- Khác với niềm tin, vốn được xây dựng dựa trên kinh nghiệm nhưng vẫn có phần hoài nghi, ảo tưởng là những niềm tin tuyệt đối nhưng ít hoặc không có căn cứ. Tuy nhiên, việc đánh giá một niềm tin có căn cứ hay không lại phụ thuộc vào chủ quan của người đánh giá, dẫn tới khó khăn trong quyết định một người có ảo tưởng hay không.
- Dù có nhiều điểm xuất phát khác nhau, những ảo tưởng của con người có thể được chia thành một số nhóm như Ảo tưởng sức mạnh, ảo tưởng tình yêu, …
- Có nhiều bằng chứng về nguyên nhân của ảo tưởng, trong số đó bao gồm việc não liên tục phản ứng như khi đang ở trong trạng thái nguy hiểm, được cho là bắt nguồn từ những trải nghiệm nguy hiểm trong quá khứ. Cùng với đó, một số bằng chứng khác lại chỉ ra mối liên hệ giữa một số đặc điểm di truyền hay sinh học với ảo tưởng.
Hiện thực được cấu thành từ quá trình xử lý hình ảnh của nhận thức, nhưng thái độ của ta với hiện thực ấy lại phụ thuộc vào niềm tin.
Nếu như các ảo giác là cơ chế cố hữu của não bộ trong quá trình xử lý thông tin thô từ thế giới khách quan, thì ảo tưởng là sự sai lệch trong quá trình tiếp nhận và diễn giải thông tin ấy. Vì là một niềm tin cực kỳ mãnh liệt, đến mức tưởng chừng như những gì mình nghĩ là thật, ảo tưởng góp phần dẫn đến những lệch lạc nghiêm trọng về cảm xúc, tâm lý, và hành vi của con người.
1. Niềm tin mãnh liệt hay những ảo tưởng vô căn cứ?
Theo định nghĩa phổ biến hiện nay, ảo tưởng là những phán đoán sai lầm dựa trên sự tin tưởng tuyệt đối và không thể thay đổi của người bị ảnh hưởng, dù được cung cấp những bằng chứng cho thấy niềm tin của họ rõ ràng là sai. Và ảo tưởng cũng là triệu chứng có tầm quan trọng đặc biệt trong chẩn đoán các bệnh rối loạn tâm thần như tâm thần phân liệt, các giai đoạn hưng cảm của rối loạn lưỡng cực và trầm cảm loạn thần [1] .
Như một người tin rằng suy nghĩ của bản thân luôn bị người khác đọc được nên tự giam mình trong phòng. Một người khác chắc chắn rằng anh ta bị theo dõi bởi chính phủ nên luôn cố gắng tránh mặt cảnh sát trên đường. Hay một người chồng từ mặt vợ mình sau 30 năm chung sống vì một niềm tin mãnh liệt rằng vợ mình đã bị thay thế bằng một người khác có ngoại hình y hệt… là những ví dụ về sự ảo tưởng.
Những trường hợp kể trên đều là những ví dụ điển hình của ảo tưởng. Thông thường, một số ảo tưởng rất dễ nhận ra bởi sự vô lý hoặc bất thường khi đặt nó trong nền tảng văn hóa, xã hội và giáo dục cá nhân của người bị ảnh hưởng. Như chúng ta sẽ chẳng tin chuyện bản thân hoặc ai đó có khả năng đọc suy nghĩ của người khác, hay có thể bay. Nhưng cũng có những ảo tưởng, tuy rõ ràng là sai, vẫn có khả năng xảy ra trong thực tế như người tin rằng họ bị chính phủ theo dõi 24/7 [2] .
Việc định nghĩa chính xác như thế nào là ảo tưởng vẫn là một thách thức của giới nghiên cứu. Bởi rất khó để có một công thức chung có thể phân biệt sự ảo tưởng với những niềm tin cũng mãnh liệt không kém liên quan đến tôn giáo, đức tin, hoặc do tiếp nhận thông tin không đầy đủ. Như việc chúng ta không thể gọi những người tin vào thiên thần và ác quỷ nhưng không tin vào thuyết tiến hóa là ảo tưởng được.
