- Theo lý thuyết trò chơi, việc một người chơi “đóng vai tốt” trong trò chơi không giúp tăng khả năng hợp tác giữa các bên hay làm cho kết quả của trò chơi tốt hơn. Thay vào đó, việc có những hành động trả đũa ở những thời điểm thích hợp lại có khả năng tăng việc các bên cùng hành động vì lợi ích chung.
- Tuy nhiên, việc có những người chơi đưa ra lựa chọn cảm tính làm trò chơi hấp dẫn hơn trò chơi chỉ có những người chơi lý tính.
- Việc người chơi đưa ra những lựa chọn cảm tính có thể do muốn tuân theo một hệ thống luân lý thay vì hướng tới kết quả lý tính. Tuy nhiên, việc các hệ thống luân lý luôn thay đổi bản thân nó cũng có thể dẫn tới những kết quả không tích cực cho người chơi cảm tính.
Tôi khá thích những người có tính tình hiền lành, “nice” và dường như không bao giờ muốn làm phật ý người khác. Họ như những người sẵn sàng chọn “im lặng” trong song đề tù nhân và luôn chừa ra cơ hội hợp tác. Và có vẻ như, theo cá nhân tôi quan sát thấy, họ không mong gì hơn việc người khác cũng đối xử tử tế với họ, để tất cả có thể cùng tốt hơn.
Nhưng… có thật là mọi thứ sẽ tốt hơn, nhờ những người có tính cách “nice” như thế?
1. Chiến thuật thông minh trong Lý thuyết Trò chơi và nghịch lý của lòng khoan dung.
Rất tiếc rằng những người “nice” luôn tỏ ra nhún nhường, khoan nhượng và vị tha rất có thể lại góp công kiến tạo cho sự xuất hiện của những thứ gây bất lợi cho tất cả mọi người.
Điều này có thể được chú ý thông qua các câu chuyện, bộ phim, nơi trong một nhóm nhân vật chính luôn có một nhân vật quá tốt và điều này gián tiếp đưa nhóm vào những tình huống bất lợi hoặc nguy hiểm. Nhưng khi xem những bộ phim này, ngay cả khi có thể bình thường ta cũng cư xử giống họ, ta vẫn dễ dàng tự đánh giá rằng “mình sẽ không thế”.
Lý thuyết Trò chơi sẽ khiến bạn xác định lại xem liệu mình có phải kiểu người quá hiền lành đến mức luôn đặt bản thân và cả nhóm rơi vào tình trạng bất lợi và nguy hiểm hay không.
Nhưng trước tiên, có một vài điều cần lưu ý:
– Giả định rằng thế giới không phải nơi tồn tại của những người luôn nghĩ cho tất cả mọi người, mà thực ra là gồm phần lớn những người luôn muốn hướng đến lợi ích cho họ, hoặc nhóm của họ.
– Khi chúng tôi chỉ ra lỗi của “những người tốt”, không phải là “đổ lỗi cho nạn nhân” (victim blaming), vì đang xét ở khía cạnh chưa có bất kỳ điều gì xảy ra, và sự mất mát lợi ích không nhất thiết sẽ tạo ra nạn nhân (mặc dù đôi lúc người tốt hoặc nhóm của họ có thể trở thành nạn nhân).
– Hãy đọc những bài viết trước về LTTC nếu bạn chưa đọc.
Hãy thử tiếp cận vấn đề này thông qua trò song đề tù nhân nhiều lần. Nhìn chung chiến thuật tốt nhất vẫn là “tit-for-tat” – ăn miếng trả miếng. Bạn luôn phải lặp lại lựa chọn của đối thủ trong lần chơi trước, và rủi ro cá nhân lẫn thắng lợi hợp tác chung đều được đảm bảo. Việc cho đối thủ thấy rằng mình chơi ăn miếng trả miếng còn khiến họ chần chừ hơn trước mỗi lần ra quyết định. Vì quyết định của họ ở lượt chơi này tệ đến mức nào, họ sẽ nhận lại nó ở lượt chơi sau. Sự chần chừ của đối thủ cũng gián tiếp tạo ra lợi thế cho bạn, và cho cả hai.
Trong khi đó, nếu bạn là một người chơi theo thiên hướng vị tha và ngây thơ quá mức, đối thủ của bạn sẽ nhận ra không việc gì phải chần chừ trong việc lựa chọn “phản bội” rồi ra về với số năm tù ít hơn (ít hơn cả so với việc cả hai cùng chọn hợp tác). Nghĩa là, trong trò song đề tù nhân, việc một người chơi cư xử quá tử tế, thực tế sẽ dẫn đến khả năng hợp tác thấp hơn (vì không lý do gì để đối thủ phải làm vậy).
