Trả lời bởi Tim O’Neill, Trưởng ban chống xuyên tạc lịch sử.
Source: https://www.quora.com/What-is-the…/answer/Tim-ONeill-1?
Những chuyện liên quan đến Galileo nhé
Đa phần người ta lấy vụ xét xử Galileo làm ví dụ điển hình về xung đột giữa đức tin tôn giáo với tiến bộ khoa học. Sự kiện còn được đưa vào trong sách giáo khoa nhằm chứng minh cho sự mê tín trì độn thời “Trung cổ”. Trên thực tế, toàn bộ vụ việc phức tạp này không phải cuộc đối đầu “khoa học với tôn giáo” như mọi người vẫn lầm tưởng. Vai trò của Galileo và nhiều giáo sĩ liên quan đều khá đa dạng và phức tạp. Có một số quan niệm sai lầm song rất phổ biến liên quan đến vụ này:
- “Galileo đã chứng minh được trái đất quay quanh mặt trời chứ không phải mặt trời quay quanh trái đất.”
Thực ra ông không làm được việc này nhé. Copernic đã đề xuất mô hình thuyết nhật tâm vào tận 32 năm trước khi Galileo được sinh ra. Các học giả cũng như những nhà thiên văn học đã thảo luận về mô hình này cũng nhiều mô hình khác từ khi lý thuyết của Copernic được công bố năm 1539. Công trình của Copernic là một trong số nhiều thứ được bàn tán và tranh luận vào thời của Galileo. Có thuyết là địa tâm, thuyết khác lại là nhật tâm. Galileo đã bổ sung thêm ý kiến của mình nhờ những quan sát bằng kính viễn vọng, đặc biệt là công trình cho thấy chu kỳ của sao Kim củng cố thuyết nhật tâm thế nào. Nhưng ông không hề “chứng minh” được điều này đâu nhé.
Ấy là vì, vào thời Galileo và mọi nhà thiên văn học vào thời bấy giờ, có nhiều ý kiến phản đối mạnh mẽ thuyết nhật tâm. Và chẳng thể bác bỏ các ý kiến đó một cách thuyết phục được. Hai trong số nhiều lý do ấy là thiếu thị sai sao khả kiến (stellar parallax) và quán tính gây ra do trái đất quay. Cả hai đều khiến người Hy Lạp xưa bác bỏ thuyết nhật tâm. Mãi tới sau khi Galileo mất khá lâu, vấn đề này mới được giải quyết.
Thế nên, dù cực kỳ ủng hộ mô hình của Copernic, song Galileo không hề “chứng minh” được nó một cách thuyết phục nhé. Ông cũng mắc sai lầm về nhiều khái niệm quan trọng, đặc biệt là hình dạng quỹ đạo của các hành tinh (ông phản đối thuyết hình elip của Kepler và ủng hộ hình tròn), cũng như ý kiến cho rằng thủy triều là do trái đất quay. Vậy, ý kiến cho rằng ông chứng minh được thuyết nhật tâm là không đúng.
- “Giáo Hội chối bỏ khoa học, lên án thuyết nhật tâm, và hoàn toàn mù mờ về lý thuyết khoa học của Copernic”.
Điều này cũng sai nốt. Trên thực tế, nhiều người ủng hộ Galileo mạnh mẽ nhất lại là người theo đạo và nhiều người phản đối ông lại làm khoa học đấy. Nhiều thế kỷ trước thời Galileo, giáo hội Công giáo đã chối bỏ ý kiến cho rằng việc phân tích logic thế giới vật chất là có vấn đề, đồng thời chấp nhận rằng vì Thượng đế rất duy lý nên tạo vật của người cũng cực kỳ duy lý và vì vậy có thể được tìm hiểu theo cách thức duy lý. Từ đó, cách phân tích thế giới duy lý của các nhà triết học Hy Lạp xưa được chấp thuận. Và Plato, Aristotle, Archimedes cùng nhiều triết gia Hy Lạp khác được trọng dụng vào thời Trung Cổ, do đó tạo ra môn “triết học tự nhiên” (mà chúng ta vẫn gọi là “khoa học”) trong nhiều trường đại học hồi châu Âu Trung cổ, đồng thời đặt nền móng cho khoa học hiện đại thời nay.