Những niềm tin mãnh liệt thường được hình thành từ những trải nghiệm cá nhân. Khi một người đã tin tưởng vào điều mà họ cho là đúng, họ sẽ kiên trì đến cùng với nó, nhưng vẫn có sự hoài nghi về tính trung thực ở một mức độ nào đó. Còn với người bị tác động bởi ảo tưởng, họ đặt niềm tin tuyệt đối vào những ảo tưởng này. Một điều thú vị là rất hiếm khi có ai khẳng định mình bị ảo tưởng, trong khi những người luôn nghĩ mình ảo tưởng lại không thực sự ảo tưởng.
Không giống như hầu hết các rối loạn tâm thần khác, người mắc chứng rối loạn ảo tưởng thường không có những hành vi kỳ lạ một cách rõ ràng [3] . Tuy nhiên, họ có thể đưa ra những quyết định bất thường trong cuộc sống hàng ngày đối với những vấn đề chịu ảnh hưởng bởi suy nghĩ ảo tưởng. Như trong ví dụ trước, những người tin rằng họ đang bị chính phủ giám sát thường xuyên từ chối các cuộc điện thoại, không dùng thẻ tín dụng hay tránh mặt cảnh sát khi đi trên đường để khiến “những đặc vụ” gặp khó khăn khi theo dõi cuộc sống của họ.
Hầu hết các chuyên gia sức khỏe tâm thần đều đồng ý rằng cho đến khi người mắc chứng rối loạn ảo tưởng thảo luận về các khía cạnh bị ảnh hưởng trong cuộc sống, sẽ rất khó để phân biệt người bị bệnh với những người không bị rối loạn tâm thần nói chung. Trong thực tế, các bác sĩ tâm thần có xu hướng chẩn đoán một niềm tin là ảo tưởng nếu nó thực sự kỳ quái, gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng, đặc biệt nếu người bị ảnh hưởng không còn tin tưởng vào các bằng chứng chứng phản bác hoặc lý lẽ hợp lý được đưa ra [4] .
Tuy nhiên, điều này dẫn đến việc chẩn đoán ảo tưởng chủ yếu dựa trên đánh giá chủ quan của bác sĩ điều trị. Trong nhiều trường hợp, các bác sĩ hiếm khi có thời gian hoặc nguồn lực để kiểm tra tính hợp lý trong nhận thức của một người, dẫn đến một số niềm tin đúng đắn bị phân loại sai thành ảo tưởng.
Một ví dụ điển hình là hiệu ứng Martha Mitchell, được đặt tên sau khi Martha – vợ của John Mitchell, cựu Bộ trưởng Tư pháp Hoa kỳ trong chính quyền Tổng thống Nixon – cáo buộc về các hoạt động bất hợp pháp diễn ra trong Nhà Trắng. Vào thời điểm đó, những tuyên bố của cô được cho là dấu hiệu của bệnh tâm thần và chỉ sau khi vụ bê bối Watergate vỡ lở, Martha Mitchell mới được giải oan và do đó niềm tin của cô là hoàn toàn lành mạnh [5] [6] .
2. Con người thường ảo tưởng về những vấn đề gì?
Ảo tưởng, về cơ bản, là một niềm tin hay ý tưởng của con người. Do đó, nó có thể nảy sinh trong cùng điều kiện thiết lập như bất kỳ ý tưởng bình thường nào khác. Một ý tưởng có thể xuất hiện đột ngột mà không hề liên quan đến bất kì suy nghĩ nào trước đó, nhưng đa phần khởi phát dựa trên nhận thức, tâm trạng, ký ức của mỗi cá nhân, hay sự tương tác với môi trường xung quanh [7] . Ảo tưởng cũng vậy. Do đó, những ý nghĩ ảo tưởng dù đa dạng về nội dung nhưng có thể gom thành từng nhóm dựa trên nền tảng chung về văn hóa, xã hội hoặc tình cảm của người chịu ảnh hưởng.
