Tôi gặp Kris vào một ngày tháng Tư của năm 2014. Năm ấy tôi 23 tuổi, vừa kết thúc tháng thực tập đầu tiên ở Kuala Lumpur (Malaysia) bằng cách tự thưởng cho mình chuyến đi tới Manila (Philippines) với tấm vé máy bay giá rẻ săn được vào phút chót.
Kris là một thành viên trên couchsurfing, trang cộng đồng dành cho dân đi du lịch bụi. Tôi vẫn thường sử dụng trang này trước mỗi chuyến đi, để tìm người cho ở nhờ miễn phí, hoặc ít nhất cũng kiếm được vài người bản địa tình nguyện dẫn tôi đi thăm quan khắp nơi. Tuổi trẻ mà, nghèo khó nhưng tự do. Đôi khi bắt đầu một chuyến đi hay thậm chí một hành trình dài chỉ với viên gạch đầu tiên là lòng tin vào những con người hoàn toàn xa lạ.
Sống cùng người mẹ hết sức truyền thống và không hề quen thuộc với những kết nối trực tuyến của con người, Kris nói với tôi rằng anh không thể cho tôi ở nhờ. “Mẹ anh sẽ không thể chấp nhận việc anh dẫn một đứa con gái về nhà và cho ở nhờ ngay lần đầu gặp mặt!”
Bù lại, Kris lái xe chở tôi đi chơi, dẫn tôi đi ăn mà không cho phép tôi trả phần tiền của mình. Tôi là người đầu tiên anh quen qua couchsurfing. Với anh, tôi giống như một đứa em gái nhỏ thì đúng hơn, một đứa mà như anh mô tả: “người duy nhất trên đời, hẳn nhiên là như vậy, dám mặc quần pyjamas và mang giày converse cùng với nhau. Thật chẳng có sự liên quan nào cả!”
Đó là những ngày rất nắng ở Manila. Chúng tôi ngồi uống cà phê trong một góc của Green Belt và bắt đầu kể cho nhau nghe những câu chuyện thường chỉ kể với những người đã quen thân từ lâu.
Tôi nói với Kris về tấm bằng cử nhân chuyên ngành Ngân hàng và mong muốn theo đuổi trở thành một người viết truyện của mình. Vào thời điểm ấy, người ta đã bắt đầu giục nhau theo đuổi đam mê của mình và chẳng có gì là quá bất thường nữa nếu bạn bơi ngược dòng chảy để có thể làm đúng công việc mà mình đam mê. Đam mê là “chân ái” trong cuộc đời của mỗi người. Vì “nếu bạn làm điều bạn yêu thích, bạn sẽ không phải làm việc dù chỉ một ngày trong đời” (Marc Anthony), điều đó hết sức hiển nhiên.
Thế nhưng, trái với dự đoán của tôi, Kris đã cười lớn. Anh uống cạn cốc cà phê nhiều sữa của mình và rít một hơi thuốc lá, thói quen chết tiệt khó bỏ một ngày nào đó sẽ giết chết anh. Dĩ nhiên, Kris không hề mảy may bận tâm đến điều đó.
“Ai nói em nhất định phải theo đuổi đam mê của mình và biến đam mê ấy thành công việc, thậm chí cả sự nghiệp của em cơ chứ?”
Lúc ấy, tôi mới biết rằng đằng sau vỏ ngoài là một nhân viên môi giới trên sàn chứng khoán, mỗi tháng kiếm hàng ngàn đô và đi du lịch Mỹ hay châu u mà không cần tính toán bay ngày nào rẻ nhất, Kris còn là một DJ chơi nhạc cho một club nhỏ ở Manila.
“Anh yêu thích công việc DJ, nó cho anh sự tự do và hài lòng với bản thân mà anh luôn tìm kiếm trong cuộc sống. Nhưng anh vẫn có công việc ban ngày để làm và anh hoàn toàn hài lòng với việc đó. Nó cho anh sự tự chủ tài chính để có được cuộc sống thoải mái mà anh luôn cần.