Giáo hội cũng khá thoải mái với những ý kiến của Copernic. Như đã nói, ông cũng biết rõ rằng có những người phản đối mạnh mô hình này. Vì thế ông từ chối công bố công trình của mình. Nhưng giám mục Giese xứ Culm đã động viên ông mạnh mẽ và dần dà ông đưa ra một bản tổng kết ngắn về những ý tưởng của mình vào năm 1530. Dư luận chú ý ngay đến ông và vào năm 1533, Giáo hoàng Clement VII đã yêu cầu Johann Widmanstadt thuyết giảng kín về các lý thuyết của Copernic tại Thành Quốc Vatican. Ông đã thích thú với bài giảng đó tới nỗi thưởng hẳn cho Widmanstadt một bản thảo cực kỳ giá trị.
Chính Galileo cũng được khen ngợi và tôn kính nhờ vào tri thức của mình. Đặc biệt, Dòng Tên đã thu nhận ông cơ đấy. Những lời phản đối thuyết nhật tâm của ông cũng đồng thời bị bác bỏ khi nhà thiên văn học Dòng Tên ở trường Collegium Romanum chế tạo được kính viễn vọng và thu nhận được kết quả tương tự.
Như đã nói, vào năm 1616 có không dưới bảy mô hình khác nhau về mô hình vũ trụ được đưa ra thảo luận trong giới khoa học. Một vài học giả hàng đầu thời đó – các giáo sĩ – cũng tham gia tranh luận. Chẳng mô hình nào không có thiếu sót hay không bị phản đối, song giới khoa học thời đó có xu hướng ủng hộ thuyết địa tâm. Thực ra, quan điểm của Galileo khá yếu thế trong giới khoa học, và các giáo sĩ có hiểu biết khoa học cũng rất rõ điều này. Tuy nhiên, lúc ấy, thuyết nhật tâm là một ý tưởng thay thế hoàn toàn khả dụng và rất đáng được xem xét nghiên cứu. Ý tưởng đó ‘chưa’ hề bị lên án, bị phản đối hay bị tuyên bố là dị giáo.
- “Giáo hội lên án thuyết nhật tâm vì tin rằng cần phải hiểu Kinh thánh theo nghĩa đen”.
Giáo hội Công giáo chưa từng dạy rằng phải diễn giải Kinh thánh theo nghĩa đen. Trên thực tế, việc diễn giải Kinh theo nghĩa đen mới xuất hiện gần đây, tại Mỹ, vào thế kỷ 19 và chỉ có ở đạo Tin lành. Giáo hội Công giáo đã và đang thuyết rằng bất kỳ câu hay đoạn Kinh Thánh nào có thể được diễn giải thông qua ít nhất bốn cấp – phần nghĩa đen, phần biểu tượng, phần luân lý, và phần tiên tri. Trong số đó, phần nghĩa đen thường được xem là tầm thường nhất. Từ đó, một đoạn kinh có thể được diễn giải qua một hoặc nhiều mức nghĩa, và cũng có thể nó không hề có nghĩa đen, chỉ có nghĩa ẩn dụ hay biểu tượng thôi.
Do đó Giáo hội hiểu rằng một đoạn từng được diễn giải theo nghĩa đen có thể không còn được hiểu theo nghĩa đó nữa. Bởi lẽ giờ đây chúng ta đã có được tri thức mới về thế giới. Nhiều đoạn được một số người Cơ đốc giáo thời đầu diễn giải có nói rằng trái đất phẳng. Nhưng vào thời điểm Cơ đốc giáo thu nạp thêm những người có học thức hơn, rõ ràng cách diễn giải đó mâu thuẫn với kiến thức cho thấy trái đất hình cầu, vì thế đoạn này cần được hiểu theo nghĩa biểu tượng.
