Khi ta nghĩ về những điều hình thành nên bản thân, ta thường nhìn về quá khứ. Ta nhìn vào các sự kiện của tuổi trẻ, sự ảnh hưởng của bạn bè, và cách gia đình đối xử với mình. Nhưng, nếu quá khứ ảnh hưởng cách chúng ta nhìn nhận bản thân, thì lựa chọn của chúng ta khi đối diện với tương lai lại ảnh hưởng cách chúng ta hình thành bản thân mình.
“… Ý tưởng về cái chết, và sự sợ hãi cái chết, thường ám ảnh con người hơn bất cứ thứ gì khác. Nó là nguồn cơn cho nhiều hoạt động của con người, được thiết kế để tránh né sự chết chóc, và chối bỏ kết cục cuối cùng không thể tránh khỏi.” – Ernest Becker, Sự chối bỏ cái chết [1]
Trong hầu hết trường hợp, xã hội chúng ta đều cung cấp nhiều cơ chế để giúp tránh né cái chết. Nhưng không phải xã hội nào cũng đưa ra giải pháp cho nỗi khủng hoảng hiện sinh. Nhiều khi, con người còn thấy cuộc sống sẽ kết thúc trong hối tiếc (chủ nghĩa hư vô) hơn là có một ý nghĩa gì đó.
Với bài viết này, chúng ta sẽ bàn tại sao con người tự đẩy mình vào tình huống khốn khổ như vậy khi là loài động vật thông minh nhất hành tinh, và cách để giải quyết nỗi khủng hoảng hiện sinh dựa trên cuộc đời và lối sống của, không ai khác, ngoài đại tài Leonardo Da Vinci.
- Những thần thoại về sống đúng nghĩa của con người
Trải theo chiều dài lịch sử, thần thoại là công cụ mà con người đã thường sử dụng để tránh khỏi nỗi sợ cái chết. Một số đi kèm với lời hứa về một tương lai tốt hơn – nếu chúng ta có thể sống theo một bộ nguyên tắc bởi đấng bề trên, thì cuối cùng sẽ đến một bước ngoặt mà sự đau khổ sẽ là quá khứ, và một cuộc sống viên mãn sẽ là thành quả đón chờ.
Thần thoại nổi tiếng nhất của dạng này có lẽ là Kitô giáo. Tôn giáo này dạy chúng ta rằng những đau khổ trần thế và thậm chí là cái chết của chúng ta không phải là những sự kiện vô nghĩa trong một vũ trụ vô nghĩa, mà là những bước cần thiết để đến được thiên đàng.
Tuy nhiên, sự trỗi dậy của khoa học đã đem đến hoài nghi, và lung lay niềm tin vào một thế giới bên kia sau cái chết. Nhưng thay cho niềm tin vào Chúa trời đã trở nên kém khả thi, một thần thoại mới xuất hiện và cũng hứa hẹn một tương lai tốt đẹp, nhưng theo cách khác. Phiên bản thế tục mới này được xây dựng xung quanh ý tưởng rằng sự đau khổ không quá gắn liền với bản chất phàm trần, mà thay vào đó dựa vào những gì chúng ta còn thiếu. Nếu chúng ta có thể có được một công việc lương cao, mua một ngôi nhà lớn hơn, gặp một người bạn đời hoàn hảo, và được tất thảy mọi người mến mộ, thì chúng ta đã đến với bước ngoặt trong cuộc đời mình. Sự đau khổ của chúng ta sẽ biến mất, thế chỗ nó là một cuộc sống không muộn phiền khi đã có tiền bạc và địa vị xã hội.
Trớ trêu thay, thần thoại phàm tục này cũng không ít ảo tưởng hơn là bao. Vì chỉ cần một vài lần tự vấn, tất cả chúng ta đều biết rằng sự khốn khổ không thể được chữa khỏi chỉ bằng sự giàu có hoặc địa vị xã hội. Và, để làm cho vấn đề tồi tệ hơn, thần thoại này còn không chuẩn bị tinh thần cho một ngày mai chúng ta đều sẽ vô hòm và nằm dưới sáu thước đất.
