Hồi đấy bị đuổi việc, chị quản lý tiệm hoa lụa chắc là sợ tôi tổn thương, gọi tôi một mình lên kho, trải hai mảnh xốp để ngồi, nói chuyện rõ khẽ khàng:
– Em còn non nớt quá, lại hơi thụ động. Quá nhiều việc mà một bạn có chút kinh nghiệm va vấp cuộc sống rồi, hoặc một bạn chưa có kinh nghiệm, nhưng nhanh nhẹn tinh ý hơn, đều có thể tự nhìn ra và làm được. Nhưng em thì không.
Tôi đã không biết quét dọn tiệm hoa đúng cách, mặc dù từng nhìn anh nhân viên nọ trong tiệm làm nhiều lần. Tôi không lau bụi trên bình hoa trước, rồi mới quét nền, mà làm ngược lại.
Tôi cũng không biết tự chạy ra cùng chị nhân viên kia đốt vàng mã vào ngày mồng 1, để mặc chị đứng đốt một mình giữa trời nắng chang chang, cả tiếng đồng hồ.
Vừa tự đốt, vừa tự che ô, vừa tự lấy thêm vàng mã.
Đến tận khi chị chủ nhìn thấy, mắng một trận, tôi mới biết à, hoá ra việc này cần mình tới giúp.
Tôi không biết cách sơn bình hoa trong tiệm. Trong tiệm nhiều bình hoa mộc, chiều chiều các anh chị thường lôi ra sơn. Nhưng tôi chưa từng cùng làm.
Một hôm, chị trưởng ca bảo tôi sơn bình hoa, chị đưa cho tôi cái bình, lọ sơn xịt, và mấy miếng bìa carton.
Tôi mang lỉnh kỉnh đống đồ ra bồn cây trước cửa hàng, trải bìa carton ra ngồi, rồi chăm chú xịt bình hoa.
20 phút sau, chị trưởng ca ra xem, bóp đầu thở dài.
Tôi thắc mắc nhìn, chị gào lên:
– Tao đưa bìa carton là để mày chắn sơn không bắn lung tung. Không phải để mày ngồi! Mày nhìn mày sơn kiểu gì đi!
Chị chỉ vào bồn cây. Tôi đứng hình.
Bồn cây sang chảnh ngay mặt tiền cửa tiệm, giờ nhom nhem sơn xanh xanh đỏ đỏ.
Chắc còn lâu mới phai đi được.
Chị quản lý ngồi, nhỏ giọng liệt kê cả đống tội lỗi của tôi, rồi hỏi:
– Nếu là em, em có thuê em không?
Tôi cúi gằm mặt, lắc đầu.
Tới tận bây giờ, tôi vẫn biết ơn chị vì đã giữ gìn lòng tự trọng bé tí teo cho mình, bằng cách gọi tôi lên tầng, nói chuyên riêng tư, nhẹ nhàng, và chỉ ra vô vàn lỗi sai cho tôi.
Chứ không phải là đập tiền vào mặt, chỉ ra bồn cây loè loẹt màu xanh đỏ và quát, cút đi.
Thẳng thắn mà nói, với những lỗi sai tôi gây ra, tôi cho rằng chị hoàn toàn có cái quyền sỗ sàng hơn nhiều lần những gì chị đã làm.
Lần hai bị đuổi việc thì tệ hơn.
Lần này tiệm may nhỏ nên chỉ có một người vừa là bà chủ vừa là quản lý. Bà chủ giỏi tính toán căn ke, nên trước cả khi cho tôi nghỉ, đã tìm xong người mới thế chỗ.
Nhưng tôi hồi ấy vô tri, thấy có thêm một người làm những việc giống y như mình, chỉ tự hỏi một thoáng “sao mấy hôm nay mình rảnh thế, chẳng phải làm”, không gì hơn nữa.
Tôi hồi ấy hay xin nghỉ. Một tháng 30 ngày công, có khi tôi xin nghỉ tới 15 ngày.
Để mà bao biện thì cũng có lý do. Tôi hồi ấy, đến cả sống cũng không muốn nữa, thường xuyên cảm thấy mình không còn một tí nhiệt tình làm việc nào.