Chẳng hạn, ảo tưởng ‘sức mạnh’ (Grandiose delusions) khiến người ta có niềm tin viển vông rằng mình là một nhân vật cực kì nổi tiếng, một người toàn năng, có sức mạnh siêu nhiên, hoặc giàu có và rất quyền lực [8] . Những ảo tưởng này thường xuất hiện ở những bệnh nhân có trạng thái hưng cảm của rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt, hoặc rối loạn lạm dụng chất kích thích. Nghiên cứu cho thấy khoảng 10% người khỏe mạnh từng có những ‘tư tưởng lớn’ tương tự, tuy nhiên đa phần sẽ không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn để chẩn đoán là GD [9] .
Ngoài những ảo tưởng kì quái như trên, ta còn gặp những ảo tưởng rất đời thường như ảo tưởng tình yêu (Erotomania), đặc trưng ở những người có niềm tin sai lầm rằng có một người khác yêu say đắm họ [10] . Ảo tưởng này thường xảy ra ở những bệnh nhân nữ có tính cách rụt rè, nhút nhát, thiếu kinh nghiệm sống, và đối tượng hướng tới của họ thường là những người đàn ông thành đạt, có địa vị xã hội, hoặc đã có gia đình [11] .
Bên cạnh đó, ảo tưởng ghen tuông (Delusion of infidelity) khiến cho một người luôn chắc chắn là bản thân đang bị phản bội bởi vợ/chồng của mình dù không có bằng chứng xác thực nào và dẫn đến những hành động cực đoan như theo dõi, kiểm soát, bạo lực gia đình, và là một trong những động cơ giết người vì tình phổ biến nhất [12] .
Một số ảo tưởng có thể trở nên phổ biến hoặc biến mất khi có những thay đổi về bối cảnh văn hóa, xã hội nhất định. Ví dụ, ảo tưởng nghèo đói – khi một người có niềm tin mạnh mẽ về sự nghèo khổ và không có năng lực tài chính của bản thân – xuất hiện phổ biến trong giai đoạn xã hội chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ của chính phủ và dường như biến mất ở thời điểm hiện tại (tin tôi đi, bạn không nghèo như bạn tưởng đâu) [13] .
Ngược lại, trong thời kỳ khoa học công nghệ phát triển, chúng ta có thể tạo các kết nối xã hội với bất kỳ ai trên thế giới mạng mà không cần những tương tác mặt đối mặt. Việc này dẫn đến một vấn đề là người ta ngày càng dễ bị lừa bởi những kẻ mạo danh hơn, đồng thời cũng khiến chúng ta có “ảo tưởng Capgras” và tin rằng những người mình gặp đều là ‘imposter’ (kẻ mạo danh) [14] [15] .
Có thể nhận thấy, những ảo tưởng kể trên đều bắt đầu từ những suy nghĩ bình thường vẫn hiện hữu trong cuộc sống. Chúng ta vẫn yêu, vẫn ghen, vẫn chưa hài lòng về tình hình tài chính của bản thân, vẫn tự trách mình chưa đủ năng lực khi thất bại hay tràn đầy tự tin mỗi lần được khen ngợi. Nhưng chúng ta không yêu và ghen đến mức giết người, không tự tuyên án tử cho mình chỉ vì cảm thấy không xứng đáng, không thần thánh hóa bản thân là một người toàn năng với sức mạnh siêu nhiên, hay ly dị vợ vì tin rằng cô ta là kẻ mạo danh.
Với một người có năng lực suy nghĩ và trạng thái tinh thần bình thường, thật khó hiểu nếu anh ta tin vào việc một ai đó có thể có đầy đủ đặc điểm về ngoại hình lẫn tính cách của vợ mình (một xác suất cực thấp) và còn mạo danh vợ của anh (một xác suất còn thấp hơn rất nhiều). Vì vậy, đối với những người bị tác động bởi ảo tưởng, họ không chỉ hình thành những ý tưởng mới đầy sai lệch, mà còn từ bỏ những niềm tin cơ bản sẵn có của mình. Quan sát này dẫn đến câu hỏi là điều gì đã tác động đến hệ thống hình thành và đánh giá niềm tin của một người để tạo ra và duy trì ảo tưởng?
3. Cơ chế hình thành ảo tưởng.
Giải thích nguyên nhân của ảo tưởng tiếp tục là một thách thức lớn hơn cả việc định nghĩa nó. Hiện nay, có nhiều lý thuyết đã được đề xuất và phát triển dựa trên cách tiếp cận khoa học liên ngành trong việc tìm kiếm bản chất của những niềm tin ảo tưởng.
