Vài bạn hỏi học hết 4 năm và giờ làm công việc chẳng liên quan gì có phí không? Đã nhiều lúc tôi nghĩ nếu hồi trước mình theo ngành học ban D, theo sở thích thì có lẽ giờ mình đã tốt hơn rồi không? Cho dù có cỗ máy thời gian để quay trở lại 10 năm trước thì tôi nghĩ mình vẫn sẽ chọn như vậy thôi.
Gửi cho các bạn trẻ đang hoang mang với ngành học và vô định về công việc tương lai,
Có một thời điểm, tôi tự nhiên trở thành chuyên gia tư vấn tâm sinh lý tuổi mới lớn bất đắc dĩ. Có vài bạn sinh viên hỏi tôi là giờ em thấy em học sai ngành, không có hứng thú, muốn nghỉ học đi gap year để tìm đam mê. Có bạn hỏi nếu mà cứ làm theo thứ mình thích và rồi một hôm nào đó, vào năm 30 tuổi, chị chợt nhận ra chị chả có gì trong tay thì chị sẽ như thế nào?
Thật ra, hiện giờ, tôi gần 30 tuổi mà cũng chưa có gì trong tay đâu vì theo định nghĩa của nhiều người, “có gì trong tay” của người đời là một công việc ổn định, một ngôi nhà xinh xinh và một gia đình êm ấm, đại loại vậy. Có những ngày sống trong bệnh viện, tôi thấy bản thân thất bại thảm hại: không tiền, không công việc, không chồng con, tựu trung lại là không có tương lai.
Và rồi, tôi tự nhủ GIÁ NHƯ ngày xưa mình không nghỉ việc có lẽ giờ đã “có gì trong tay” rồi.
Hồi cấp 2, tôi nghĩ tương lai mình sẽ trở thành nhà văn hoặc nhà báo vì văn chương là lẽ sống của mình. Lên cấp 3, tôi lại nghĩ mình sẽ trở thành hướng dẫn viên du lịch vì tôi thích đi đây đi đó tìm hiểu văn hóa lịch sử. Cuối cùng, tôi lại “đâm đầu” vào trường chuyên học ban A, rồi cũng theo trào lưu theo kinh tế, học ngành hot Ngân hàng. Đi làm mấy năm, cảm thấy bản thân không hợp với cuộc sống tù túng nơi văn phòng nên tôi xin nghỉ.
Vài bạn hỏi học hết 4 năm và giờ làm công việc chẳng liên quan gì có phí không? Đã nhiều lúc tôi nghĩ nếu hồi trước mình theo ngành học ban D, theo sở thích thì có lẽ giờ mình đã tốt hơn rồi không? Nhưng không, những gì mà tôi đã chọn trong quá khứ là đúng như tình trạng lúc đó, không thể nào thay đổi được. Cho dù có cỗ máy thời gian để quay trở lại 10 năm trước thì tôi nghĩ mình vẫn sẽ chọn như vậy thôi.
Công việc ở ngân hàng bắt buộc tôi tiếp xúc với nhiều khách hàng, giúp tôi trau dồi kỹ năng giao tiếp – thứ mà một đứa hướng nội như tôi rất kém. Công việc này giúp tôi tăng khả năng chịu áp lực và tinh thần trách nhiệm cao. Công việc này giúp tôi kiếm một khoản thu nhập kha khá để giúp tôi nghỉ việc gap year một thời gian dài mà không phải lo lắng quá nhiều về tài chính.
Tôi nghĩ mình thích làm nhà văn, nhà báo, content marketing nhưng một đứa thích tự do như tôi chắc khó thành công. Năm cấp 2, sau 1 năm được chọn đi thi HSG Văn, tôi xin rút khỏi đội tuyển vì một đứa thích tự do như mình không thích viết theo khuôn khổ, viết theo cách nào đó để thu hút người đọc. Tôi nghĩ mình thích làm HDV nhưng tôi không có kỹ năng dẫn chuyện, cũng không có tinh thần hừng hực khí thế truyền lửa để khiến khách cảm thấy vui vẻ trong chuyến đi.
Tất cả những gì mà bạn cho là bạn thích làm, là đam mê chưa chắc bạn đã thành công khi theo đuổi. Bởi vì ĐAM MÊ muốn trở thành NGHỀ NGHIỆP phải kèm theo KỸ NĂNG và KIẾN THỨC CHUYÊN MÔN. Vậy nên đừng nhầm lẫn giữa đam mê và nghề nghiệp!
Tuy nhiên bạn có thể biến ĐAM MÊ thành sở thích cá nhân. Nếu không thể làm nhà văn thì mình tạo ra blog để thỏa đam mê viết của bản thân, thích viết gì viết, không cần theo khuôn khổ của ai. Rồi một ngày nào đó có khi mình lại kiếm được tiền từ blog của mình thì sao? Nếu không thể thành HDV thì mình đi dẫn tour cho mấy bạn người nước ngoài. Dù không kiếm được tiền nhưng dù sao thì mình vẫn cảm thấy thú vị.