Anh đam mê với nghề DJ, nhưng anh không thực sự giỏi ở mảng đó. Anh hiểu rằng nếu dành cả đời để mài giũa trong nghề này, anh cũng không đạt tới vị trí cao nhất được. Nên anh quyết định tập trung vào điểm mạnh của mình thay vì đam mê.
Đâu phải lúc nào chúng ta cũng giỏi ở mảng mình đam mê đúng không nào? Và có sao đâu nếu em không “làm” công việc mà em đam mê nhưng vẫn dành cho nó một chỗ trong đời sống của mình chứ?”
Trước cuộc hội thoại hôm đó với Kris, tôi đã xuất bản vài cuốn sách của riêng mình, tôi đã có trong mình đam mê cháy bỏng cho nghề viết và tôi đã nghĩ rằng sau đợt thực tập này ở Kuala Lumpur, tôi sẽ dành toàn bộ thời gian và tâm trí cho đam mê viết lách và trở thành một người viết chuyên nghiệp. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi sau cuộc nói chuyện trong buổi chiều hôm ấy.
Trong nhiều bài trả lời phỏng vấn, Elizabeth Gilbert, tác giả của cuốn sách “Eat, Pray, Love” (Ăn, cầu nguyện, yêu) mà tôi rất yêu thích đã không ngừng khuyến khích người nghe, người đọc phân biệt bốn khái niệm thường bị xem là từ đồng nghĩa. Bốn khái niệm đó là “hobby” (sở thích), “job” (công việc), “career” (sự nghiệp), và “vocation” (thiên hướng).
Sở thích là những gì bạn làm chỉ để vui, để giải trí hoặc đơn giản là để thỏa mãn trí tò mò của mình. Sở thích là những gì bạn làm trong thời gian rảnh rỗi. Sở thích đến rồi đi. Bạn có thể thích đọc sách trong một thời gian, sau đó chuyển sang thích nghe nhạc. Theo Elizabeth, sở thích đóng vai trò quan trọng trong việc nhắc nhở chúng ta rằng không nhất thiết mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta đều phải xoay quanh hiệu suất làm việc hay lợi nhuận.
Có thể bạn không cần thiết phải có một sở thích, ngay cả khi có nó thì sẽ tuyệt biết bao, nhưng bạn chắc chắn sẽ cần có một công việc. Trừ khi bạn trúng số độc đắc hoặc người nào đó trợ giúp bạn về mặt tài chính đến suốt đời, khả năng này dĩ nhiên rất ít khi xảy ra. Vì thế, bạn cần có một công việc để có đủ khả năng chăm sóc chính mình, trả hoá đơn tiền điện, trả khoản nợ từ thời sinh viên, trả góp khoản tiền mua nhà,… Elizabeth đã luôn có một nghề nghiệp, bà từng làm bartender, thậm chí là người chăm sóc trẻ ngay cả khi bà đã bắt đầu viết lách và chưa nổi tiếng. Sau khi đã xuất bản ba cuốn sách, bà vẫn có một công việc toàn thời gian khác bởi “tôi không muốn đặt gánh nặng cơm áo gạo tiền lên sự sáng tạo của mình.”. Công việc của chúng ta không nhất thiết phải “tuyệt vời”. Nó có thể nhàm chán, có thể buồn tẻ, và không nhất thiết phải thoả mãn tâm hồn chúng ta. Công việc bạn đang làm không nhất thiết phải cho thấy con người bạn là ai, nó chỉ đơn giản là một công cụ để bạn kiếm cơm, trả nợ, chăm sóc bản thân và gia đình mình. Bạn có thể yêu nó hoặc ghét nó, sao cũng được. Dù thế nào, công việc không nên là toàn bộ cuộc sống của bạn. Bạn hoàn toàn có một cuộc sống độc lập bên ngoài công việc. Tôi đã luôn thích ý tưởng này của Elizabeth kể từ khi nghe được nó trong một chương trình radio có bà tham gia.
