Phần 1: Quá khứ ảnh hưởng đến cách ta phản hồi lại stress trong cuộc sống.
Vì sao những điều chúng ta trải qua trong quá khứ ở những năm tháng còn nhỏ và tuổi dậy thì lại có ảnh hưởng trọn đời, có khả năng ám ảnh kéo dài đến tận khi chúng ta già đi?
Những ám ảnh tâm lý thuở ấu thơ có ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ tâm thần và hành vi của chúng ta trong cuộc sống, là một điều mà tâm lý học đã công nhận từ rất lâu. Sang chấn tâm lý thời thơ ấu (ACEs) được liệt kê ra nhiều nhân tố khác nhau, người nào càng trải qua nhiều vấn đề thì tỉ lệ ảnh hưởng đến cuộc sống sau này càng cao. Ví dụ như:
– Bị bạo hành cảm xúc hoặc thân thể
– Bị bỏ mặc cảm xúc (bố mẹ không quan tâm tới cảm xúc) và bỏ mặc vật lý (không được ăn uống đầy đủ, chăm sóc cơ thể)
– Có bố hoặc mẹ luôn bị stress hoặc mắc các bệnh tâm lý/ tâm thần
– Lớn lên trong bạo lực gia đình
– Có bố mẹ hoặc người thân đi tù hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật
– Bố/mẹ hoặc người thân nghiện ma tuý hoặc nghiện rượu bia
– Bố mẹ ly hôn
– Bố mẹ hoặc người thân qua đời
Tuy nhiên, khi nói về việc nó ảnh hưởng như thế nào, chúng ta cần nhìn vào cách nó thay đổi cấu trúc não trong quá trình trưởng thành của một người. Trong quá trình chúng ta học về thế giới và xã hội xung quanh, chúng ta sẽ phát triển cả về bên trong cơ thể lẫn bên ngoài.
Khi một đứa trẻ lớn lên trong một môi trường có quá nhiều nỗi đau phải chịu đựng và liên tục đối mặt với stress, hệ thống miễn dịch và chức năng phản hồi lại stress của cơ thể cũng sẽ bị ảnh hưởng và không phát triển bình thường được.
Trong độ tuổi một đứa trẻ phát triển và lớn lên, khi chúng khóc hoặc giãy dụa, khi mong muốn có được sự chú ý từ bố mẹ, hoặc người chăm sóc được phản hồi lại một cách tích cực. Ví dụ như: được ôm, được an ủi dỗ dành, được nói chuyện và quan tâm,.. thì đứa trẻ ấy sẽ tiếp tục phát triển an toàn và khoẻ mạnh, và khả năng phát triển theo cách tích cực là cao hơn.
Tuy nhiên, một khi sự kết nối của đứa trẻ và người chăm sóc không có phản hồi tich cực, nếu không nhận được sự có mặt hay sự quan tâm cần thiết, thì những nơ rôn thần kinh trong não sẽ không được kết nối theo cách mạnh mẽ và đúng hướng mà não của con người cần có. Việc này dẫn đến sự ảnh hưởng lâu dài trong TÂM LÝ và CẢM XÚC của một đứa trẻ khi trưởng thành.
Phản ứng này được gọi là “Fight-or-flight response” – chống trả hay bỏ chạy (phản ứng căng thẳng cấp tính) là một phản ứng sinh lý xuất hiện khi có mặt một thứ gì đó gây khiếp sợ cho chủ thể, cả về cơ thể và tinh thần. Con người chúng ta cũng có những tiến hoá giống động vật, đó là cơ chế phòng vệ và phản hồi lại nguy hiểm. Một khi động vật nhận thấy nguy hiểm, cơ quan trong cơ thể chúng sẽ được kích hoạt và được đặt vào trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, hay sẽ bỏ chạy.
Phản ứng này bị khơi mào bởi sự phóng thích các hormone giúp cơ thể chuẩn bị sẵn sàng chạy, hoặc là chuẩn bị chiến đấu, hoặc là tránh né để bảo vệ an toàn cho bản thân.