Tất nhiên, trong một trò chơi song đề tù nhân nhiều lần, rất hiếm xảy ra việc người chơi cảm tính tới mức từ đầu đến cuối chỉ chọn hợp tác, vì quyết định của họ sẽ tự tiến hóa dựa trên hành vi của đối thủ. Quá trình hợp tác sẽ dần tiến hóa, và sự khắc nghiệt của trò chơi đảm bảo rằng ngay cả những người cảm tính nhất rốt cuộc cũng học được bài học về việc làm sao để hợp tác hiệu quả trên mặt toán học – chứ không phải đạo đức, sở thích cá nhân hay bất cứ điều gì khác. Điều tương tự cũng đúng với những người cực đoan, họ sẽ dần học được cách cư xử vị tha vì lối chơi ích kỷ luôn khiến họ gặp nhiều bất lợi.
Năm 1984, Giáo sư Khoa học Chính trị Robert Axelrod tại Đại học Michigan đã viết một cuốn sách dựa trên các thí nghiệm thực tế ông quan sát được. Qua dữ liệu phân tích, Robert đã khái quát hóa những đặc điểm chính cho một chiến lược tốt để chơi song đề tù nhân nhiều lần [1] :
– Nice: luôn hợp tác trong lượt đầu để thể hiện thiện ý của mình, và dẹp bỏ suy nghĩ ích kỷ phản bội trước để chiếm lợi thế.
– Trả đũa: chiến lược thành công không phải lạc quan một cách mù quáng (như đã phân tích phía trên). Bạn phải thể hiện sự trả đũa, để kiềm chế những kẻ cực đoan.
– Không đố kỵ: không cố gắng có nhiều điểm hơn đối thủ, hãy cố gắng để bản thân có được điểm tốt nhất.
– Vị tha: sẵn sàng quay trở lại hợp tác khi đối thủ “hoàn lương”, để tránh căng thẳng leo thang dẫn đến điểm số thấp cho cả hai.
Vậy bên cạnh việc bạn nên tử tế và vị tha để thúc đẩy hành vi hợp tác, hãy luôn thể hiện rằng bạn luôn có thể trả đũa, trừng phạt những kẻ lợi dụng lòng tốt của bạn, khiến hành vi ích kỷ không còn hấp dẫn và lợi ích chung sẽ được đảm bảo.
Hãy thử tiếp cận thông qua một trò khác: đại bàng và bồ câu. Trong trò này, đại bàng và bồ câu cùng cạnh tranh một nguồn tài nguyên. Người chơi sẽ lựa chọn họ sẽ chơi với vai trò đại bàng hay bồ câu. Nếu chọn bồ câu, và những người khác cũng thế, mọi người sẽ cùng chia sẻ nguồn tài nguyên hạn chế. Nếu chọn đại bàng, và những người khác cũng thế, những con đại bàng sẽ đánh nhau sứt đầu mẻ trán và cả hai đều tận diệt. Nhưng nếu một người chọn đại bàng, và những kẻ còn lại chọn bồ câu, lũ bồ câu sẽ luôn nhường nhịn cho đến khi chết đói, trong khi đại bàng sẽ nhận được rất nhiều tài nguyên.
Thiết kế của trò chơi này nhắm vào hành vi của bồ câu, và khiến lựa chọn trở thành đại bàng hấp dẫn, vì mặc dù cả hai lựa chọn đều có thể dẫn đến kết cục tồi tệ, nhưng khi thắng, chiến thắng của đại bàng lớn hơn của bồ câu. Sự xuất hiện của vai trò “luôn nhún nhường” đã gián tiếp khiến người chơi lựa chọn vai trò cực đoan hơn (và hy vọng rằng có thể khai thác những kẻ nhún nhường kia) – dẫn đến kết cục tồi tệ cho tất cả mọi người.
Tác động tiêu cực của những người chơi vị tha quá mức cũng liên quan mật thiết với “Nghịch lý lòng khoan dung” (Paradox of Tolerance) đã được triết gia Karl Popper nêu ra trong tác phẩm “Xã hội Mở và những Kẻ thù của nó (The Open Society and its Enemies) [2] .
