- Nghịch lý khiến các cá nhân đi ngược lại ý muốn của bản thân khi cần đưa ra các quyết định nhóm.
- Con người có khuynh hướng ngả theo xu hướng mà họ nghĩ rằng số đông sẽ đi theo.
- Xu hướng của sự phân cực nhóm: càng gần nhiều mực thì càng đen.
Một bài viết bao gồm những mảnh vụn hi vọng có thể tạo ra chút gợn sóng suy tư bên trong bạn.
1. Abilene Paradox.
“Trong một buổi chiều nắng như thiêu như đốt ở Coleman, Texas, một gia đình đang cùng thong thả chơi cờ domino với nhau, cho đến khi người bố đề nghị đi đến Abilene (cách đó 85km) để ăn tối. Người con gái đáp lại “Nghe có vẻ là ý tưởng hay”. Chồng của cô, mặc dù đã ngại về chuyến đi nắng nôi mệt mỏi, nhưng nghĩ rằng có lẽ mình đã lỗi thời với những người còn lại, nên cũng đáp khéo rằng “Con cũng thấy hay đấy, để xem mẹ có muốn đi không”. Người mẹ đáp “Tất nhiên là đi. Đã lâu rồi mẹ không đến Abilene”.
Thế là cả gia đình khăn gói đi Abilene. Chuyến đi diễn ra vô cùng mệt mỏi, oi bức, bụi bặm và lâu ơi là lâu. Khi họ đến quán ăn, buổi tối cũng tệ như chuyến đi vậy. Họ kiệt sức trở về nhà sau 4 tiếng rong ruổi trên đường.
Một người hỏi khách sáo: “Chuyến đi thật tuyệt, đúng không?”. Người mẹ đáp lại rằng lẽ ra bà nên ở nhà, thay vì chấp nhận đi cùng chỉ vì thấy những người còn lại quá nhiệt tình. Chàng con rể cũng đáp lại rằng anh cũng không hề vui vẻ gì về việc mình đồng ý, anh làm vậy chỉ vì muốn hài lòng những người còn lại. Vợ anh cũng bảo rằng chỉ đi cùng vì muốn mọi người vui, chứ chẳng ai thích đi xa giữa trời nắng thế này cả. Người đã đề xuất chuyến đi, ông bố, phân trần rằng ông đưa ra đề nghị này vì nghĩ mọi người đang chán.
Họ cùng ngồi lại, bối rối vì tất cả cùng đồng ý tham gia một chuyến đi mà chẳng ai trong số họ thích thú…”.
Trên đây là câu chuyện xuất hiện trong cuốn sách “The Abilene Paradox: The Management of Agreement” (tạm dịch: Nghịch lý Abilene: Quản trị thỏa thuận) của chuyên gia quản trị Jerry B. Harvey [1].
Giống với những gì xảy ra trong câu chuyện giả tưởng kể trên, nghịch lý Abilene nói về việc các thành viên trong nhóm đều đồng tình với một quyết định mà phần đông hoặc tất cả trong số họ không thích. Có lẽ chúng ta đều không quá lạ lẫm với những trường hợp kiểu thế này.
Hiện tượng trên được giải thích rằng vì chúng ta có xu hướng ác cảm với những cá nhân đưa ra quyết định trái ngược với nhóm, cùng lúc sợ đón nhận ánh nhìn tiêu cực từ những thành viên còn lại, do đó luôn cố gắng đưa ra những quyết định được đồng thuận bởi cả nhóm. Tuy nhiên, đôi lúc việc truyền đạt thông tin không tốt khiến cả nhóm cùng hướng về một “sự đồng thuận tưởng tượng” từ đó tất cả miễn cưỡng đồng ý với quyết định trái ngược mong muốn của họ [2].
Việc truyền đạt thông tin không tốt có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như sự cả nể vì vai vế, tuổi tác hay quan hệ xã hội; hoặc do mọi người dùng quá nhiều câu xã giao, khách sáo và câu nệ, khiến phần lớn thông tin truyền đạt qua lại bị nhuốm màu tích cực giả tạo hoặc nửa vời khó đoán.
2. Elephant in the room, cuộc thi sắc đẹp Keynesian và cách chúng ta cùng nghĩ về những thứ vô hình.
“Chú voi trong phòng” là cụm từ tiếng Anh chỉ việc mọi người trong cùng một nhóm né tránh vấn đề nhạy cảm, tranh cãi, cấm kỵ nào đó dù ai cũng nhận ra nó. Hiện tượng này thường xuất phát từ việc mọi người sợ rằng nhắc đến “chú voi” có thể khiến ai đó trong nhóm khó chịu, hoặc cả nhóm cảm rơi vào tranh cãi, xấu hổ, bất đồng…
Trong khi đó, “cuộc thi sắc đẹp Keynesian” là khái niệm được phát triển bởi nhà kinh tế học John Maynard Keynes, dựa trên một thí nghiệm tưởng tượng của ông.
Thí nghiệm này được mô tả là một cuộc thi ở đó rất nhiều người tham gia sẽ chọn những bức ảnh họ nghĩ là đẹp nhất. Nếu họ chọn đúng bức ảnh đa số người tham gia đều nghĩ là đẹp nhất, họ sẽ chiến thắng và cùng nhau chia phần thưởng. Keynes cho rằng những người tham gia sẽ có xu hướng lựa chọn “những người mọi người thấy đẹp” thay vì “những người họ thấy đẹp”. Lúc này người tham gia sẽ có xu hướng đưa ra những lựa chọn khác với suy nghĩ của riêng họ, và chủ yếu dự đoán xu hướng của đám đông còn lại.