Việc hệ thống phản hồi lại stress ở não bị ảnh hưởng có thể giải thích như sau: khi đứa trẻ luôn không đạt được cảm xúc chúng cần từ bố mẹ, khi lớn lên cơ thể chúng có thể tự động kích hoạt các cơ quan thần kinh trong não đến chiến đấu với stress NGAY CẢ KHI ĐÓ KHÔNG PHẢI LÀ TÌNH HUỐNG NGUY HIỂM.
Ví dụ như khi đứa trẻ tổn thương đó gặp phải tình huống tranh cãi trong tương lai với người yêu hoặc đồng nghiệp, đó vốn dĩ là một tình huống có thể giải quyết bằng cách hoà giải với nhau; tuy nhiên vì từ nhỏ đã luôn phải đối diện với sự sợ hãi phải mất đi một cái gì đó, hoặc sợ hãi cảm xúc của mình sẽ bị tổn thương; hệ thống chiến đấu lại stress của người đó sẽ tự động kích hoạt để bảo vệ bản thân của họ khỏi cảm xúc bị tổn thương một lần nữa.
Những lúc này cơ thể người đó dễ dàng xuất hiện các vấn đề như hơi thở dồn dập, tim đập mạnh hoặc thậm chí hoàn toàn đóng băng suy nghĩ và cảm xúc trong tình huống mà người đó đánh giá là “nguy hiểm” cho cảm xúc của bản thân.
Những người này sẽ gặp khó khăn trong việc phát hiện ra tính cách và mong muốn của bản thân, khó khăn trong việc bày tỏ và điều tiết cảm xúc, khó thể hiện cảm xúc qua lời nói. Việc stress liên tục xảy ra thậm chí vì những chuyện đơn giản có thể khiến họ mắc trầm cảm, rối loạn lo âu sợ hãi hoặc trở thành một người dễ dàng nổi nóng, tức giận. Họ sẽ đối mặt với các vấn đề trong cuộc sống hiện tại bằng cách liên hệ lại với những sự việc đau lòng đã xảy ra trong quá khứ, sau đó họ dễ dàng trở nên cáu bẳn, buồn bã hoặc tránh né với một số người hoặc sự việc quan trọng trong cuộc sống.
Những hành vi và cảm xúc này trong những tình huống không gây nguy hiểm có thể khiến một người bị người khác đánh giá là “thể hiện cảm xúc quá đáng”, “làm quá vấn đề” hoặc “chuyện bé xé ra to”.
Thêm một ví dụ nữa về việc cảm xúc thời thơ ấu ảnh hưởng đến hệ thống phản hồi stress của chúng ta, đó là khi trong tình yêu. Khi một người trải qua thời thơ ấu thiếu vắng tình cảm của bố hoặc mẹ, hoặc bị bỏ rơi hoặc gia đình quá bận rộn không có thời gian chia sẻ cảm xúc với họ. Khi họ yêu một người, chỉ cần người yêu của họ vô tình bận rộn hay có các hành vi khiến họ đánh giá là “vô tâm”, họ sẽ tự liên hệ những cảm giác lo sợ và thiếu an toàn này với những nỗi đau trong quá khứ. Hệ thống stress này sẽ kích hoạt cho tình huống hiện tại, họ trở nên sợ hãi bị bỏ rơi, cơ thể rơi vào chức năng phòng vệ, có các hành vi và lời nói dễ gây ra sự tổn thương cho người họ yêu. Vì lúc chức năng này được bật lên, những cảm xúc và hiệu ứng cơ thể như tim đập mạnh, các cơ quan thần kinh căng cứng che đi lí trí, khiến họ không suy nghĩ nữa mà chỉ hành động một cách vô thức để bảo vệ bản thân. Đứa trẻ tổn thương ấy khi lớn lên sẽ nhìn nhận thế giới này là một nơi nguy hiểm, thậm chí người thân yêu nhất cũng không thể tin tưởng được và sẽ không bao giờ bảo vệ họ.