Còn về nghề nghiệp thì sao? Chọn nghề nghiệp như thế nào? Các bạn nên phân biệt nghề nghiệp và công việc.
– NGHỀ NGHIỆP là CAREER nghĩa là định hướng về công việc cả đời của bạn, nó không cụ thể rõ ràng như tên công việc, nếu bạn biết được mục đích ý nghĩa mà bạn muốn trao đi thì bạn có thể tìm thấy nghề nghiệp của mình.
– CÔNG VIỆC là JOB chỉ là cái tên gọi của nghề nghiệp tại thời điểm đó thôi. Nên cho dù bạn làm cả chục công việc nhưng chẳng liên quan gì thì cũng không sao, miễn bạn thấy có chung một ý nghĩa nào đó mà bạn theo đuổi.
Vậy nên ĐỪNG TÌM KIẾM CÔNG VIỆC, HÃY TÌM KIẾM Ý NGHĨA MÀ BẠN ĐEM LẠI KHI LÀM CÔNG VIỆC ĐÓ, có thể là ý nghĩa với bản thân hoặc ý nghĩa cho cộng đồng. Đó là kim chỉ nam để bạn tìm kiếm nghề nghiệp cho bản thân.
Tôi vẫn còn trên con đường tìm kiếm CAREER của cuộc đời. Đừng thấy hoang mang khi bạn không chọn đúng ngành mà bạn thấy thích bởi trường học không bao giờ tạo ra được nghề nghiệp phù hợp cho tất cả mọi người. Nghề nghiệp do chính bạn tạo ra. Hồi xưa làm gì có ai biết đến nghề Youtuber, influencer, travel blogger, beauty blogger rồi chuyên gia hướng nghiệp, freelancer, reviewer, streamer, trade coin… và kiếm tiền trên các nền tảng Internet: dropshipping, affiliate marketing, T-Shirt Business…
Còn việc tìm ra được cái nào là nghề nghiệp thì phải do chính bạn THỬ VÀ SAI, không có ai tìm cho bạn được. Công việc của tôi hiện tại không phải đến từ đam mê mà đến từ KỸ NĂNG và CHUYÊN MÔN vì tôi đã có thời gian ở Philippines khá lâu nên đã hiểu tương đối rõ về các trường Anh ngữ ở bên đó, có thể đưa ra lời khuyên hợp lý cho các bạn muốn qua đó để học Tiếng Anh. Đó gọi là CHUYÊN MÔN.
Tôi đã từng làm tư vấn ở ngân hàng 4 năm nên có tư duy về chăm sóc khách hàng và kỹ năng giao tiếp thuyết phục. Đó gọi là KỸ NĂNG. Hãy chọn lĩnh vực mà bạn cảm thấy mình hiểu rõ hơn ai hết và bán những hiểu biết của bạn. Trên đời này chắc chắn sẽ có người sẵn sàng bỏ tiền ra mua KIẾN THỨC của bạn. Nhưng trước tiên, hãy trở thành THE BEST trong lĩnh vực của bạn. Là như thế nào?
Tôi khá ấn tượng với bạn Andy – chủ nhân kênh Youtube “5 minutes about IELTS” bởi vì có lần, bạn đó nói rằng đã đạt được IELTS 7.0 rồi nhưng bạn vẫn đóng cửa ôn luyện vài tháng để đạt được IELTS 8.5. Bạn không thỏa mãn với số điểm hiện tại, bạn muốn bạn phải thật giỏi trong lĩnh vực đó vì bạn đi dạy IELTS cho người ta. Kết quả sau khi đạt IELTS 8.5, bạn nhận được nhiều lớp hơn, thu nhập tăng lên, nhiều nhãn hàng tìm đến bạn để được quảng cáo trên kênh của bạn.
Bạn thấy không, hãy MASTER (THÀNH THẠO), hãy trở thành THE BEST trong lĩnh vực của bạn, rồi bạn sẽ nhận được nhiều hơn những gì mà bạn tưởng.
Như tỷ phú người Hồng Kông Dư Bành Niên đã từng nói: “Kể cả khi chỉ là người cọ toilet, tôi vẫn cố gắng trở thành người cọ sạch nhất”.
Sống trên đời không nên dùng từ GIÁ NHƯ hay HỐI HẬN. Những gì đã xảy ra là thứ nhất định phải xảy ra. Đó là thứ tôi học được sau nửa năm sống trong bệnh viện khi tôi day dứt vì những chuyện đã xảy ra. Lúc đó, tôi nghĩ nếu mình không nghỉ việc, không đi nước ngoài, không về nhà vào thời điểm đó thì có thể mọi thứ đã tốt đẹp hơn. Thứ mình có thể làm chỉ có thể là CHẤP NHẬN và TÌM CÁCH ĐỂ NÓ TỐT ĐẸP HƠN mà thôi.
http://ttvn.toquoc.vn/kinh-doanh/toi-co-hoi-han-khi-hoc-sai-nganh-520201118174625.htm