“Chính tri thức của chúng ta – những thứ mà ta đinh ninh – là cái khiến cho thế giới này trở nên lầm lạc và là nguyên nhân chính cản trở chúng ta trên con đường học hỏi và thấu hiểu,” nhà phóng sự điều tra Lincoln Steffens đã từng viết trong một tiểu luận của ông vào năm 1925. Sự thật sâu sắc là thế, nhưng chúng ta cũng biết, chí ít là từ trong Dụ ngôn Hang động nổi tiếng của Plato, rằng “đa phần mọi người chẳng những thường cảm thấy an toàn và thoải mái hơn trong sự thiếu hiểu biết của mình, mà còn thường không thích khi bị người khác chỉ ra điều đó.” Mặc dù sự tiến bộ của khoa học có được chủ yếu là nhờ khoa học tự ý thức được những điều mà nó chưa biết, mặc dù các bậc hiền triết vẫn không ngừng khuyên răn chúng ta rằng trở ngại lớn nhất trên con đường phát triển chính là những ảo tưởng rằng ta đã hiểu thấu vấn đề, nhưng hầu hết chúng ta vẫn bám riết những tri thức đã biết – những tri thức chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện, và chẳng thấm vào đâu – như thể đang bám riết chính sự sống, vì đó là “vùng an toàn” (comfort zone) của mình.
Hình hài của những gì ta biết đơn thuần chỉ là cái bóng mờ do ánh sáng vô biên của những gì còn chưa biết trên bức màn của những gì có thể biết được. Tư tưởng gia E. F. Schumacher từng cố diễn đạt mối quan hệ lạ thường này trong khái niệm “adaequatio” của ông – quan niệm cho rằng “sự thấu hiểu của một chủ tri phải tương xứng với đối tượng khả tri (“the understanding of the knower must be adequate to the thing to be known.”) Nói cách khác, sự hiểu biết chỉ diễn ra khi tri thức của chúng ta có đủ khả năng nắm bắt thực tại của đối tượng hay khái niệm mà ta muốn biết. Nhưng nếu thế thì làm sao chúng ta có thể đối diện với sự thiếu tương xứng rõ ràng của bản thân mà không mất đi nhuệ khí, đồng thời có thể di chuyển một cách khôn ngoan qua những căng thẳng không ngừng giữa cái đã biết, cái chưa biết, cái có thể biết, và cái không thể biết?
Học giả, tác giả huyền thoại người Ý Umberto Eco là một trong những con người tiêu biểu cho việc học trọn đời, một người suốt đời không ngừng mày mò nghiên cứu, dấn thân vào cái chưa biết. Ông nổi tiếng là người sở hữu một thư viện cá nhân với hơn 30.000 cuốn sách. Tuy nhiên, thay vì là một sự phô trương tri thức đơn thuần, thư viện của Eco phản ánh quan niệm của ông về những cuốn sách trên kệ mà ông chưa đọc, như tác giả Nassim Nicholas Taleb từng gọi là một “Phản thư viện (Antilibrary)”. Mối quan hệ giữa ông với những cuốn sách chưa đọc gợi nên nhiều ý tưởng quan trọng về mối quan hệ giữa con người, tri thức, và sự học trọn đời.