Và rồi đến sự nghiệp. Bạn có một công việc vì bạn cần tiền, nhưng sự nghiệp là thứ mà bạn xây dựng qua nhiều năm tháng bằng năng lượng, đam mê và cả sự cam kết của mình. Bạn có thể ghét công việc của bạn, nhưng bạn sẽ yêu sự nghiệp của mình. Hãy dẫn ra ví dụ về Elizabeth để khái niệm này trở nên dễ hiểu hơn. Bà từng có nhiều công việc khác nhau, nhưng bà cũng đã tìm ra sự nghiệp của mình. Đó là trở thành tác giả, trở thành một người viết chuyên nghiệp. “Vì đó là sự nghiệp của tôi, tôi để ý tới những nhà phê bình đang nói gì về tác phẩm của mình, để ý xem sách của tôi có bán chạy không và tôi có đang hoàn thành đúng các hạn nộp bản thảo của mình không. Tôi cần dành sự tôn trọng tuyệt đối cho sự nghiệp của mình, nếu không, tôi sẽ đánh mất nó.” Elizabeth cũng đưa ra ví dụ thêm rằng nếu vì bất cứ hành động sai trái nào đó của bà mà không ai mua sách của bà nữa, cũng không ai theo dõi bà trên mạng xã hội nữa,…, sự nghiệp của bà sẽ chấm dứt.
Cũng giống như sở thích, sự nghiệp là thứ mà bạn nên có và sẽ cảm thấy tuyệt vời khi sở hữu nó. Nhưng bạn không nhất thiết phải có nó. Sẽ chẳng có vấn đề gì cả nếu bạn dành cả cuộc đời mình để làm các công việc bạn đang làm, tận hưởng sở thích mà bạn đang có và không có một sự nghiệp. Sự nghiệp là một lựa chọn. Nếu bạn chọn nó, hãy toàn tâm toàn ý với nó.
Cuối cùng, đó là thiên hướng. Tôi hơi ngạc nhiên vì từ “vocation” thường được dịch ra tiếng Việt là nghề, ví dụ “vocational education” thì người ta sẽ thường dịch là “đào tạo nghề”. Nhưng nói như Elizabeth, thiên hướng là tiếng gọi của vũ trụ dành cho chúng ta và nó được trao đổi qua những tiếng lòng của ta. Để minh hoạ điều này, Elizabeth nói rằng ngay cả khi không ai mua sách của bà nữa, không ai dành sự quan tâm đến các tác phẩm của bà nữa thì sự nghiệp của bà có thể mất đi nhưng thiên hướng của bà dành cho việc viết lách sẽ luôn còn đó.
Tôi nghĩ về những điều này và liên tưởng đến câu chuyện của chính mình. Một trong những sở thích của tôi là viết lách, đúng vậy. Nhưng điều đó không có nghĩa tôi phải biến sở thích đó thành công việc của mình. Bằng chứng là sau đó tôi trở thành chuyên viên truyền thông, phạm vi công việc bao gồm chứ không hoàn toàn là viết lách. Sự nghiệp của tôi có lẽ nên được hình dung với con số hơn 25.000 người theo dõi tôi trên mạng xã hội và hàng chục nghìn người đã mua những cuốn sách của tôi. Còn thiên hướng? Nếu không ai quan tâm đến những gì tôi viết, tôi có viết nữa không. Câu trả lời là có hay không cũng không quan trọng. Tôi vẫn có thể đam mê viết lách dù không trở thành một tác giả sáng chói. Tôi vẫn có thể duy trì đam mê viết lách và có một công việc khác chẳng liên quan gì đến kỹ năng đó.
Mark Cuban, ông chủ của Dallas Mavericks và cũng là ngôi sao trong chương trình “Shark Tank” nổi tiếng của đài ABC cũng đã nói về điều này trong một bài báo tôi từng đọc qua. “Tôi đã từng rất rất đam mê trở thành một cầu thủ bóng chày. Nhưng rồi tôi nhận ra là tôi chỉ có thể ném bóng được với tốc độ 70 dặm/ giờ trong khi các cầu thủ tiềm năng khác ném bóng với tốc độ tối thiểu 90 dặm/ giờ.”
