Trong cuốn sách Nở muộn gần đây Bloom xuất bản, có một thông tin rất hay, trong đó tác giả Rich Karlgaard viết rằng: “Trong độ tuổi từ 18 đến 25, hầu hết mọi người chưa trưởng thành hoàn toàn, họ mới chỉ đang sống trong thời kỳ hậu thiếu niên đầy biến động – một vài quá trình nhận thức chưa hoàn thiện, bộ não chưa thực sự phát triển như một người lớn thực thụ.
Và bạn có biết, khả năng quan trọng khiến chúng ta thực sự là người trưởng thành bao gồm: kiểm soát cảm xúc và những xung động, lên kế hoạch cho các quá trình phức tạp và dự đoán vấn đề. Nhưng, sự thật thì chúng không được định hình cho hầu hết những người ở độ tuổi từ 18-25.”
Bạn có nhớ tuổi 20-22 của mình không? Bạn hăm hở lao ra cuộc đời để chứng minh bản thân mình đã trưởng thành. Bạn muốn chinh phục những công việc thử thách, muốn thể hiện cá tính độc nhất, muốn trở thành trung tâm nơi mình đi qua, và sớm trở nên thành công và giàu có.
Nhưng bạn sẽ sớm nhận ra, thế giới này rất rộng lớn, núi cao còn có núi cao hơn, mỗi năm chỉ riêng ở Việt Nam có hơn 300 nghìn sinh viên ra trường và ai cũng hăm hở lao vào cuộc đua – hệt như bạn.
“Ngành nghề mình chọn không phù hợp với mình như mình tưởng.”
“Tại sao ai cũng có công việc yêu thích còn mình thì không?”
“Hóa ra những kỹ năng mình có thật viển vông và tầm thường.”
“Mình sẽ làm gì tiếp theo, hay mình sẽ bỏ cuộc…?”
Và cùng những thất bại và thất vọng đầu đời, đó cũng là lúc mà bạn “rơi”, khi những chuẩn mực của thành công đã được mặc định áp lên bạn, trong khi não bộ và cảm xúc của bạn chưa hoàn thiện để sẵn sàng cho những kỳ vọng từ chính bản thân bạn hay từ xã hội này.
“Thi Đại học xong chúng ta liền trở thành người lớn. Nhưng chưa từng có tiết học dạy chúng ta trở thành người lớn là như thế nào.” (Em của thời niên thiếu)
Điều đó cũng làm hình thành nên “những đứa trẻ vị thành niên” đựng trong vỏ bọc một người lớn. Và tạo ra những cơn khủng hoảng “hậu trưởng thành” của rất nhiều người trẻ khi rời khỏi ghế nhà trường.
Lúc này, phần đông sự lựa chọn sẽ là, tiếp tục vỏ bọc của một người trưởng thành và bắt mình phải làm điều mà mình không muốn – để ổn định hoặc giống số đông.
Nhưng, cũng có một con đường khác, cho quá trình này, một ngách hẹp mà không phải ai cũng đủ tỉnh táo để nhìn ra, đó là: Tự nhận-thức rõ ràng và cho-phép bản thân được chậm lại. Sự cho-phép này rất quan trọng, bởi bề mặt, bạn sẽ vẫn tiếp tục hành trình giống như mọi người, nhưng ở sâu bên trong, nó giúp cảm xúc của bạn được thấu hiểu, để bạn trung dung trong chính trái tim, để bạn hiểu, rằng bạn có thể thất bại, nhưng bạn cho phép và chấp nhận bản thân mình, bởi đây mới là quãng thời gian vàng cho việc “ươm mầm” (và chẳng có gì phải quá vội).
Sự cho-phép cũng giúp bạn mở tiếp cánh cửa đầy tiềm năng – để trải nghiệm và cọ xát nhiều hơn. Nếu bạn chưa biết mình là ai, mình thật sự có thể làm được gì, thì sau khi rời khỏi trường Đại học bạn hoàn toàn có thể đào bới tiếp – tự học, tự tìm hiểu những ngành nghề/lĩnh vực mới, có 1 năm gap year hoặc thậm chí đi học nghề… Giai đoạn này sẽ giúp bạn nhận ra bạn thật sự mạnh điều gì, hoặc khai phá những góc khuất mà bạn chưa bao giờ chạm đến – điều mà bạn sẽ dễ dàng bỏ qua nếu cứ tiếp tục lao đi để giống mọi người.
Thử nghiệm và lĩnh hội, chăm chỉ nhưng liều lĩnh, đó là cách bạn cứ mỗi ngày ươm thêm những hạt mầm để làm trù phú cho vườn hoa của mình sau này.
Cuộc đời sẽ có rất nhiều đỉnh cao mà bạn phải chinh phục, nhưng tin vui là: Con người có nhiều đỉnh cao trí thông minh ở các độ tuổi khác nhau. Ở mỗi một giai đoạn, bạn sẽ khá hơn ở điều này và kém hơn ở điều khác. Không có giai đoạn nào tất cả mọi thứ đều mạnh, và không có giai đoạn nào tất cả mọi thứ đều yếu. (Như thế tức là nếu bạn hiểu được bản chất, bạn sẽ hiểu rằng giai đoạn nào cũng là giai đoạn bạn có thể “ươm” thêm mầm.)
Vậy nên, mong mỗi chúng ta sẽ thấu hiểu cho hành trình trưởng thành của mình.
Bởi, đôi khi “Bí mật của cuộc sống đó là hãy biết đặt mình vào luồng sáng phù hợp, đối với một số người, đó là ánh đèn sân khấu. Nhưng với những người khác, đó lại là ánh đèn bàn…”
Bài viết có sử dụng thông tin từ cuốn “Nở muộn” của tác giả Rich Karlgaard
https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=1987257171409130&id=263175573817307