Nguyễn Lê Hoài Thương, Psychology facts- tâm lý học Việt Nam
Follow us on Instagram: @psychofacts_tamlyhocvietnam
Nếu ai theo dõi page sẽ thấy mình có xu hướng post bài về những vấn đề liên quan đến phân tâm học cũng như những ám ảnh của sang chấn thời thơ ấu lên người trưởng thành. Mình sẽ viết thêm về cách cơ thể phản hồi với stress fight-to-flight response cũng như cách mà ACEs ảnh hưởng lên não, lên tính cách, lên các hành vi, lên các mối quan hệ, lên cách chúng ta nhìn nhận cuộc sống, như thế nào ở các bài sau.
HẬU QUẢ CỦA ÁM ẢNH QUÁ KHỨ TRONG TÌNH YÊU
Phần 2: Quá khứ ảnh hưởng đến cách ta phản hồi lại stress trong cuộc sống.
Những nỗi đau thời thơ ấu nghiêm trọng và xảy ra với mức độ thường xuyên khiến cơ thể phản ứng quá mức với nỗi đau, hoặc sẽ không cảm nhận được nỗi đau thêm nữa. Đứa trẻ ấy lớn lên sẽ nhạy cảm hơn với việc nghe thấy các âm thanh lạ nào đó. Sẽ sợ hãi sự đụng chạm hoặc run rẩy trước một số luồng ánh sáng chớp loé, hoặc thậm chí không cảm nhận được sự động chạm của người khác lên cơ thể mình. Không thấy đau đớn hoặc các cảm giác sinh lý bên trong.
Kết quả của việc này chính là đứa trẻ đó trơ ra trước mọi nỗi đau, hoặc ngược lại, liên tục nghĩ rằng mình bị đau nhưng lại không biết là đau ở đâu.
Ảnh hưởng của tổn thương thời ấu thơ còn dễ dàng gây ra các hậu quả về hành vi bất thường khi ở tuổi dậy thì hoặc thậm chí lúc đã trưởng thành. Như đã nhắc ở trên, việc thường xuyên chống chọi với stress từ lúc não đang phát triển ở tuổi nhỏ ảnh hưởng tới cơ quan phản hồi stress, khiến người này bị lờn đi chức năng điều khiển cảm xúc. Cơ thể họ sẽ tự động điều khiển khi nào sẽ bật và tắt hệ thống chiến đấu với áp lực mà không dùng đến lý trí.
Việc này khiến một người không biết làm cách nào để bình tĩnh hoặc khó khăn trong việc kiềm chế các hành vi bốc đồng, làm những việc ảnh hưởng tới bản thân và người khác mà không dùng tới não để suy nghĩ, đánh giá.
Một đứa trẻ luôn cảm thấy mình không có giá trị và lớn lên trong bạo hành cùng với sự sợ hãi bao trùm cả tuổi thơ, sẽ dễ dàng bốc hoả và trở nên hung hăng với người khác như một cách bảo vệ bản thân khỏi những tình huống tranh cãi. Ví dụ như khi bị chửi mắng, doạ nạt hoặc gặp những ánh nhìn mà họ cho là không thiện cảm, họ sẽ không kiềm chế được bản thân. Điều này được chứng minh trong các nghiên cứu tội phạm học, phần lớn tội phạm có tuổi thơ bị bạo hành khiến họ dễ dàng hành động bốc đồng gây thương tổn hay thậm chí giết chết người khác trong cơn nóng giận. Hoặc sẽ phát triển theo hướng luôn luôn thấy ân hận và mong muốn làm hài lòng người khác.
Ám ảnh quá khứ ở trẻ em còn dự đoán được các hành vi như tham gia vào các hoạt động gây ra cảm giác mạnh một cách tiêu cực như là tự làm đau bản thân. Thích chơi và thực hiện những việc đáng sợ mang lại cảm giác mạnh, quan hệ tình dục không an toàn vì họ không trân trọng bản thân, hoặc có các hành vi nguy hiểm như chạy xe quá tốc độ.