Từ đó, ta thấy rằng Giáo hội hoàn toàn có khả năng thay đổi cách diễn dịch đoạn kinh nói rằng trái đất là “trung tâm” nếu có bằng chứng chỉ ra rằng điều đó sai sự thực. Họ chỉ chưa làm việc này khi chưa có ai đưa ra bằng chứng thuyết phục. Galileo chưa làm được việc này. Hồng y Bellarmine đã lưu ý về phán quyết năm 1616 của mình về những công trình của Galileo:
Nếu thực sự có bằng chứng chỉ ra mặt trời là trung tâm thế giới và trái đất ở tầng trời thứ ba, và mặt trời không quay quanh trái đất, mà là trái đất quay quanh mặt trời, thì cần phải giải thích những đoạn Kinh thánh mâu thuẫn một cách cực kỳ cẩn trọng. Và thà nói rằng chúng ta không hiểu được hết kinh còn hơn bảo những gì được diễn dịch là sai. Song ta không được phép hấp tấp. Về phía cá nhân, tôi sẽ không tin vào sự tồn tại của những bằng chứng đó cho tới khi thấy tận mắt.
Ngài Bellarmine không hề mù mờ về khoa học nhé, ông từng làm giảng viên đại học môn triết học tự nhiên ở Flanders và rất quen với tranh luận liên quan tới hình thái của vũ trụ. Vì thế, cũng như Galileo, ngài biết rằng đa phần các nhà khoa học thời đó vẫn sẽ thích thuyết địa tâm hơn và còn lâu mới chứng minh được thuyết nhật tâm. Sau này khi thuyết nhật tâm được chứng minh, Giáo hội đã cân nhắc và diễn giải lại những đoạn kinh văn một cách chính xác theo đề xuất của Bellarmine.
- “Galileo bị xiềng xích, bị giam cầm, tra tấn, và còn bị dọa thiêu sống”.
Vào tháng 11 năm 2009, diễn viên Stephen Fry đã cùng Christopher Hitchens đã tham gia một cuộc tranh luận được thu hình cùng hai người Công giáo xung quanh câu hỏi liệu Giáo hội Công giáo có phải là “tổ chức vì cái thiện trên thế giới” hay không. Fry và Hitchens chiến thắng thuyết phục, nhưng có lúc Fry đã rất hào hứng nhắc đến chuyện Tòa thẩm giáo “tra tấn [Galileo]”. Trong cuốn sách The End of Faith (TN: Ngày tàn của Đức tin), có vẻ Sam Harris đang nhắc tới Galileo khi nói về việc Giáo hội “tra tấn các học giả tới mức phát điên vì hơi suy đoán về bản chất của các vì sao”. Voltaire còn viết về cảnh Galileo “rên rỉ trong nhà ngục của Tòa thẩm giáo” và Galileo chỉ chùn bước khi sợ bị thiêu sống. Từ ấy điều này trở thành ý chính trong câu chuyện về Vụ Galileo. Tất cả đều vớ vẩn hết sức.