Đại ý, ông viết: Sự dung thứ vô hạn cuối cùng sẽ giết chết chính nó. Nếu chúng ta cứ tha thứ cho những kẻ bất dung thứ, nếu chúng ta không sẵn sàng chống lại và tiêu diệt sự bất dung thứ, cuối cùng sự khoan dung vô độ sẽ chỉ dung túng cho cái xấu, thứ không sớm thì muộn sẽ lấn át và xóa sạch mọi sự khoan dung.
Nghịch lý là, sự khoan dung đòi hỏi chúng ta tha thứ cho tất thảy – kể cả sự bất dung thứ. Nhưng nếu cứ để sự bất dung thứ tồn tại, những kẻ nhân từ ngây thơ rồi cũng sẽ trở thành nạn nhân bởi chính lý tưởng tốt đẹp nhưng lạc quan thái quá của mình. Và nếu chúng ta tha thứ cho kẻ khác chỉ để được nhìn nhận là người khoan dung, liệu sự khoan dung đó có còn là sự khoan dung đúng nghĩa về mặt đạo đức?
Có lẽ chúng ta nên quay trở lại định nghĩa về sự tốt đẹp của bản thân. Rằng, liệu chúng ta tốt tính vì muốn được người khác nhìn nhận như một người tốt, hay vì muốn hướng đến lợi ích chung?
Và liệu việc cư xử tốt đẹp để được công nhận như một người tốt, có còn là biểu hiện của một người tốt hay không?
2. Luôn phải nhận thức được hành vi cảm tính của những người chơi khác.
Thực ra sự tồn tại của những người tốt, hay những người chơi cảm tính trong lý thuyết trò chơi không tồi tệ đến mức cần được loại bỏ. Trên thực tế, với những trò chơi phức tạp có nhiều lượt chơi, đặc biệt là trò giữa các nhóm, sự xuất hiện của những người dùng các chiến thuật ngẫu nhiên hoặc cảm tính thậm chí có thể giúp các đội tiến được xa hơn trong trò chơi.
Vì trong một vài trường hợp, việc cư xử quá lý tính sẽ dẫn đến việc trò chơi kết thúc ở lượt đầu tiên và có kết quả hòa. Do các cá nhân lý tính sẽ nhanh chóng tìm ra điểm cân bằng Nash.
Nhưng khi chê trách sự ngây thơ cả tin của người hiền lành, và tránh rơi vào đó, ta cũng cần nhận thức rõ rằng luôn tồn tại rất nhiều người như thế – và chính họ sẽ ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng, chứ không phải một cá nhân lý tính đơn lẻ. Ví dụ, trong trò đoán số được đề cập ở bài [3] , với những phiên bản có nhiều người chơi, những người chơi lý tính chọn 0 thậm chí sẽ thua cuộc (mặc dù đây là điểm cân bằng Nash).
[Tóm tắt bài toán: Bạn và những người còn lại, mỗi người chọn cho mình một số ngẫu nhiên từ 0->100. Bạn sẽ thắng cuộc khi chọn được một số gần nhất với đáp án. Biết rằng đáp án là số = 80% số trung bình cộng của các số được chọn.
Ví dụ, hai người chọn lần lượt 75 và 34. Vậy, trung bình cộng của nhóm là (75+34)/2 = 54.5. Đáp án là số có giá trị bằng 80% trung bình cộng của nhóm, tức 43. Người chọn số 34 là người thắng cuộc, do là người chọn số gần với đáp án nhất.
Vậy, bạn sẽ chọn đáp án nào, và vì sao lại như thế?]
Cơ bản vì phần lớn những người còn lại không nghĩ được thế, và khi đưa ra quyết định cảm tính, khả năng họ chọn 99 số còn lại thay vì 0 cao hơn hẳn. Vì vậy, lúc này bạn sẽ không thể lựa chọn 0, dù quả thực đó là quyết định lý tính để đi tìm cân bằng Nash. Bạn phải lý tính đến mức dự đoán được hành vi cảm tính của người khác. Để làm thế, có thể dựa trên Lý thuyết phân cấp nhận thức (Cognitive hierarchy theory – CHT) để xếp các nhóm tỷ lệ cụ thể.
Nhìn chung, khi đối thủ của bạn chỉ toàn những người duy lý và bạn biết thế, lại dễ đối phó hơn khi đó là một nhóm đa dạng. Vì các lựa chọn duy lý chỉ có một hoặc một vài, còn khi bạn biết rằng đối thủ của mình sẽ lựa chọn cảm tính, câu hỏi tiếp theo sẽ là “loại cảm tính nào”?