Việc ám ảnh quá khứ lâu dài lên người lớn không đồng nghĩa với việc chúng ta PHẢI có một tuổi thơ thật hoàn hảo. Vì trẻ con nào cũng vậy, sâu bên trong cũng mong muốn được cảm nhận tình yêu, sự công nhận bất kể đứa bé có những hành vi như thế nào. Chỉ cần nhận được cảm giác an toàn khi biết được bố mẹ hoặc người chăm sóc sẽ có mặt khi chúng cần, thì chúng sẽ lớn lên với một định hình tốt về con người và xã hội, dễ dàng kết nối với người khác và ít hơn khả năng mắc phải “trust-issue” khi trưởng thành.
Họ né tránh việc phải đặt sự tin tưởng vào một người khác, như một cách phòng vệ để tránh trái tim phải rỉ máu trước một nỗi đau tương tự như họ từng trải qua.
HẬU QUẢ CỦA ÁM ẢNH QUÁ KHỨ TRONG TÌNH YÊU
Ví dụ như, Daddy issue – một vấn đề tâm lý không hề xa lạ gì với người trẻ phương Tây.
“Daddy Issues”, dịch theo ý mình thì là “vết thương từ bố” . Bạn đọc không nhầm đâu, là những nỗi đau in hằn trong lòng mà người gây ra chính là người mà con gái chúng ta luôn yêu thương nhất – bố. Có những cô gái mà người đàn ông đầu tiên mang đến vết sẹo trong tim họ là người cha mà họ yêu thương nhất.
“Daddy Issues” được biết đến như là hậu quả của một mối quan hệ bố – con gái bị rạn nứt,hoac xa cách, nhiều bất đồng và không có sự thấu hiểu; hoặc là những cô gái lớn lên không có bố bên cạnh, hoặc bố mất đi. Những cô bé luôn cần sự có mặt của bố một cách tự nguyện, nhưng luôn không có được dễ dàng. Có những người bố luôn bận rộn với công việc và luôn đi vắng, không bao giờ có thời gian rảnh rỗi. Tuy nhiều lần thử vẫy vùng và thậm chí là khóc lóc hay giận dỗi với bố vẫn không được chú ý mà lại càng bị nói rằng mình là một đứa con gái không hiểu chuyện và phiền phức.
Với những cô bé này khi trưởng thành, nhắc đến bố mình khiến họ cảm nhận được một tình yêu to lớn không thể diễn tả, nhưng lại trộn lẫn với những cảm xúc đau nhói. Họ không bao giờ dám đọc tên cảm xúc đau khổ ấy là trách móc bố, tuy nhiên, trong tiềm thức họ thực sự mong ước rằng bố có thể đối xử với mình tốt hơn.
Những vết thương này thực ra là những nỗi đau về cảm xúc và tinh thần, khi mà một người con gái trong quá trình lớn lên từng có những cảm xúc vừa yêu vừa ghét, vừa ngưỡng mộ vừa trách móc người bố của mình. Có thể vì người bố đó không hiểu cô, luôn trách móc đánh đập hoặc một người bố luôn bận rộn, không có thời gian quan tâm đến cảm xúc của con gái. Đây là cảm giác khiến bé gái lớn lên luôn tự chán ghét chính mình vì nghĩ rằng:” Ngay cả bố mà còn không quan tâm và yêu thương mình, thì mình làm gì xứng đáng và có giá trị để được ai yêu thương? “
Cách người bố đối xử và nuôi dưỡng con gái sẽ tạo nên tính cách và suy nghĩ của cô gái đó khi trưởng thành. Một người bố tỏ ra ủng hộ, chăm sóc, bảo vệ, đưa ra lời khuyên, đưa ra những lời dạy khiến con gái có thêm sức mạnh, thấy rằng mình được quan tâm, mình có giá trị và mình xứng đáng được hạnh phúc. Tuy nhiên, thiếu đi những điều đó, cô bé đó lớn lên sẽ thấy lạc lõng và luôn thấy khó khăn trong việc yêu lấy chính mình.
Nguyễn Lê Hoài Thương, Psychological facts – Tâm lý học Việt Nam
Follow us on instagram: @psychofacts_tamlyhocvietnam
Phần 3: Cách vượt qua nỗi đau quá khứ.
…