Chúng ta có thể là một trong số ít người nâng mức thang thành công trong xã hội lên tầm cao mới, nhưng cũng phải đánh đổi bằng nhiều năm làm việc vất vả và bỏ lỡ nhiều thú vui khác. Nên có thể sẽ khó mà không cảm thấy rằng ta đã lãng phí cuộc sống của mình cho những mưu cầu vô ích. Mặt khác, nếu chúng ta thất bại trong việc đạt được sự giàu có và địa vị mà xã hội cho là cần thiết để tận hưởng cuộc sống, thì cả cuộc đời ta sẽ chìm trong sự thất vọng và oán giận. Dù là viễn cảnh nào, sự tồn tại của con người có vẻ vẫn có rất ít ý nghĩa trước cái chết không thể tránh khỏi.
Tóm tắt phần 1: Cõi thiên đường trong tôn giáo và sự thành công vật chất đều là thần thoại về mục đích của cuộc sống.
- Leonardo Da Vinci và cách sống một cuộc đời ý nghĩa
May mắn thay, những cách trên không phải là lựa chọn duy nhất để ta chống lại nỗi khủng hoảng hiện sinh. Một hướng tiếp cận khác để sống một cuộc đời trọn vẹn là, như Leonardo Da Vinci đã nói:
“Giống như một ngày tràn ngập việc tốt đem lại một giấc ngủ ngon, một cuộc đời tràn ngập những việc ý nghĩa đem lại một cái chết thanh thản.” – Leonardo Da Vinci [2]
Nhưng một cuộc sống với nhiều công việc ý nghĩa (hay rút gọn là một cuộc sống có nghĩa) là gì? Hãy lấy cuộc đời của Da Vinci để làm manh mối. Một cuộc sống có nghĩa, theo ông, không phải là một cuộc sống mà chúng ta dành nhiều ngày phấn đấu sau sự giàu có hay danh tiếng, cũng không phải là nơi mà tất cả thời gian rảnh rỗi của chúng ta được dành để nhảy từ niềm vui vô thức này sang sự vui thú tiếp theo. Một cuộc sống có nghĩa là khi ta chọn làm những việc đúng với bản chất của mình và dành thời gian để đạt thêm thành tựu với chúng.
Nhìn vào cuộc đời của Da Vinci, ta có thể thấy đó là cách ông đã sống. Từ việc vẽ lên những kiệt tác cho đên nỗ lực để phát minh ra chiếc máy bay đầu tiên, hoặc những dự án giải phẫu người đáng kinh ngạc, cuộc sống của Da Vinci đã có rất nhiều công việc thực sự ý nghĩa.
Hầu hết chúng ta không may mắn có được những nhà tài trợ giàu có cho những dự án sáng tạo của mình, nhưng miễn là có thời gian rảnh, chúng ta có thể bắt chước cuộc sống của Da Vinci ở một mức độ nào đó. Một lượng nhỏ thời gian mỗi ngày dành cho việc theo đuổi một số dự án hoặc thành thạo một kỹ năng nào đó, theo thời gian sẽ tích lũy thành kết quả ấn tượng và mở ra những khả năng không thể ngờ tới.
Khi kỹ năng ngày càng được mài dũa, càng có nhiều khả năng để để tích hợp niềm đam mê với sự nghiệp. Ngay cả khi không kiếm được tiền từ những dự án đam mê này và không một ai thừa nhận sự nỗ lực của bạn, chúng ta vẫn được nhiều lợi ích từ cách sống chủ động này.
Thứ nhất, sống một cuộc sống có nghĩa là cách tốt nhất để chống lại một trong những nguyên nhân gốc rễ của sự đau khổ của con người, cụ thể là sự trì trệ. Sự trì trệ có tác động tiêu cực với tâm trí, khiến ta đặt câu hỏi về lí do mình tồn tại và báo trước một tương lai không mấy dễ chịu. Để chống lại cảm giác này, chúng ta cần thay đổi – một sự phân định rõ ràng giữa sống và chết với một lối sống ý nghĩa làm bàn đạp. Chúng ta càng gắn bó với lối sống này, chúng ta sẽ càng biết nhiều hơn về khả năng của mình và ít bị ám ảnh bởi bóng ma của một cuộc đời bị bỏ phí.