Do vậy, một mặt nên rèn giũa bản thân trở nên bớt cảm tính nhất có thể, mặt khác hãy luôn nhận thức rõ rằng phần lớn những người xung quanh không hề duy lý. Điều này rất quan trọng. Chưa kể đến việc những người khác, ngay cả khi họ cảm tính và ngu ngốc (ngay cả thế), chưa chắc họ sẽ phải sống trong một hiện thực đau khổ hơn bạn, hay bạn có giá trị hơn họ.
Và cũng giống như những người luôn nghĩ rằng mình tốt đẹp ở phần 1, khi bạn nói rằng bạn thông minh, vậy là kiểu thông minh nào?
Luôn đưa ra những đáp án duy lý về mặt lý thuyết để được nhìn nhận là người thông minh, hay hướng đến đáp án sẽ xuất hiện trên thực tế?
Và liệu một người cố chấp đưa ra đáp đúng nhưng nhận lấy thất bại, thì đó có phải đáp án đúng không, hay xa hơn, đó có phải người thông minh không?
3. Sự khổ sở của những người bị bó trong luân lý không phù hợp với mình.
Trong khi Lý thuyết Trò chơi chỉ rõ rằng những cá nhân theo đuổi chiến lược vị tha mù quáng thực ra không “tốt” lắm cho chính họ và mọi người. Vậy, tại sao xã hội luôn tồn tại những cá nhân này, hay vì sao một số người chọn theo đuổi chúng? Ắt hẳn phải có một lý do nào đó, một lợi ích, có thể không phải về mặt vật lý hay lý tính.
Tôi nghĩ rằng, lời giải thích khả dĩ nhất cho sự tồn tại của những người này, có thể vì họ chọn theo đuổi việc tuân thủ những hệ thống luân lý – và xem đó là sứ mệnh hiển nhiên của đời mình, cũng như nghĩ rằng như thế là tốt.
Luân lý, hay đạo đức, là những hệ thống được đặt ra nhằm điều hướng hành vi của người trong một xã hội. Vì chúng ta đã từng là những người chú khỉ tiền sử, cho đến người man di… luân lý giúp loài homo sapiens nhận ra sự khác biệt trong những ý định, quyết định và hành động: đâu là đúng, còn đâu là sai.
Luân lý thay đổi liên tục theo thời gian, không gian và có sự chuyên biệt ở từng nhóm nhân khẩu. Điều này cũng đồng nghĩa rằng nó không phải chân lý, và không phù hợp với toàn bộ chúng ta, hay cũng chẳng phải điều đúng đắn tuyệt đối.
Nhưng những đặc điểm trên không khiến luân lý trở thành thứ đáng bị bỏ đi, ngược lại, nó là một hệ thống quan trọng đảm bảo giữ vững cấu trúc của một xã hội nơi phần lớn các cá nhân không phải người duy lý tuyệt đối giống những cỗ máy.
Điều tôi muốn nói ở đây, nằm ở việc mặc dù hệ thống luân lý có sự phức tạp nhất định, nhưng nhiều người nghĩ rằng nó phổ quát, nên tự đặt bản thân vào một khuôn mẫu luân lý – bất kể nó có hại cho bản thân và có lợi cho người khác.
Theo triết học Marx, hệ tư tưởng nói chung, hay các giá trị đạo đức nói riêng, đôi khi còn bị lợi dụng bởi tầng lớp thống trị, để khiến xã hội vận hành theo hướng có lợi cho họ, hướng tới họ và không ngừng đề cao họ [4] .
Ví dụ, luân lý của người giàu, xoay quanh chuyện ăn mặc, đi đứng kiểu cách, lề thói… đôi khi được ngưỡng mộ và thực hành bởi các tầng lớp thấp hơn trong xã hội. Nhiều người nghèo nhầm lẫn rằng những kiểu cách này là biểu hiện của sự thượng đẳng, của sự cấp tiến, nên cố gắng bắt chước nhằm giúp phần nào đó bản thân được “nâng cấp”. Nhưng sự quy phục này chỉ khiến các quy chuẩn của người giàu trở thành chuẩn mực được hướng đến trong xã hội (và chưa chắc nó đã phù hợp hay đem lại bất kỳ lợi ích nào), trong khi người nghèo vì thực hành luân lý của kẻ giàu mà ngày càng nghèo đi.
