Q: Nên trả lời thế nào khi đi xin việc bị từ chối?
A: Ian Mathews, quản lý cao cấp cho hai công ty thuộc Fortune 500.
Đây là câu chuyện về một ứng viên đã không chấp nhận để tôi từ chối cậu ấy.
Công ty tôi đang làm cần tuyển thực tập sinh mùa hè cho bộ phận bán hàng. Chúng tôi đã kê một chiếc bàn tại lễ hội việc làm của một trường đại học và đưa ra yêu cầu của mình. Tiếp theo, chúng tôi đã lọc các CV và đã chọn ra những ứng cử viên thích hợp nhất để mời họ đến vòng phỏng vấn.
Chúng tôi tìm những người đã có kinh nghiệm làm việc với khách hàng. Điều quan trọng nhất cho công việc này là phải có khả năng giao tiếp tốt.
Điểm số không phải là tất cả, nhưng vì có rất nhiều người tham gia, chúng tôi đã phải lựa chọn dựa trên những con số này.
Ngày đầu tiên, chúng tôi đã gặp những ứng cử viên đã nhìn thấy thông báo tuyển dụng trên mạng. Chúng tôi đã để trống lịch hẹn ngày mai, đề phòng trường hợp sẽ gặp những đối tượng thú vị ở lễ hội tuyển dụng.
Tôi đã gặp một chàng trai trẻ gây cho tôi ấn tượng sâu sắc ngay từ lần đầu tiên. Tính cách cậu ấy rất tốt, và cậu ấy hiểu rõ công ty của chúng tôi.
Cậu ấy đã nghe nói về công việc này qua một người bạn đã từng thực tập với chúng tôi. Cậu ấy quả quyết nói: “Đây là nơi thực tập trong mơ của em.”
Nghe có vẻ khá giống một câu nói đã được chuẩn bị sẵn đấy, nhưng sau một ngày phỏng vấn với những cuộc nói chuyện buồn tẻ, năng lượng của cậu ấy thật vô cùng hấp dẫn.
Vậy nên, tôi đã sắp xếp cho cậu ấy một cuộc hẹn vào ngày hôm sau.
Tính cách góp một vai trò rất quan trọng
Trong 20 phút đầu của buổi phỏng vấn, tôi nhận ra cậu ấy không phải ứng cử viên thích hợp nhất cho công việc này.
Điểm số của cậu ấy không tốt, và cậu không thể đưa ra một lời giải thích hợp lý cho sự yếu kém này. Cậu không hoạt động trong một tổ chức nào, không đi làm thêm, cũng không có hoàn cảnh cá nhân có thể làm ảnh hưởng đến điểm số.
Kinh nghiệm làm việc của cậu không có nhiều. Đa số công việc cậu từng làm là những công việc nhỏ.
Sau buổi phỏng vấn, cậu ấy là ứng cử viên duy nhất đã hỏi tôi thêm một số vấn đề. Cậu không chút do dự hỏi: “Anh nghĩ rằng em có thể nhận được việc này không?“. Cậu ấy can đảm đấy, và tôi đủ coi trọng sự can đảm đó để trả lời thẳng với cậu.
“Hiện tại thì không. Điểm số của em không tốt và lý do duy nhất chính là em đã không học hành chăm chỉ trên lớp. Em muốn có một công việc trong lĩnh vực bán hàng, nhưng em chưa từng làm qua công việc nào có thể giúp em có thêm những kỹ năng phù hợp với lĩnh vực này. Tôi không thấy bất cứ sự cố gắng nào nơi em trong việc tham gia các tổ chức, hoạt động ngoại khoá để phát triển bản thân.”
Cậu tiếp tục hỏi: “Cảm ơn anh đã nói thật với em. Em phải làm gì để anh có thể thay đổi ý kiến về em từ giờ cho đến mùa hè năm sau?”
Chúng tôi đã từng gặp những ứng cử viên không chịu bỏ cuộc rồi.
“Đầu tiên, hãy chứng tỏ cho tôi thấy cậu có thể nghiêm túc trong việc học hành ở trường trong vòng hai học kỳ liên tiếp. Sau đó, hãy tìm một công việc có thể cho cậu cơ hội được tiếp xúc với khách hàng. Cậu có thể làm việc trong một trung tâm hỗ trợ qua điện thoại, nhà hàng, hoặc bất cứ cửa hàng nào. Hãy tìm một công việc cậu phải làm việc vất vả và phải giao tiếp với khách hàng.”
Trong lúc tôi nói, cậu ấy ghi chú lại rất nhanh.
“Cảm ơn anh. Em có thể xin carte visite của anh để giữ liên lạc với anh không? Em dự định làm tất cả việc này và sẽ thường xuyên báo cho anh tiến độ của em”
Cậu ấy đã xin tôi được giữ liên lạc để tiếp tục chứng minh khả năng của mình cho tôi, một ưu điểm lớn của một người bán hàng giỏi (và một điều mà không phải ai trong nhóm tôi cũng có được). Tôi đã đưa cho cậu ấy số liên lạc của tôi và cậu ấy đã hứa sẽ giữ liên hệ.
Lời từ chối luôn là câu trả lời đầu tiên trong một cuộc thương lượng.
Tôi đã nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ gặp lại cậu ấy nữa. Nhưng tôi đã nhầm.
Vài tuần sau đó, cậu ấy đã gửi cho tôi một email. Cậu đã tìm được một công việc phụ trách đón tiếp khách trong một nhà hàng Outback Steakhouse trong khuôn viên trường. Cậu đã cảm ơn tôi vì lời gợi ý của tôi và hứa sẽ tiếp tục gửi thư cho tôi.
