kiếm trong hàng thế kỷ? Lý tưởng nhất đó là ta phải chấp nhận những con người ít lầm lỗi nhất. ”
Làm sao chúng ta có thể cân đo được những “con người ít lầm lỗi nhất”? Chúng ta phải cư xử như thế nào với những người mà chí hướng của họ không đồng nhất với ta?
Khả năng của Ham muốn hướng thượng trong một thế giới đầy ham muốn hạ lưu
Gần đây tôi có gặp một người sống ở phía bắc Missouri mà không có điện sinh hoạt hay bất kỳ dụng cụ hiện đại nào. Anh ấy và một nhóm người nhỏ bị xã hội ghê tởm và muốn nhóm đó tan rã càng sớm càng tốt. Với tôi thì việc này tựa như một nỗ lực đơn độc, đáng ghét.
Chúng ta đều cảm thấy những áp lực xã hội đó dường như thiếu lành mạnh. Bất kỳ ai cũng đều có thể nhìn xung quanh và xem thế giới này còn cách thế giới lý tưởng bao xa. (Mặc dù chúng ta hầu như chẳng dành chút thời gian nào để định nghĩa về “lý tưởng” ngay từ đầu.) Nhưng câu trả lời cho phần lớn chúng ta không phải là bỏ trốn đến một vùng khỉ ho cò gáy hay tìm đến một tu viện.
Chúng ta cần một cộng đồng có thể giúp uốn nắn những ham muốn của ta, đồng thời vẫn giữ được khả năng tự do dấn thân vào xã hội.
Pope Francis mới đây đã lên tiếng về chuyện này:
“Chẳng có ai đòi quay lại thời kỳ đồ đá, song chúng ta cần chậm lại và nhìn nhận thực tế theo cách khác, để biết ơn những tiến bộ tích cực và bền vững đã đạt được, nhưng cũng đồng thời khôi phục lại những giá trị và mục tiêu trọng đại bị quét sạch bởi ảo tưởng vĩ cuồng không biết tiết chế của chúng ta.”
Bạn có thể bơi ngược lại với những ham muốn mặc định thông thường của xã hội mà không cần thoát ra khỏi dòng sông.
Bạn có thể chấp nhận và học hỏi từ những ham muốn lầm lạc của người khác mà không cảm thấy áp lực phải chạy theo chúng.
Nếu chúng ta có thể nhìn thấy xuất thân của người khác và điều gì đang định hình những ham muốn của họ thì chúng ta sẽ có cơ may tốt hơn để nhận ra những ham muốn của bản thân. Phần đông chúng ta nhiều khi thấy quá mệt mỏi và quá sợ hãi khi thách thức những thứ mà chúng ta muốn mình ham muốn. Thay vào đó, chúng ta muốn người khác cũng phải chạy theo những thứ dễ đạt được giống mình để xác nhận trò chơi mà chúng ta đã lựa chọn.
Chúng ta nên dành lòng khoan dung đối với những ai đang bị chi phối bởi những ham muốn mặc định của xã hội.
Và chúng ta nên có sự trắc ẩn đối với chính mình khi có những lúc mà ta quá mệt mỏi để bơi ngược dòng, và chọn đi theo con đường dễ dàng nhất.
Nó xảy ra với tất cả chúng ta.
Chỉ cần tự hỏi bản thân chúng ta muốn mình ham muốn điều gì, và xem xét câu trả lời thật nghiêm túc, sẽ làm bạn tách biệt khỏi đám đông.
Hãy ở gần những người cùng chung lý tưởng–đám đông của bạn—sẽ đưa bạn đi xa hơn nữa. Thuộc về một cộng đồng gồm những cá nhân cùng chung chí hướng sẽ tạo ra một dòng chảy giúp bạn dễ dàng bám chặt vào mục tiêu của mình hơn, và thậm chí có thể biến những điều mà bạn muốn mình ham muốn trở thành ham muốn mặc định của bạn.
Một số chiến thuật
- Chọn 5 cộng đồng và liệt kê 5 ham muốn họ tạo ra ở các thành viên.
- Hẹn hò vì cùng ham muốn. Người yêu của bạn sẽ có một tác động to lớn đến thứ mà bạn ham muốn; đảm bảo rằng họ muốn (hoặc muốn mình muốn) thứ mà bạn muốn mình muốn.
- Lập một hội huynh đệ.
- Liệt kê 5 người mà bạn thích dành nhiều thời gian bên họ nhất và 5 người bạn ghét dành thời gian cho họ nhất. Nếu lý do để dành nhiều thời gian nhất cho 5 người là phù hợp những ham muốn của bạn, vậy thì hãy tìm cách để dành nhiều thời gian hơn cho họ (và bớt thời gian với những người khác).
- Loại bỏ những người độc hại ra khỏi đời bạn.
- Đọc những cuốn sách hay (chứ không phải những cuốn nổi tiếng, mà phù hợp nhất với điều mà bạn muốn mình muốn)
- Chú ý đến những điểm khác biệt trong thứ mà bạn ham muốn khi bạn gặp những người khác nhau.
http://tamlyhoctoipham.com/ban-muon-minh-ham-muon-dieu-gi