Hay gần đây, sau hàng chục năm các nhà xuất bản đem về hàng loạt đầu sách làm giàu, self-help kiếm về bộn tiền cho bản thân… phần nào đã khiến hư hại tư duy của một phần thế hệ trẻ, bó họ vào một hệ thống luân lý mới lừa đảo và bóc lột. Những luân lý như “đi làm phải quá 8 giờ”, “không nhận lương để học hỏi kinh nghiệm”, “xông pha, mạo hiểm để làm việc lớn”, “không năng động là kiểu người vứt đi”… được truyền bá rộng rãi, thậm chí được tung hô. Nhiều người nghĩ rằng việc họ theo đuổi những quy cách, luân lý này sẽ giúp họ trở thành người thành đạt, và ngược lại, không tuân theo sẽ trở thành kẻ thất bại đang được đề cập đến. Nhưng thực ra, đó không hơn không kém chỉ là những ý tưởng tư bản bóc lột được truyền bá ngày càng rộng rãi, khiến người lao động cảm thấy mặc cảm, có lỗi ngay cả khi họ làm những việc đúng về mặt pháp luật (như ra khỏi công ty đúng giờ); hoặc khiến những người lao động thần tượng các ông chủ tư bản.
Sự bó buộc về mặt luân lý, để rồi đặt bản thân vào cuộc sống tinh thần căng thẳng, cũng như thỏa mãn cho kẻ khác, là vấn nạn chung của hầu như tất cả chúng ta.
Đó có thể là một ông bố, bà mẹ vì sợ hàng xóm, họ hàng dị nghị nên ép con cái đi học đại học cho bằng được – bất kể không phù hợp với tài chính gia đình, cũng không phù hợp với định hướng tương lai của chính đứa con.
Đó có thể là một người phụ nữ cảm thấy có lỗi khi chồng của họ ngoại tình, vì luân lý cho rằng phụ nữ phải biết giữ gìn mái ấm gia đình.
Đó có thể là một bạn trẻ không thể đi chơi hay tận hưởng tuổi trẻ với bạn bè của mình thông qua những hoạt động hết sức thông thường như du lịch xa hay tiệc tùng qua đêm – vì bố mẹ ở nhà luôn bảo rằng như thế là bất hiếu, và “tao chết cho mày coi”.
Đó có thể là một anh chàng sĩ diện luôn trả tiền những buổi ăn nhậu cùng bạn bè, bất kể phải về ăn mì gói trong căn phòng tồi tàn và một tương lai mờ mịt. Chỉ vì anh xem phim, đọc truyện, nghe nhạc và thấy rằng như thế mới là bậc hảo hán, và rồi bạn bè (hay xã hội, hay Chúa trên cao) sau này sẽ đối xử tốt với anh vì sự hảo hán ấy.
Đó cũng có thể là một nhân viên hiền lành, luôn nhường nhịn sếp và nhân viên bất kể bị họ lợi dụng trong công việc, vì tin rằng sự hiền lành của bản thân là tốt đẹp và đúng đắn, tự xem mình là cô Tấm, và rồi Bụt sẽ hiện ra để giúp đỡ vào một lúc nào đó.
…
Tuân theo luân lý, cùng một chút may mắn, bạn sẽ được gọi là “con ngoan trò giỏi”, là “người hiền nhất công ty”, là “thằng bạn sộp”… những nhãn mác kiểu kiểu thế. Nhưng tôi không đảm bảo rằng bạn sẽ có một trải nghiệm cuộc đời tốt đẹp, hay thậm chí sự tồn tại của bạn giúp mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Thậm chí, tôi không chắc có gì đảm bảo được chuyện bạn có được những nhãn mác ấy mà không tự hại chính mình.
Nhưng cũng thật khó tránh khỏi. Có nhiều thứ chúng ta không thể tự chủ, và suy nghĩ về bản thân là một trong số đó. Những luân lý ta được áp đặt đôi lúc lớn và sâu sắc đến mức ta cảm thấy như bản thân là một thất bại toàn diện chỉ vì một lời nói của bố mẹ, bạn bè hay đồng nghiệp; hoặc cảm thấy tự hào dù vừa đưa ra một quyết định vô cùng ngu ngốc – tất cả những cảm giác này không nhất thiết trùng khớp với những gì bạn đã làm trong hiện thực.
Thế nên việc thực sự trở thành người tốt, khó hơn nhiều so với việc nghĩ rằng mình là người tốt. Nhận thức được điều này, lý tính xem xét bản thân và chấp nhận rằng đôi lúc mình chưa đủ tốt, tôi nghĩ rằng là một bước quan trọng trong hành trình trở thành người tốt.
Hoặc… không?