Tôi biết mình cần bám lấy công việc ấy. Nếu lúc đấy mà nghỉ ngang, rồi ở nhà, không biết sẽ còn buông xuôi đến mức nào.
Nhưng biết là một chuyện, làm lại là chuyện khác. Việc cố gắng đi làm đối với tôi thật sự quá khó khăn.
Không bao biện, nghiêm khắc tính toán, thì là chẳng có gì để mà thanh minh.
Nghỉ suốt ngày. Nếu là tôi, tôi cũng không thuê người như vậy.
Tôi làm 3 tháng, bà chủ càng lúc càng bực tức.
Có một ngày người chị làm cùng kéo tôi vào góc phòng, khẽ dặn dò:
– Lần sau em muốn xin nghỉ thì phải báo trước với chị Liên một câu. Đừng tới sáng mới nhắn tin cho xong việc như thế. Lỡ hết công chuyện của cửa hàng.
Tôi vâng dạ, tự thấy mình quá đáng. Tự hứa sẽ cố để ít nghỉ hơn, làm việc tử tế hơn.
Nhưng quá muộn.
Tôi lại bị đuổi.
Tôi không trách bà chủ. Vì lỗi sai ở mình.
Nhưng ấm ức và thất bại thì có.
Tôi năm ấy 22 23, chẳng có gì trong tay. Những kỹ năng cơ bản nhất để xin việc làm cũng không có. Ngu ngốc, ăn hại, chậm chạp, ù lì. Thật sự kém cỏi.
May mắn cho tôi, tôi muộn ở tiệm may của bà chủ, muộn ở tiệm hoa lụa, nhưng chưa quá muộn với cuộc đời mình.
Tôi của năm 23 24, mới bắt đầu thật lòng cố gắng. Từ con số 0.
Hồi ấy tôi thuê cái phòng một triệu tám cách chỗ làm mấy cây. Có vài lần trả tiền phòng, mua thuốc rồi trả nợ xong, tiền cũng hết sạch. Lương thì thấp. Việc cũ thì toàn bị đuổi, lấy đâu ra tiền dằn túi. Tủi thân. Thường xuyên nằm trong phòng trùm chăn khóc.
Mà phòng thì nóng. Đến khóc cũng chẳng được lãng mạn như ngôn tình. Trùm chăn một tí là người đầy mồ hôi ướt nhượt, trông nhếch nhác.
Những lần đó nghĩ rất tối tăm. Thấy đời mình vậy là hết rồi.
Mình 23 24 rồi.
Bạn bè ra trường, đi làm, người mua xe, người giỏi hơn thì mua cả nhà, kẻ kém cỏi nhất cũng làm đủ tiền ăn uống. Mình thì không.
Mình chậm chân rồi. Mọi thứ quá muộn. Đời mình thế là hết. Sẽ mãi mãi bất đắc dĩ như thế thôi. Cố bao nhiêu cũng chẳng bằng ai.
Những ngày đã qua, có nhắc lại nhiều cũng không thay đổi được gì.
Tôi năm nay 27. Có tiền tiết kiệm. Có vài khoản đầu tư nho nhỏ. Có cổ phần trong một số công ty. Có đất, sắp có nhà.
Cũng có một quá khứ từng liên tục tủi thân vì nghĩ mình “đã quá muộn”.
Mỗi lần nghĩ về khoảng thời gian đó, đều chỉ cảm thấy thật lòng thật dạ vui mừng, vì mình đã bắt đầu quá muộn màng.
Còn hơn là sợ muộn, nên chẳng bao giờ dám bắt đầu.
Nếu không cố gắng từ ngày ấy, bây giờ tôi vẫn chẳng có gì, ngu ngốc, ăn hại, vụng về. Nhưng 27 tuổi.
…
Cửa tiệm hoa lụa năm xưa vẫn còn mấy vệt sơn loang lổ. Chắc là lâu lâu nữa mới mờ đi được.
Thật lòng mà nói, tới tận giờ, mỗi lần đi qua nhìn mấy vệt sơn ấy, tôi vẫn thấy rát mặt vô cùng.
https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=754385835148812&id=100017322064646