Từ thí nghiệm này, Keynes cho rằng cách người chơi mua chứng khoán cũng y như tham gia cuộc thi sắc đẹp kể trên: mọi người có xu hướng mua những mã chứng khoán họ nghĩ rằng người khác cũng mua nhiều, thay vì những mã họ thích.
Thí nghiệm tưởng tượng trên đã được tái hiện lại bằng một vài cách thức khác nhưng nội dung tương tự. Kênh Planet Money đã làm một khảo sát hai nhóm người, một nhóm được yêu cầu “chọn ra video động vật bạn thích nhất” trong khi nhóm thứ hai được yêu cầu “chọn ra video động vật bạn nghĩ mọi người thích nhất”. Kết quả cho thấy 50% người của nhóm 1 chọn video mèo con trong khi có đến 75% người ở nhóm 2 chọn video mèo con [3].
Mọi người có vẻ tương đối nhạy cảm trong việc dự đoán xu thế chung cũng như né tránh vấn đề chung, và từ đó, chính điều này đã khiến đám đông cùng nhau thay đổi sự thật một cách vừa vô tình vừa cố ý.
Đôi khi chúng ta quên mất hiện thực không xảy ra bên trong tưởng tượng của mình, chúng xảy ra sau khi chúng ta hành động – và thường hành động này bị thiên kiến bởi những gì ta tưởng tượng.
3. “Tất cả mọi người đều đồng ý 10, vậy hãy thực hiện 20”.
Group polarization (tạm dịch: phân cực nhóm), nói về xu hướng cực đoan của nhóm thường hơn hẳn xu hướng của từng thành viên bên trong đó. Nếu tất cả mọi người cùng lựa chọn phương án mạo hiểm, nhóm sẽ mạo hiểm hơn xu hướng ban đầu của từng thành viên; và nếu họ đều nhất trí sự thận trọng, họ sẽ thận trọng hơn xu hướng ban đầu họ hình dung.
Chẳng hạn, những người ủng hộ nữ quyền khi họp lại thành nhóm, họ sẽ đưa ra những tư tưởng và xu hướng cực đoan hơn xu hướng của chính họ từ ban đầu [4]. Hay nghiên cứu cho thấy các vị bồi thẩm đoàn sau khi thảo luận với nhau thường đưa ra mức phạt nặng hơn (nếu họ nhất trí phạt nặng) và nhẹ hơn (nếu họ nhất trí phạt nhẹ) quyết định ban đầu của từng người [5].
Sự phân cực nhóm trở nên rõ ràng và dễ thấy hơn trên mạng xã hội. Giả sử, những đám đông cùng ghét Monster Box cùng thảo luận với nhau, rốt cục họ sẽ đưa ra những quan điểm và tuyên bố thù ghét hơn hẳn so với cảm giác ban đầu của họ. Và ngược lại, những cuộc thảo luận theo hướng khen ngợi cũng được đẩy cao hơn mức thực sự mỗi cá nhân cảm thấy.
Nhiều thí nghiệm thực nghiệm đã cho thấy xu hướng cực đoan nhóm tồn tại trong chính trị, xã hội, lập pháp, bạo lực, chiến tranh, niềm tin… Chẳng hạn nghiên cứu cho thấy các sinh viên trong cùng một trường đại học thường có bản sắc đa dạng hơn trong thời gian đầu, nhưng dần trở nên giống nhau hơn [6].
Xu hướng phân cực nhóm được giải thích bằng việc mỗi cá nhân bản thân họ thường chỉ thích thu thập những bằng chứng phù hợp hoặc bổ sung cho quan điểm, niềm tin của họ từ đầu – do đó, cuộc thảo luận của những người giống nhau rốt cuộc sẽ dẫn đến sự cực đoan trong quan điểm, niềm tin.
Chúng ta thường không biết mình đã bỏ lỡ những gì mình có thể bỏ lỡ. Do vậy, trong một môi trường có những người cùng đồng ý với mình, ta dễ dàng cảm thấy được bảo vệ và thúc đẩy bởi những điểm tựa vững chắc về cảm xúc và lý lẽ. Quan điểm được đồng ý do đó sẽ nhanh chóng lớn hơn cả sự thật khách quan tồn tại bên ngoài (nếu thực sự tồn tại một thứ như vậy).
Sự phát triển của internet đánh dấu kỷ nguyên mới của phân cực nhóm, khi ngày càng xuất hiện nhiều nhóm từ nhỏ đến rất nhỏ thu hút được tín đồ của mình và cùng “giúp” nhau trở nên cực đoan hơn. Mọi người vừa gắn kết với nhau, vừa tách biệt khỏi nhau cùng một lúc và tạo ra những luồng quan điểm lệch khỏi mức trung bình, trở thành xu hướng hoặc quá mức, hoặc quá hời hợt.
Tuy vậy, mọi thứ sẽ không vận hành theo hướng đơn giản và tịnh tiến tiêu cực như trên. Còn khá nhiều yếu tố chúng ta không thể nắm rõ, hay nhận thức đầy đủ được, như mối tương quan giữa các nhóm khác nhau và sự hài hòa khi quá nhiều nhóm cực đoan va chạm lẫn nhau. Rất có thể mọi thứ lại trở về mức cân bằng như nó vốn như vậy.
Có thể.
Ngoài những sự tương tác vô hình và ẩn sâu dưới nhiều lớp vấn đề ta không nắm rõ, ta cũng không thực sự biết về sự chi phối của xã hội nói chung hay các nhóm nhỏ nói riêng lên chính chúng ta.
Bên cạnh đó, ta còn tưởng rằng lời nói và suy nghĩ của mình tồn tại độc lập, nguyên bản và hoàn toàn thuộc về ý chí của bản thân.