Nói về thư viện của Eco, tác giả Taleb viết: “Umberto Eco thuộc về một hàng ngũ hiếm hoi của những học giả có tri thức bác học, sâu sắc, nhưng lại không nhàm chán. Ông là chủ sở hữu của một thư viện cá nhân đồ sộ (với hơn 30 ngàn đầu sách), và ông phân khách đến thăm nhà mình thành hai loại: những người trầm trồ, ngỡ ngàng: “Chao ôi! Thưa ông Giáo sư tiến sĩ Eco! Thư viện của ông mới đồ sộ làm sao! Ông đã đọc được bao nhiêu sách rồi?” và nhóm thứ hai – một nhóm thiểu số những người hiểu được điều rằng một thư viện tư như vậy không phải là một sự khuếch trương để nâng cao tự ái mà là một công cụ cho nghiên cứu. Những cuốn sách đã đọc rồi kém giá trị hơn xa so với những cuốn còn chưa đọc. Thư viện nên chứa “càng nhiều càng tốt những gì bạn chưa biết” trong phạm vi cho phép của tài chính. Càng trưởng thành, bạn sẽ càng tích lũy thêm nhiều tri thức và sách vở, và số lượng sách còn chưa đọc đang được xếp trên kệ sẽ càng nhìn chằm chằm vào bạn bằng ánh mắt đe dọa. Trên thực tế, càng biết nhiều, bạn lại càng có thêm nhiều hàng sách chưa đọc. Chúng ta hãy tạm gọi những cuốn sách chưa đọc này là một ‘phản thư viện’.” (The Black Swan)
Với (phản) thư viện của mình, Eco đã minh họa cho mối quan hệ kỳ quặc giữa nhân loại với những gì đã biết và những gì chưa biết. Những kệ sách còn chưa đọc là một biểu trưng cụ thể cho những miền tri thức trong tưởng tượng của ông, sự tồn tại của chúng là một biểu hiện của một khuynh hướng mang tính cưỡng bách ở con người, muốn lấp đầy những khoảng trống trong hiểu biết của mình bằng những vật thể “tri thức” cụ thể, ngay cả khi những “cái chưa biết” này chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng chúng ta. Taleb nói thêm:
“Chúng ta có khuynh hướng xem tri thức của mình như một tài sản cá nhân cần được bảo vệ. Nó là một thứ trang sức để cho phép chúng ta vươn cao hơn trong trật tự của thế giới đời sống. Thế nên khuynh hướng tập trung vào những cuốn sách “đã đọc” của những người ghé thăm, dù khiến Eco phải cau mày, chẳng qua chỉ là một khuynh hướng tự nhiên trong sự vận hành của tâm trí chúng ta. …. Chúng ta thường quá xem trọng những gì đã biết mà phớt lờ ý nghĩa của những điều mình chưa biết,” khác với Eco, người sở hữu một thư viện hoành tráng để nhắc nhở mình về những miền tri thức mà ông còn chưa đặt chân đến.
Trước câu hỏi của những người ghé thăm hiếu kỳ, câu trả lời khôi hài của Eco là: “Không, đây là mấy cuốn tôi phải đọc trong tháng này, mấy cuốn đọc rồi tôi cất chỗ khác.”
Một tác phẩm khác vào năm 1977 của Umberto Eco về sự học, mặc dù thoạt trông không mấy hấp dẫn, với tựa đề “Làm thế nào để viết một Luận văn” (How to write a Thesis), thực chất lại chứa đựng nhiều minh triết về việc nuôi dưỡng sự tò mò và phương pháp học cả đời, bất kể bạn đọc có đang viết luận án thật hay không. Trong thời đại công nghệ, khi tài liệu, văn bản hầu hết đã được số hóa, cuốn sách đề cập đến những kinh nghiệm tìm kiếm, tra cứu “thủ công” không hề được cập nhật, và lạ thay chúng dường như vẫn còn nguyên giá trị. Chẳng hạn, Eco chỉ ra rằng đôi khi việc thu thập và chất đống tài liệu làm người ta có cảm tưởng rằng họ đã “nội hóa” được chúng. Ông viết: “Có nhiều điều tôi không biết, vì tôi photocopy một văn bản và sau đó cứ bỏ mặc chúng như thể tôi đã đọc chúng rồi.” Trên thực tế, nghiên cứu đã cho thấy cùng với thời đại số, vấn đề này chỉ ngày càng trầm trọng thêm: càng có các công cụ tìm kiếm hiện đại, con người lại càng tin rằng họ đã biết những thứ mà thực chất họ chưa biết.