Cũng giống như Kris, Mark tin rằng chúng ta nên tập trung vào điểm mạnh của mình hơn là đam mê đơn thuần. “Bởi không phải cứ đam mê điều gì đó là có thể thiệt giỏi ở mảng đó, và bởi vì trau dồi một thế mạnh có thể biến nó trở thành đam mê.”
Điều này, ít nhất, đã đúng với Mark và Kris. Từ chỗ làm việc trong công ty đầu tư chứng khoán chỉ để kiếm tiền phục vụ nhu cầu cuộc sống, Kris biến điểm mạnh về các con số và khả năng dự đoán của mình thành một đam mê khấc. Và anh ngày càng thành công và có thu nhập cao hơn nữa. Có lẽ vì như Steve Jobs đã nói nói trong bài phát biểu tại trường Stanford năm nào: “Cách duy nhất để tạo ra công việc tuyệt vời chính là yêu công việc mà bạn làm.”
Tôi điểm qua một lượt những người mình biết. Rất nhiều người vẫn duy trì được đam mê của mình song song với một công việc khác. Một người bạn vừa làm công việc văn phòng ban ngày vừa sáng tác tranh minh hoạ vào ban đêm. Em gái tôi ban ngày (và cả nhiều buổi đêm nữa) cần mẫn với vai trò của một bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu, nhưng ban đêm và cả cuối tuần vẫn hăng hái ngồi đóng gói dầu tràm để chuẩn bị giao cho khách. Một người chú tôi quen kiếm sống bằng vị trí bảo vệ cho một trung tâm tiếng Anh, buổi tối chú trở về nhà và theo đuổi đam mê làm mộc của bản thân.
Không ai trong số đó cho rằng họ phải nhất nhất từ bỏ công việc đang làm mới có thể sống hết mình với đam mê. Hơn ai hết, họ ý thức rõ ràng được lợi thế của việc sử dụng điểm mạnh của bản thân để kiếm tiền và duy trì đam mê để nuôi dưỡng đời sống tâm hồn của bản thân.
Chúng ta đang đứng giữa thời đại mà theo đuổi đam mê là điều ai cũng nên làm, hoặc thậm chí, được cho là điều mà chỉ những người can đảm mới dám làm. Tôi không nghĩ mình có đủ thẩm quyền hay kinh nghiệm để phán xét cách nào đúng cách nào sai. Nếu bạn hoàn toàn có đủ khả năng (khả năng chuyên môn để trở thành những người giỏi và sống được đam mê, khả năng tài chính để sống với đam mê khi nó chưa thể tạo ra nguồn thu ngay lập tức,…) để hoàn toàn theo đuổi đam mê của mình, chẳng ai nghĩ đến chuyện buông lời ngăn cản.
Nhưng nếu như bạn cũng giống như Mark khi nhận ra mình không thể ném bóng nhanh như những cầu thủ khác, giống như Kris khi nhận ra mình không thể tài năng như các DJ lừng danh thế giới, hay giống như tôi khi nhận ra mình thích viết nhưng dư sức hiểu rằng mình không thể sống khoẻ và sống tốt với nghề này, có lẽ “hãy theo đuổi đam mê của bạn” sẽ là một lời khuyên tồi.
Khi gặp lại Kris sau nhiều năm xa cách, thấy anh vẫn đang giàu lên với công việc ban ngày (môi giới chứng khoán) và vui lên với công việc ban đêm (DJ) của mình, tôi hiểu rằng anh đã có một lựa chọn đúng.
Và tôi mong bạn cũng sẽ có một lựa chọn đúng đắn cho cuộc đời mình.
(Dung Keil/ https://tiki.vn/chi-can-minh-kien-tri-se-duoc-nhu-y…)
Mình sẽ đăng 1 bài viết nào đó trong 1 cuốn sách nào đó mình từng viết vào ngày 2 và ngày 16 hằng tháng. Hy vọng bạn sẽ thích
https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=451145116371604&id=100044283586805