Động đất và sóng thần ở Nhật Bản thật khủng khiếp, khiến tôi nghĩ đến ngày tận thế. Sự sống quá đỗi mong manh nhưng có lẽ chính vì thế mà chúng ta biết quý cuộc sống hơn.
Con người đúng nghĩa sinh ra để tận hưởng những gì mà cuộc sống mang lại. Tận hưởng cuộc sống và hưởng thụ là hai chuyện không hoàn toàn giống nhau. Hưởng thụ phải có những điều kiện khách quan. Điều kiện ấy có thể là tiền bạc, là sức khỏe. Không có tiền thì quên chuyện du lịch, đừng có mơ mướn phòng ở các khách sạn 5 sao hay về nghỉ tại các Resort sang trọng. Không có sức khỏe thì đừng nghĩ đến chuyện chinh phục đỉnh Phan xi păng, hay đi thăm Tây Tạng, “nóc nhà thế giới”…
Hưởng thụ có vẻ như là chuyện của những người có đủ điều kiện về tiền bạc và sức khỏe. Mà những người này ở Việt Nam ta có lẽ cũng không nhiều lắm (người có tiền có thể không đủ sức khỏe, người có sức khỏe có thể không đủ tiền. Tôi cũng nằm trong số đó). Còn tận hưởng cuộc sống cũng là một sự hưởng thụ nhưng không đòi hỏi phải có điều kiện gì nhiều. Tất nhiên phải có một điều kiệnchủ quan đó là “sức khỏe tinh thần của bạn”. Sống tích cực, tâm hồn thanh thản do biết thừa nhận và chấp nhận những cái mình không thể thì sẽ nhận ra rất nhiều thú vui, vẻ đẹp, mà chúng ta có thể hưởng thụ, có khi không mất xu nào nhưng nó lại là vô giá. Thời còn trẻ, tôi rất nghèo nhưng biết tận hưởng những giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi để hưởng thụ vẻ đẹp của thiên nhiên. Buổi chiều tối khi kéo xe ba gác rỗng trở về sau một ngày chở hàng mệt nhọc, trên đê sông Hồng, mạn Chèm Vẽ bây giờ, hạ càng xe xuống, ngồi hàng giờ để ngắm đám mây chiều lộng lẫy, rực sáng rồi mờ tối dần phía sau dãy núi Ba Vi. Có những đêm nằm ngửa trên sân thượng nhìn bầu trời đen như nhung lấp lánh ngàn sao, hoặc ngắm mây trôi vùn vụt qua vầng trăng 16, đẹp không thể tả được. Hay những lúc bẻ được một ôm hoa dại cho vào chiếc vại con góc nhà mà thấy cuộc đời bừng sáng. Đó là sự hưởng thụ đem cho tôi nhiều khoái cảm trong cuộc sống có phần bất hạnh của mình lúc ấy. Những khoái cảm này đi vào nội tâm và góp phần tạo ra những bài hát của tôi bây giờ. Những cái đó không thể mua bằng tiền bạc.
Trong sự hưởng thụ có những tiêu chuẩn của cá nhân và những tiêu chuẩn của đám đông. Sự tận hưởng nặng về “tiêu chuẩn cá nhân”, những tiêu chuẩn phụ thuộc vào điều kiện sống và tính nết của mỗi người. Nếu bạn đi trên đường không phải bằng chiếc xe đạp Martin như tôi mà bằng chiếc Mercedes E250 thì chắc chắn sự hưởng thụ của bạn là “đỉnh” rồi. Nhưng với tôi, tôi thích thong dong xe đạp hơn, gió mát lùa bên tai, mọi vật thật gần gũi cứ chầm chậm trôi qua trước mắt mình. Tôi ngưỡng mộ bạn, nhưng tôi có sự hưởng thụ “đỉnh” của riêng mình. Cũng giống như một tách trà Ô Long thượng hạng của Tầu (có giá không thể dưới 70.000đ) và một bát nước vối nóng tự pha (chắc tính ra không đến 100đ) với tôi khoái cảm hưởng thụ như nhau (tất nhiên với mọi người thì không phải thế). Đấy chính là “tiêu chuẩn cá nhân”. Chạy theo những “giá trị đám đông” tuy khi có được thì “trên cả tuyệt vời” nhưng mệt lắm đấy. Nhưng nếu không thể có được nó, sao ta không biết tận hưởng những “thú vui không mất tiền mua”.
Nếu có phút rảnh rỗi nào bạn hãy tận hưởng cuộc sống theo “tiêu chuẩn cá nhân” kiểu như tôi. Nếu may mắn cóchút tiền bạc dư thừa thì đừng từ chối hưởng thụ theo “tiêu chuẩn đám đông”. Hãy đến Lệ Giang ngồi uống cà phê bên con suối nhỏ, đến Sentosa để xem vở nhạc kịch Lion King, một siêu phẩm kiểu Broadway, đến Penang ăn măng cụt, sầu riêng trong những quán bán trái cây tươi trên con đường núi xen kẽ rừng già và những vườn cây ăn trái, đến Kyoto để đi dạo trên con đường ven kênh rực rỡ anh đào, để ngắm phố cổ Gion những quán trà, thấp thoáng bóng dáng các Geisha, Maika xinh đẹp, bí ẩn và cực kỳ quyến rũ… Thế thì còn gì bằng. Phải thế không bạn?
Bài: Nhạc sĩ Dương Thụ
https://www.elleman.vn/ky-nang/lam-the-nao-de-tan-huong-cuoc-song