Thực tế, không những không phải rên rỉ trong lao tù nào, trong suốt thời gian xét xử năm 1633, Galileo còn được đối xử như khách quý của nhiều giáo sĩ lớn tuổi tại nhiều cung điện xa hoa ở Rome. Bất chấp tuyên bố của Fry, Galileo chưa bao giờ bị tra tấn hay đối mặt với bất kỳ nguy hiểm nào. Cả vì lý do tuổi tác lẫn chuyện ông đã rất hợp tác trong quá trình thẩm vấn (chưa kể mối quan hệ của ông với nhiều nhân vật chủ chốt trong Giáo hội cũng có thể hữu ích nếu thực sự có nguy hiểm nào ở đây). Các ghi chép liên quan tới phiên tòa cho thấy rằng không lúc nào ông phải đối mặt với nguy cơ bị hành quyết. Hình phạt này chỉ dành riêng cho những tội nghiêm trọng nhất – không ăn năn hay tái phạm. Và ông không hề sống ngày nào trong “ngục” đâu nhé. Bản án sau cùng nặng nề hơn so với dự tính của ông và nhiều người khác. Nhưng ông đã được sinh hoạt trong biệt thự của mình ở Florence trong 9 năm cuối cuộc đời mình. Tại đây, ông đã hoàn thành những công trình quan trọng nhất cuộc đời.
Tất nhiên, trong thời đại ngày nay, người ta sẽ phản đối việc bị xét xử, kết án, và quản thúc tại nhà (dù là trong một biệt thự xịn ở Tuscany) vì đưa ra những ý tưởng khác biệt về thiên văn học. Song điều đó vẫn khẳng định lại một điều, rằng ý kiến nói ông đã bị tra tấn, bị giam cầm trong ngục tối đều là sai lầm.
- Galileo bị kết án vì dùng khoa học để chất vấn giáo lý của Giáo hội – một việc làm bị cấm kị.
Như đã nói, Giáo hội không kết án những chất vấn mang tính khoa học. Thực tế vào thời điểm đó, nhiều người mang danh “khoa học gia” cũng đồng thời là giáo sĩ (thuật ngữ ‘scientist’ mãi đến năm 1833 mới được sử dụng, sau khi William Whewell đề ra). Và nếu ai đó trích dẫn tri thức của thế giới để chỉ ra rằng cách diễn giải Kinh thánh trước đây của Giáo hội cần được chỉnh sửa thì cũng chẳng thành vấn đề. Giáo hội thuyết giảng rằng sự mặc khải thiêng liêng cùng mặc khải duy lý đều xuất phát từ cùng một cội. Vì thế nếu có gì mâu thuẫn thì chính tri thức của chúng ta mới là vấn đề. Như đã nêu, Hồng y Bellarmine đã nhắc Galileo rằng nếu thuyết nhật tâm được chứng minh thật khách quan thì những bài kinh về thuyết địa tâm sẽ cần được xem xét lại. Và ông cũng lưu ý thêm rằng ‘song không được vội vã’. Vấn đề là, Galileo cùng số ít các học giả theo thuyết nhật tâm lúc đó đã không chứng minh được nó. Có nhiều câu hỏi họ không trả lời được, mãi đến sau khi Galileo mất một thời gian dài (vấn đề thị sai sao đến năm 1838 mới được giải quyết). Một chuyện nữa khiến Galileo bị Tòa thẩm giáo điều tra ngay từ ban đầu, ấy Giáo hội Công giáo hậu Cải cách khá coi thường những diễn giải Kinh thánh đến từ những ai không phải thần học gia. Không ai quá chú ý tới thuyết nhật tâm mãi tới khi Galileo cố gắng diễn dịch lại để chứng tỏ rằng kinh văn cũng ủng hộ mô hình của Copenicus. Đây chính là điểm nhấn của sự vụ này.
Sau phán quyết của hồng y Bellarmine vào năm 1616, Galileo phải thừa nhận mình chưa chứng minh được thuyết nhật tâm. Ông chấp nhận việc không trích dẫn mô hình Copenicus như một sự thực khách quan, vì chưa chứng minh được nó. Ông chấp nhận rằng sẽ chỉ nghiên cứu và giảng dạy nó như một công cụ hỗ trợ cho thiên văn học. Năm 1632, đức Giáo hoàng yêu cầu Galileo viết một cuốn sách trong đó có cả mô hình của Copernic và Ptolemy, cũng như các luận điểm chỉ ra ưu và nhược điểm của mỗi thứ. Galileo đã viết cuốn The Dialogue Concerning the Two World Systems (đối thoại về hai hệ thống thế giới). Song ông đã nêu rõ quan điểm của mình cho rằng mô hình Copernic ưu việt hơn. Ông cũng dùng luận điểm của giáo hoàng để làm lời thoại cho một nhân vật trong sách mà ông gọi là “kẻ ngu”.
