Vị trí công việc khiến cho tớ có cơ hội biết tới, nghe giới thiệu sơ qua hoặc đôi khi là tâm sự sâu về rất nhiều những cuộc đời khác nhau.
…
Có lần nọ tớ lọc CV thì gặp một chú gần 50 tuổi.
Cv chỉn chu lắm.
Chú viết từng có mười mấy năm kinh nghiệm nặn tượng. Từng học chụp ảnh. Từng theo học một khoá vẽ trên máy cách đây ít lâu.
Tất nhiên là tớ – thành viên của một công ty mà người già nhất còn chưa tới 40 – sẽ loại hồ sơ của chú 50 ngay lập tức.
Nhưng con số 50 khiến tớ thấy lấn cấn trong lòng.
Nên vượt qua phần trách nhiệm mà mình cần có, tớ giới thiệu chú tới một nơi khác phù hợp với người đứng tuổi hơn.
Mãi tới tận gần đây, khi chú đã làm ổn định rất lâu ở chỗ tớ giới thiệu, chú và tớ mới có được dịp đầu tiên gặp gỡ nhau.
Chú kể, chú cần tiền.
Cần để duy trì sinh hoạt của hai ông bà già cô đơn không con cái.
Cần để mua quan tài cho cả hai nếu một mai hai người ra đi.
Chú chỉ nộp CV vào chỗ tớ như ngỏ lời xin làm bảo vệ ở cửa tiệm gần nhà – tức là thử mọi cách có thể, không hơn không kém.
May nhờ duyên số…
Tớ bất chợt nghĩ, vào ngày đầu khi tớ báo loại CV của chú và chưa liên lạc lại, hoặc vào những phút giây trước đó, khi chú bị những người khác từ chối nhận vào làm, cái nỗi buồn bị từ chối cùng nỗi lo cơm gạo đó, chú về nhà có thể kêu ca than thở với ai?
Vợ chú mắc bệnh anzermer. Chắc là chẳng nhớ gì.
…
Một lần khác, tớ phỏng vấn một người mẹ đơn thân.
Sinh năm 97. Đang học đại học thì mang bầu. Bạn trai bỏ rơi, chạy ra nước ngoài du học.
Em bảo lưu một năm để sinh con rồi quay lại trường học tiếp.
Gia đình từ mặt, vừa học vừa làm, vừa vay nợ khắp nơi, nuôi thân và nuôi con.
97, nhưng trong lúc bạn bè còn xin tiền phụ huynh thì em đã là cả cha cả mẹ của một cô bé 3 tuổi. Trông mặt em còn già hơn cả tớ – đứa hơn em tới 4 tuổi liền.
Lúc em bước vào phòng, tớ đã phài lật đi lật lại CV của em, nhìn năm sinh, để kìm nén không chào cô.
Vì kỹ năng không phù hợp nên em bị loại.
Em tươi cười vui vẻ như không có gì. Bắt tay cảm ơn tớ, đàng hoàng bình tĩnh.
Tớ nghĩ em thừa bản lĩnh để vượt qua những thất bại bé tẹo như trượt phỏng vấn. Nhưng vẫn không tránh được mà nghĩ, tối nay về nhà, em sẽ tâm sự chuyện buồn này với ai?
…
Một lần khác nữa, tớ phỏng vấn một cậu nhóc sinh năm 98. Cậu nhóc bấm hai cái khuyên trên một bên tai.
Ấn tượng ban đầu không tốt, tớ âm thầm nhăn mặt mấy lần liền.
Bản thân tớ là loại điên rồ toàn thách thức các quy tắc, bấm khuyên, xăm hình, nhuộm tóc trắng… Nhưng tớ lại không thích những đứa giống mình – vì nổi loạn và khó quản.
Thế mà, trong quá trình phỏng vấn, có một đoạn tâm sự của cậu nhóc làm tớ thấy cay xè cả mũi.
Cậu nhóc bảo, “em vẫn đang làm freelance, ở đoàn phim. Mỗi khi có dự án thì em phải chạy theo, thức trắng đêm liên tục 3 4 ngày là chuyện bình thường. Có lần còn thức cả tuần.”
Tớ hỏi: “vậy lý do em tìm việc mới có phải công việc vất vả quá hay không?”
Cậu nhóc đáp, “phải mà cũng không phải, anh ạ.”
“Sức khoẻ của em không còn chịu được cường độ công việc như thế nữa.
Nhưng nói thật với anh, mỗi lần vào đợt thức đêm nhiều, em lại vui lắm.
Em chỉ sợ không có việc mà làm, thế là được đi ngủ suốt ngày.
Nhưng mà không có tiền.”
Tớ nghĩ tới quyền riêng tư của ứng viên nên không hỏi sâu thêm về lý do tại sao một cậu nhóc bé tí teo, mới 22 tuổi, lại cần tiền đến cái mức ấy.
Nhưng có lẽ cũng chẳng vui vẻ bao nhiêu.
Cậu nhóc đi về, tớ chợt nghĩ, trong những đêm căng mình thức trắng kia, cậu có ai để giãi bày không?
…
Vì đặc thù ngành nghề, số người trẻ mà tớ gặp nhiều hơn người già rất nhiều.
Có người trẻ thì chả phải lo gì, phỏng vấn công việc lương 5 triệu, nhưng đi ô tô đến.
Có người trẻ thì đến tiền vé xe bus cũng tiếc, phỏng vấn 3h chiều, em đi bộ từ 12h trưa sang văn phòng.
Tới nơi, muộn mất 5 phút, trông mặt em méo xẹo như thể không cho vào phỏng vấn là sẽ lăn ra khóc ngay lập tức.
Nhưng thi thoảng cũng gặp những người già còn cần nghĩ ra những cách chả giống ai, để tìm một cơ hội việc làm, như chú nặn tượng vậy.
…
Tớ phát hiện ra một sự thật hiển nhiên, sướng hay khổ chả liên quan gì đến việc người ta ở thế hệ nào.
Già cũng có người khổ.
Trẻ – lớp người mà người ta cho rằng sung sướng hơn người – cũng đầy rẫy người khổ đến mức không tưởng tượng nổi.
Nhưng ít nhất tất cả đều đang cố gắng để bớt khổ hơn, đấy là một điều thật sự đáng trân trọng và có thể dễ dàng khiến người ta cảm động.
Và, không cho họ cái quyền được kêu ca, bởi vì “chú già rồi mà còn kêu à”, hoặc “lớp trẻ chúng mày sướng thế mà còn kêu”… là một tội ác kinh hoàng.
– Bài này tớ viết, nhân một ngày đọc phải một bài lên án “người trẻ sướng mà còn kêu” khiến tớ tổn thương rất nhiều. Tớ thật sự thấy tổn thương đấy. Mặc dù từ góc nhìn của tớ mà nói, thì tớ không cho rằng mình khổ –