Một số nghiên cứu so sánh hoạt động của các vùng khác nhau ở não những người tham gia nghiên cứu bị ảo tưởng và không bị ảo tưởng đã chỉ ra sự khác biệt trong hoạt động của não giữa các thành viên của hai nhóm. Những khác biệt này cho thấy rằng những người mắc chứng ảo tưởng về mặt thần kinh có xu hướng phản ứng như thể luôn phải đối mặt với các nguy cơ đe dọa. Trong khi, những người không bị ảo tưởng chỉ thể hiện những hình thái như vậy trong một số điều kiện nhất định do bộ não giải thích về tình trạng bị đe dọa chính xác hơn [16] .
Nghĩa là, chúng ta luôn phải có sẵn những cơ chế cho sự nghi ngờ, ghen tuông, suy luận hay tưởng tượng; và vì thế, sẽ có nguy cơ nó xảy ra lỗi.
Ở điểm này, các lý thuyết dựa trên sự rối loạn chức năng trong quá trình nhận thức cho rằng ảo tưởng có thể nảy sinh từ những suy luận bị bóp méo mà con người đưa ra để giải thích cuộc sống cho chính mình. Các nghiên cứu cho thấy những người bị ảnh hưởng có xu hướng suy luận dựa trên ít thông tin hơn hầu hết những người bình thường sử dụng. Thiên kiến xác nhận (jumping to conclusion bias) này có thể dẫn đến những diễn giải ảo tưởng về các sự kiện thông thường [17] .
Một lý thuyết được đề xuất dựa trên những diễn giải sai lệch này gọi là ảo tưởng phòng thủ hoặc ảo tưởng có động cơ (motivated or defensive delusion). Những tác giả ủng hộ giả thuyết này cho rằng một số người có khuynh hướng có thể bị rối loạn ảo tưởng khởi phát trong những thời điểm phải liên tục đối mặt với cuộc sống và duy trì lòng tự trọng cao. Trong trường hợp này, họ đổ lỗi cho người khác và các yếu tố ngoại cảnh là nguyên nhân gây ra khó khăn để duy trì những quan điểm tích cực về bản thân [18] .
Bên cạnh đó, với những bằng chứng hoạt động của não bộ và bằng chứng di truyền gia đình, rất có khả năng tồn tại một khía cạnh sinh học đối với chứng rối loạn ảo tưởng, khi những người có liên quan về mặt di truyền với người mắc chứng rối loạn ảo tưởng sẽ có nguy cơ mắc các triệu chứng này cao hơn bình thường [19] .
Nhìn chung, sự gia tăng các nghiên cứu về chứng ảo tưởng, với các phương pháp tiếp cận dựa trên khoa học thần kinh và nhận thức cho chúng ta nhiều thông tin hữu ích để hiểu rõ hơn về vấn đề này. Tuy nhiên, có một nghịch lý là càng nhiều giả thuyết được đưa ra càng chứng minh mức độ thiếu hiểu biết của chúng ta về bản chất, cấu trúc và nguồn gốc cuối cùng của ảo tưởng.
Suy cho cùng, ảo tưởng, dù có là những niềm tin mù quáng không được kiểm soát, vẫn thuộc phạm trù cá nhân. Đối với một số người, việc hình thành ảo tưởng không phải là một loại bệnh, mà là sự thích ứng với những tác động bất kì có thể gây ra những tổn thương tinh thần cho họ [20] .
Nhưng sống trong một thế giới được xây dựng bởi một niềm tin trái với số đông còn lại, quả thực sẽ rất khó khăn. Có nhiều nguy cơ những người ảo tưởng sẽ đưa ra những quyết định ảnh hưởng đến quyền lợi của số đông – và vì thế, số đông sẽ có xu hướng cô lập và loại bỏ các cá nhân ảo tưởng để bảo vệ cho sự ổn định chung.
Thế giới của những người ảo tưởng, nghịch lý thay, lại quá nhỏ bé. Họ tự thu mình vào những diễn biến của riêng mình, và bỏ lỡ phần còn lại đang được số đông cùng chia sẻ.