Nỗi sợ lựa chọn tốt hơn (Fear of Better Options ― FOBO) là lí do khiến bạn không thể đưa ra một quyết định dứt khoát
Chuyên mục: The Startup | Jan 4, 2018 | 4 min read | 7,7K Claps
Tác giả: Thomas Oppong
Minh họa: Ümit Bulut / Unsplash
——————————-
Sự tự do trong chọn lựa làm gia tăng cảm giác tự chủ, tự do và thúc đẩy ý thức tự kiểm soát cá nhân của mỗi người.
Nhưng số lượng lựa chọn lớn hơn thật sự có thể gây bất lợi cho việc đưa ra quyết định.
Các nghiên cứu do Iyengar và Lepper chủ trì (1999, 2000) đã phát hiện ra rằng, những người có ít lựa chọn lại là những người hài lòng hơn về quyết định của mình.
Theo như nghiên cứu, “nỗi sợ lựa chọn tốt hơn”, một hiện tượng còn được gọi với cái tên “tối ưu hóa”, là sự đeo đuổi triền miên đối với mọi lựa chọn vì sợ bản thân sẽ bỏ lỡ thứ “tốt nhất”, qua đó dẫn tới cảm giác do dự, thiếu quyết đoán, thất vọng, áp lực, nuối tiếc, và không hạnh phúc.
Khi đứng trước quá nhiều lựa chọn hấp dẫn, chúng ta thấy lo lắng về việc bỏ lỡ.
Nhiều người sợ việc bỏ lỡ bất kì điều gì trông có vẻ thú vị.
Thật quá ngược đời!
Phấn đấu cho một lựa chọn tốt hơn là điều hoàn toàn bình thường.
Nhưng nếu bạn cứ bị ám ảnh về mọi thứ mà bạn đang hoặc sẽ bỏ lỡ khi bạn đưa ra một lựa chọn nào đó, bạn sẽ luôn trong trạng thái do dự.
Trong một số trường hợp, tối ưu hóa có xu hướng giúp mọi người đưa ra quyết định tốt hơn, nhưng họ vẫn không thỏa mãn bằng những người đưa ra một quyết định nhanh chóng và ít dò tính hơn (những người này được gọi là “người hài lòng”).
Bạn sẽ không bao giờ đủ khả năng khảo sát mọi lựa chọn trước khi đưa ra quyết định.
Các nhà duy lí luôn chọn tối ưu hóa sự hài lòng của họ. Họ tiếp cận việc đưa ra quyết định với mục tiêu đạt được kết quả tốt nhất có thể.
Họ tham gia vào một cuộc tìm kiếm quy mô lớn về mọi lựa chọn khả thi, đầu tư một lượng đáng kể thời gian và công sức vào quá trình này.
Nhưng thử đoán xem, với nhận thức hữu hạn của con người, liệu chúng ta có thể khảo sát từng lựa chọn được không? Không đâu.
Các nhà tâm lí học hành vi lập luận rằng giả định về “thông tin vẹn toàn” trong việc đưa ra quyết định là hoàn toàn phi thực tế. (Kahneman & Tversky, 1979, 1984).
Trong cuốn sách The Paradox of Choice: Why More Is Less (tựa Việt: Nghịch lý của sự lựa chọn: Tại sao nhiều hơn lại là ít hơn – Thảo Nguyên dịch, NXB Lao động – Xã hội) của mình, Barry Schwartz đã chỉ ra rằng khi khách hàng phải chọn lựa giữa 20 loại mứt (hoặc 6 chiếc quần jeans), họ sẽ cảm thấy mâu thuẫn và trở nên ít hài lòng hơn với lựa chọn cuối cùng của mình.
Khi phải xét đến quá nhiều yếu tố, bạn rất có thể sẽ chọn tối ưu hóa (thay vì hài lòng). Nhiều người đã tối ưu hóa khi chọn mua một chiếc xe bởi tất cả những yếu tố họ phải xem xét: giá cả, màu sắc, độ tin cậy, độ an toàn, sức chứa (người và hàng hóa), bảo hành, vẻ ngoài, .v.v.
Và họ không muốn bị thiệt trên bất kì phương diện nào. Quá trình này có thể làm bạn mệt lử, và bạn cũng có thể sẽ kết thúc nó với một lựa chọn mà bạn chẳng thể vừa lòng.
Voltaire từng chiêm nghiệm, “Đừng biến hoàn hảo thành kẻ thù của tốt đẹp”. Nói cách khác, thay vì hướng tới sự “hoàn hảo” bất khả rồi lại chẳng đi đến được đâu, thì hãy chấp nhận sự “tốt đẹp”.
Bước vào “thỏa mãn”
“Học cách lựa chọn đã khó, học cách chọn tốt càng khó hơn. Và học cách chọn tốt trong một thế giới với vô vàn khả năng có thể xảy ra lại khó gấp bội, và có lẽ vẫn còn là quá khó.” ― Barry Schwartz.
Thỏa mãn là một chiến lược lựa chọn nhằm đạt được một kết quả khả quan hoặc thỏa đáng hơn là tối ưu.
Người hài lòng sử dụng mức độ khát vọng khi lựa chọn các con đường hành động khác nhau.
Họ sẽ chọn con đường đáp ứng một nhu cầu nhất định hoặc có vẻ đáp ứng hầu hết các nhu cầu của họ thay vì một con đường “tối ưu”.
Hơn nửa thế kỉ trước, Herbert Simon (1955, 1956) đã đưa ra học thuyết này. Ông đề nghị rằng khi phải đưa ra một lựa chọn, hãy chọn thứ khiến bạn thấy “thỏa mãn” thay vì tối ưu.
Một người hài lòng sẽ ít khi cảm thấy nuối tiếc khi có một lựa chọn tốt hơn xuất hiện sau khi họ đã đưa ra quyết định.
Các bước để đưa ra quyết định không nhằm mục đích tối ưu hóa, theo Schwartz:
“Hầu hết những quyết định tốt đều đòi hỏi các bước sau:
- Tìm ra một hoặc nhiều mục tiêu của bạn.
- Đánh giá tầm quan trọng của từng mục tiêu.
- Sắp xếp các lựa chọn.
- Đánh giá mức độ đáp ứng mục tiêu của từng lựa chọn.
- Đưa ra quyết định lựa chọn.
- Sửa đổi mục tiêu của bạn, thứ tự quan trọng của các lựa chọn và cách đánh giá trong tương lai dựa trên kết quả thu được sau lựa chọn đầu tiên.”
Trong nhiều quá trình đi đến quyết định, bạn có thể đưa ra các lựa chọn “tốt nhất”: cứ dựa vào trực giác của bạn, đừng lo lắng về việc phải luôn đạt được kết quả tốt nhất, và đánh giá từng kết quả đạt được bằng công trạng riêng của nó chứ không phải bằng việc tương phản với các kết quả khác.
Hãy đơn giản hóa cuộc sống bằng việc chấp nhận sự “tốt đẹp vừa đủ”. Tôi đã có một bài viết về vấn đề này. “Tốt đẹp vừa đủ là loại hoàn hảo mới” ― Becky Beaupre Gillespie.
——————————-
Fear of Better Options (FOBO) is The Reason You Can’t Make a Tough Decision by @Alltopstartups in @thestartup_ https://link.medium.com/jnOegvSO54
https://www.facebook.com/groups/1988191741413952?view=permalink&id=2618266581739795