Một tháng sau đó, cậu lại liên lạc với tôi một lần nữa để nói rằng cậu đã được thăng chức lên làm người phục vụ, và bây giờ cậu kiếm được tiền tips. Cậu còn chia sẻ thêm vài câu chuyện về những khách hàng khó tính và những điều cậu đã học được.
Một thời gian sau năm mới, cậu lại liên lạc với tôi để nói rằng bây giờ cậu nằm trong “Dean’s list” (danh sách những học sinh xuất sắc nhất, được áp dụng trong các trường đại học Mỹ) và đã đề nghị được gửi cho tôi một bản copy của học bạ của cậu ấy. Tôi đã nói rằng điều này không cần thiết và đã động viên cậu ấy tiếp tục cố gắng.
Cậu ấy đã tiếp tục gửi thư cho tôi trong học kỳ mùa xuân.
Cậu đã tham gia một tổ chức marketing và làm việc trong văn phòng.
Cậu là “nhân viên của tháng” ở nhà hàng Outback.
Cậu đã đọc một quyển sách về kỹ năng bán hàng và đã chia sẻ cho tôi những gì cậu đã học được.
Cậu không muốn tôi quên tên cậu. Tôi thậm chí đã bắt đầu tự hỏi liệu những thực tập sinh mà tôi đã nhận, đang chuẩn bị bắt đầu công việc ở đây, có được nhiều động lực như cậu ấy không.
Tôi đã nhanh chóng có được câu trả lời. Hai tuần trước khi bắt đầu thực tập, tôi đã nhận được email của một trong số những thực tập sinh. Anh ta có cơ hội được du lịch mùa hè ở Californie với một người bạn và đã quyết định sẽ không tham gia công ty của chúng tôi.
Tôi đã gửi email cho chàng trai trẻ nói trên và hỏi cậu liệu cậu có sẵn sàng nghỉ việc ở Outback. Cậu ấy đã nghĩ rằng tôi đang đùa với cậu. Tôi đã gọi cậu và đã nói rằng ngay cả khi cậu chỉ làm việc với một nửa sự cố gắng của những gì cậu đã làm tới bây giờ để có được cơ hội này, cậu cũng sẽ kiếm được nhiều tiền hơn với tư cách là người bán hàng ở chỗ chúng tôi.
Cậu ấy đã bắt đầu 2 tuần sau đó.
Nên phản ứng thế nào khi bị từ chối
Nếu đây là công việc trong mơ của bạn, bạn sẽ không từ bỏ ngay từ lời từ chối đầu tiên.
Biết bao nhiêu cặp vợ chồng đã kể về việc người kia đã từ chối họ khi được mời đi hẹn hò lần đầu tiên? Đã bao nhiêu lần tôi phải hỏi vợ tôi trước khi cô ấy đồng ý hẹn hò với tôi?
- Hãy nhờ người phỏng vấn bạn góp ý cho bạn. Đa số công ty sẽ gửi cho bạn một bức thư từ chối. Điều này giúp bạn có được số liên hệ của họ. Nếu bạn thật sự muốn công việc này, hãy liên lạc với người đã phỏng vấn bạn qua điện thoại, và đặt câu hỏi sau: “Tôi phải củng cố bản thân như thế nào để có cơ hội được làm việc ở đây trong tương lai?”
- Hãy ghi lại những gì bạn đã trao đổi trong cuộc nói chuyện này. “Sau khi trò chuyện, tôi nhận ra tôi phải cố gắng hoàn thiện 5 điều này để có cơ hội làm việc ở đây trong tương lai. Tôi dự định sẽ cố gắng tiến bộ theo lời khuyên của anh trong những tháng tới.”
- Mỗi tháng hãy thông báo với họ tiến bộ của bạn một lần, không được chậm trễ. Tóm tắt những gì bạn đã làm được trong một tháng vừa qua. Kết nối việc bạn đã làm được với một lời khuyên mà họ đã đưa ra cho bạn.
Những người quản lý đánh giá cao sự kiên trì nhất trên mọi đức tính khác. Trong công việc bạn có thể gặp phải rất nhiều sự khó khăn, và đức tính kiên trì thường xuyên là một trong những đức tính đầu tiên được những nhà lãnh đạo dùng đến để tả về những nhân viên ưu tú nhất của họ.
Mỗi khi gửi một email để thông báo tình hình, bạn đang chứng tỏ được việc bạn có đức tính đáng quý này cho sếp tương lai của bạn. Bạn có thể sẽ làm họ ngạc nhiên trong một ngày họ đang nóng nảy vì sự thiếu kiên trì của thành viên trong nhóm, và để lại ấn tượng tốt.
Thế giới việc làm luôn thay đổi liên tục. Nhu cầu của một công ty ngày hôm nay có thể hoàn toàn khác trong ba tháng tới. Những công ty này cũng có thể phát triển và trở nên khắt khe hơn. Nhiều người sẽ bị sa thải để dành chỗ cho người mới. Hãy khiến sự lựa chọn của người quản lý trở nên dễ dàng hơn và hãy làm mọi cách để cái tên của bạn là cái tên đầu tiên họ nhớ tới khi có một chỗ trống.
Nếu đây là công việc trong mơ của bạn, đừng bỏ cuộc ngay từ lần đầu tiên.
___
Link: https://qr.ae/pNnHqb
@LuuLy
https://www.facebook.com/groups/vietnamquora/permalink/2609707459262374/