Eco cũng đưa ra những lời khuyên thực tiễn về việc viết: Phải có phương hướng, bắt đầu từ tiêu đề, dẫn nhập, mục lục. Người ta thường bảo rằng cứ đâm đầu vào sáng tạo trước đã: “Cứ làm ra một mớ bòng bong, rồi từ từ dọn dẹp dần”. Nhưng làm thế dễ khiến bạn mất phương hướng. Xét cho cùng, khi khởi đầu một hành trình, bạn sẽ không “ra khỏi nhà rồi lái xe tùy tiện đi hướng nào cũng được”. Chí ít cũng phải có một kế hoạch gì đó, dù chỉ để sửa lại sau này đi nữa. “Bạn có thể thay đổi lộ trình giữa đường đi, nhưng đó là điều chỉnh lộ trình “đã có”, chứng không phải chưa có gì hết.”
Nhưng liên quan đến việc học, ý tưởng quan trọng nhất trong tác phẩm có lẽ là sự khiêm tốn học thuật (academic humility). “Bất cứ ai cũng có điều để dạy chúng ta”, và rằng “chúng ta không nên phớt lờ bất cứ sự đóng góp trí thức nào đơn thuần chỉ vì tác giả là người không có tên tuổi.” Hồi tưởng về quá trình làm luận án tiến sĩ của mình, Eco từng có lúc “bí” ý tưởng một thời gian dài. Một ngày nọ, ông tình cờ mua được một cuốn sách của một cha trưởng tu viện thời TK XIX không được mấy người biết đến. Thế rồi trong quá trình lật trang đọc chơi, ông tìm thấy trong một câu văn không mấy quan trọng một ý tưởng tuyệt vời đã giúp ông có được đột phá. Ai lại ngờ được chuyện như vậy!? Chỉ có điều, sau này, khi một người bạn muốn ông cho xem đã thấy đoạn văn đó ở đâu, Eco trèo lên cái thang để với lấy cuốn sách năm xưa trên một kệ cao … và lạ lùng thay, “lật tìm lại dấu chấm than bên lề trang. Tôi chỉ trang sách đó ra cho Placido, rồi đọc đoạn trích đã giúp tôi tìm thấy đường đi. Tôi đọc đi đọc lại, và chợt cảm thấy bất ngờ. Người trưởng tu viện ấy chưa hề phát biểu cái ý tưởng mà tôi cho là của ông ta; ông ta chưa hề thực hiện sự kết nối ý tưởng mà theo tôi là một thành tựu lớn, sự kết nối giữa lý thuyết phán đoán và lý thuyết thẩm mỹ. Ý ông ta viết không phải thế. Nhưng được khơi gợi theo một cách bí ẩn nào đó, tự tôi đã kết nối chúng, và vì tôi cho ý tưởng này là từ đoạn văn tôi đang đọc mà ra, nên tôi đã gán nó cho tác giả. Và suốt hơn hai mươi năm qua, tôi vẫn âm thầm biết ơn tác giả vì điều mà ông ta chưa bao giờ cho tôi. Tự tôi đã làm ra chiếc chìa khóa thần kỳ đó.” Cứ thế, bạn chẳng bao giờ biết trước được những ý tưởng hay ho từ đâu mà ra, ngay cả khi chúng đến từ chính mình.
Thế Anh tổng hợp từ nguồn:
https://www.themarginalian.org/…/umberto-eco-antilibrary/
https://www.theguardian.com/…/umberto-eco-antilibrary…
https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=pfbid029A8kPZiM3LJkzpnde8pVmKMayHowRGTxhDThpcj3qpmeHFRaFLVw35j6H4NQfqb2l&id=100083206423308&paipv=0&eav=AfZNiMb4KyZioWF4H4CZdwCC6aeg7ZMcY-RwGcTvtl5NjMBIjVhaoyRzzVPzCu-au9M&_rdr