Tức giận vì hành động đi ngược lệnh cấm năm 1616 này, giáo hoàng rút lại sự ủng hộ của mình đối với Galileo và cho phép Tòa thẩm giáo xét xử ông do đã vi phạm thỏa thuận vì đã viết cuốn sách như thế. Tòa tuyên bố ông có tội và cần bị trừng phạt.
Giáo hội đã tính toán và sẵn sàng chấp nhận những ảnh hưởng từ Cách mạng Copernic. Các học giả Dòng Tên tại trường Collegium Romanum đều hân hoan đi theo sự dẫn dắt của Galileo, đồng thời dùng kính thiên văn để củng cố, điều chỉnh mô hình Copernic. Cùng các học giả Công giáo khác, họ tham gia tranh luận về các mô hình với các nhà thiên văn học khắp châu Âu, bao gồm cả Kepler và Brahe.
Chính sự ghen tức từ các nhà khoa học khác đã khiến công trình của Galileo bị Tòa thẩm giáo giám sát. Chính những người liên quan cùng nền chính trị lúc bấy giờ đã khiến tình hình leo thang, trở thành sự kết án đối với mô hình của Copernic nói chung. Cuối cùng phong trào thái quá đó đã bị dẹp bỏ. Song không lý nào Giáo hội lại phản ứng tất yếu với những kiến thức của ngành thiên văn học theo cách như vậy. Mọi thứ đã có thể tiến triển thuận lợi để Giáo hội có thể chấp nhận thuyết nhật tâm mà không có bất kỳ sự lên án hay xung đột nào xảy ra hết.
Kết Luận
Vụ Galileo là một chuỗi các sự kiện phức tạp, liên quan tới nhiều thứ khác ngoài khoa học và tôn giáo. Sự việc xảy ra trong bối cảnh sau Cải cách cũng như sau những cố gắng mạnh mẽ của Giáo hội nhằm củng cố, khẳng định quyền lực của mình. Việc cũng liên quan tới rất nhiều người: các nhà khoa học đối địch ganh tị với Galileo, người giáo sĩ đầy nhiệt huyết song lại mù khoa học đã thổi bùng ngọn lửa xung đột, vị giáo hoàng nhạy cảm cảm thấy bị xúc phạm trong những cuốn sách và chính bản thân Galileo, kiêu ngạo và thô lỗ tới mức khiến các cộng sự của ông ngao ngán.
Xem xét các dẫn chứng một cách cẩn thận, ta thấy câu chuyện ngụ ngôn ngày nay mọi người vẫn nghe được về Galileo rất ít liên quan tới lịch sử. Câu chuyện đó được vẽ ra kể kể lại những điều tươi đẹp, súc tích, ẩn chứa ý nghĩa luân lý nào đó khi đọc xong ấy mà. Nhưng lịch sử thường không súc tích, và lại chẳng giống với mấy câu chuyện cổ tích tí nào. Người duy lý thực sự sẽ hứng thú với những gì đã xảy ra và lý do đằng sau, cũng như nghiên cứu thật khách quan thay vì những câu chuyện êm tai. Nhiều người vô thần như tôi, đặc biệt là những người thẳng thắn, khi nhắc tới Galileo sẽ sẵn sàng ôn lại lịch sử và cẩn thận lúc bàn luận.
______
Cám ơn Vũ Cường đã dịch và đăng ở nhóm QRVN: https://www.facebook.com/groups/vietnamquora/posts/3636048476628262/