Thứ hai, một cuộc sống có nghĩa có lợi ngay cả khi nó không mang lại nhiều phần thưởng vật chất là do lối sống này cho phép ta tiếp cận với trạng thái ý thức tối ưu (flow), và giúp ta sống nhiều hơn trong thì hiện tại. Trạng thái flow sẽ không xuất hiện theo ý muốn, nhưng tự nhiên đến khi ta tham gia vào các hoạt động mà phải vận dụng các kỹ năng của mình ở mức độ tối đa. Khi đạt được trạng thái flow, chúng ta có thể thay đổi nhận thức về thời gian, quên đi sự lo lắng về bản thân, và đơn thuần hết mình đắm chìm vào bất cứ điều gì chúng ta đang làm. Bản thân điều này đã là một phần thưởng. Không giống như những thú vui đơn thuần như lướt Facebook có biểu đồ mức thỏa mãn giảm dần, càng nhiều flow càng khiến cuộc sống tốt hơn.
Hiện tại, một cuộc sống được lấp đầy bởi những công việc ý nghĩa vẫn là cách tốt nhất để đạt được một lối sống lý tưởng – đảm bảo tài chính thông qua các hoạt động mà ta thấy đáng giá nhất với bản thân. Nhiều người mơ ước một cuộc sống như vậy, nhưng ít người đạt được nó vì đơn giản là họ không bao giờ thật sự giỏi ở việc mình làm. Tuy nhiên, dành thời gian để thực hiện các dự án phù hợp với bản chất của mình sẽ buộc chúng ta phải trau dồi các tính cách tốt như kỷ luật, kiên trì, quyết tâm, và đồng thời tăng cường năng lực tập trung kéo dài.
Với những công cụ được mài dũa thường xuyên này, ta sẽ giúp bản thân đạt được sự xuất sắc cần có để biến lối sống mơ ước thành hiện thực.
Tuy nhiên, nếu thành công vật chất có đến, chúng ta nên cẩn thận để không lạc lối khỏi một cuộc đời ý nghĩa. Vì, đặc biệt nếu thành công đến quá nhanh, nó có thể là một lời nguyền hơn là một phước lành. Những vui thú mà tiền bạc và danh tiếng mang lại có thể cám dỗ chúng ta vào một lối sống còn tồi tệ hơn cả. Nhà viết kịch Tennessee Williams đã phát hiện ra điều này sau khi ông ấy trở nên nổi tiếng:
“Cuộc sống mà tôi có trước thành công và nổi tiếng đòi hỏi sự chịu đựng, với nhiều đấu tranh vất vả, nhưng đó là một cuộc sống tốt vì nó phù hợp với cách con người được tạo ra. Tôi đã không nhận thức được bao nhiêu năng lượng của mình được dành cho cách sống đó cho đến khi không còn gì để đấu tranh nữa. Đó là lằn ranh của sự tự nhận thức. Tôi chợt ngồi xuống, nhìn vào bản thân mình, và thấy thật chán nản.” – Tennessee Williams [3]
Cuộc sống không cần đấu tranh mà rất nhiều mong muốn, như Williams gợi ý, không phải là điều mà con người phù hợp. Chúng ta là một sinh vật không dễ ngừng nghỉ và bản chất đó không thể bị thuần hóa bởi thành công về vật chất, mà chỉ thông qua nỗ lực liên tục hướng đến một kết thúc mà ta cho là xứng đáng. Và vì lý do này, chỉ có một cuộc sống ý nghĩa mới đem lại một cái chết thanh thản:
“Chúng ta đo lường cuộc sống theo nhiều tiêu chuẩn: sức mạnh, trí thông minh, sự giàu có, và thậm chí cả sự may mắn, để khiến bản thân cảm thấy mình là một đối thủ xứng tầm với cuộc sống này. Nhưng sâu xa hơn vậy, và để có thể sống thoải mái mà không có tất cả những điều trên, chúng ta cần cảm nhận được sự nỗ lực mà mình đã bỏ ra… Người không thể tạo ra thứ gì ý nghĩa sẽ chỉ là một cái bóng; và người có thể sẽ là một anh hùng.” – William James, Những nguyên tắc của tâm lý học [4]
Artwork: Leonardo Da Vinci portrait by Cristofano dell’Altissimo | Source: Flaunt Magazine
Reference:
Video – Escape Boredom – Leonardo da Vinci and a Guide to the Good Life: https://academyofideas.com/2020/07/escape-boredom-leonardo-da-vinci-good-life/
[1] Becker, Ernest (1973). The Denial of Death
[2] Leonardo Da Vinci, The Notebooks of Leonardo da Vinci (1883) I Prolegomena and General Introduction to the Book on Painting
[3] Tennessee Williams, The Catastrophe of Success (1945) page 15
[4] William James, The Principles of Psychology (1890)
https://www.facebook.com/groups/894616077689468/permalink/905299079954501/