“Thời gian khác với không gian – nó vĩnh viễn không thể quay trở lại, không thể nghịch đảo. Hoài niệm vì thế trở thành phản ứng trước sự thật đáng buồn này” [1].
Con đường, ghế đá, hàng cây, cảnh cũ còn đấy người xưa đâu rồi. Màu nắng sớm hôm nay hệt như màu của ngày mồng một Tết năm trước, mùi bánh mì nướng toả ra từ nhà cạnh bên thoáng chốc lãng đãng hình ảnh con phố quê nhà, giai điệu bản tình ca buồn của thập niên 90 bỗng gợi lên một niềm man mác về mối tình đầu đã mất. Nếu không phải toàn bộ thì cũng là hầu hết – những gì dưới bầu trời này cũng đều có thể khiến ta hoài niệm. Thứ cảm giác mất mát, buồn vui đan xen như thế có ở tất cả mọi người, nhưng cũng là duy nhất với mỗi cá nhân.
Hoài niệm là chất liệu quen thuộc vốn đã được sử dụng rất nhiều trong lĩnh vực nghệ thuật bởi các nhà thơ, nhạc sĩ và tiểu thuyết gia. Nhưng điều gì khiến con người sống ở thời điểm hiện tại, trong một xã hội hiện đại vẫn thường tưởng nhớ quá khứ, thậm chí khát khao về một “thời đại hoàng kim đã mất”? Vén lên bức màn lãng mạn của ngôn từ, việc con người hoài niệm trở nên dần sáng tỏ dưới góc nhìn khoa học. Và dư vị ngọt ngào pha lẫn tang thương chỉ còn là điều tất yếu của cơ chế cảm xúc này.
1. Quá khứ luôn tốt hơn so với nó đã từng
Con người đã biết hoài niệm từ những buổi đầu lịch sử, nhưng phải đến cuối thế kỷ XX nó mới được định danh là một trạng thái cảm xúc liên quan đến sự khao khát những gì thuộc về quá khứ. Hoài niệm khiến ta cảm thấy da diết bâng khuâng mỗi khi nhớ về các trải nghiệm quan trọng, những mối quan hệ, địa điểm, vật thể thuộc về tháng ngày đã mất. Một ánh nhìn thoáng qua gương mặt quen thuộc, giai điệu một bài hát đã bị lãng quên từ lâu, hương thơm thoang thoảng của món ăn trong quá khứ – bất kỳ điều gì cũng có thể khơi dậy niềm khát khao sâu sắc về những con người, địa điểm và những thứ từ lâu đã không còn là một phần trong cuộc sống. Từ đó kéo theo một xu hướng tất yếu diễn ra, những sự kiện trong quá khứ được nhắc đến dưới lăng kính màu hồng và được tô điểm lên vẻ ngoài tốt hơn bất cứ điều gì đang xảy ra ở hiện tại, hay nói cách khác, chúng thường được lý tưởng hóa. Kể cả những kí ức tiêu cực cũng trở nên dễ chấp nhận hơn với tâm thái bình thản. Nhưng quá khứ không hẳn chỉ đẹp thuần túy như thế, và xu hướng thiên lệch của hoài niệm có thể được giải thích bằng ba yếu tố sau:
(a) Fading Affect Bias (FAB – Thiên kiến Phai nhạt): Tồn tại một quan niệm sai lầm phổ biến rằng ký ức là những bản sao chính xác của quá khứ, được lưu trữ vẹn nguyên trong một thư mục dữ liệu tinh thần. Trí nhớ không thực sự vận hành như vậy, ký ức là các mảnh vỡ sót lại dưới dòng chảy thời gian, những gì chúng ta làm chỉ là phục chế một bức tranh không hoàn chỉnh và quá trình tái tạo này thường “đính kèm” vào đó những thành kiến khác nhau. Trong đó, những ký ức mang lại cảm xúc tiêu cực sẽ có cường độ ảnh hưởng yếu hơn những ký ức chứa đựng cảm xúc tích cực. Cụ thể, FAB đóng vai trò như một bộ lọc tinh thần khiến những cảm xúc tiêu cực gắn liền với ký ức con người sẽ nhạt phai nhanh hơn bất kỳ cảm xúc tích cực nào, và nó giúp chúng ta vượt qua những trải nghiệm tồi tệ [2]. Đây là một cơ chế đối phó lành mạnh, giúp con người không phải chịu ảnh hưởng quá nặng nề bởi những điều tiêu cực đã từng xảy ra. Và trên thực tế, hầu hết chúng ta đều ưu ái những cảm xúc tích cực nên quá trình truy cập ký ức sẽ được não bộ ưu tiên mỗi khi hoài niệm.
Điều này giải thích một phần lý do ẩn sau sự khao khát quá khứ của con người, và những gì được hoài niệm thường mang đến sự ngọt ngào da diết. Cậu sinh viên nghĩ rằng trường học và bài tập thời phổ thông thì dễ dàng hơn phải đi làm thêm giờ, nhưng lại quên những lúc xung đột với cha mẹ vì điểm số hay bị bắt nạt học đường. Anh trưởng phòng ngập mình trong mớ hồ sơ ước gì giờ này được quay lại những bữa tiệc với đồng nghiệp thâu đêm suốt sáng, sẽ không nhớ có nhiều đêm nôn mửa đến té ngã. Các bậc cha mẹ hồi tưởng hình ảnh bụ bẫm dễ thương lúc bé của con cái và ước gì con mình nhỏ mãi, nhưng chắc sẽ không muốn nhớ lại cảnh thức dậy nhiều lần trong đêm vì chúng khóc ré lên, hay cảm giác xấu hổ mỗi khi đi họp nghe con mình đội sổ. Chúng ta, những sinh vật thích hoài niệm thường nhớ những gì tốt đẹp nhất và trong vô thức cũng chọn quên đi hầu hết ký ức không vui. Các nhà tâm lý học tin rằng cơ chế FAB tồn tại để chúng ta có thể hướng đến cuộc sống tích cực nhất có thể, vì cảm giác đau buồn là một dạng phản ứng gây tổn thương nhằm điều chỉnh hành vi của chúng ta, chúng không cần được lưu giữ như một ký ức vĩnh viễn dễ dàng được triệu hồi. Nếu như bạn luôn có thể nhớ lại sự đau buồn, vậy bạn sẽ bị giam cầm trong một lời nguyền đau buồn vĩnh viễn. Bản thân những cảm xúc tiêu cực đã được thiết kế để chúng ta buộc phải né tránh và vượt qua, việc nó bị lãng quên là một tính năng, còn bị ám ảnh bởi nó mới là lỗi.
Sự thiên vị trí nhớ này mang tính thích nghi cao nhưng cũng không hẳn đã hoàn hảo. FAB có khả năng khiến chúng ta nhầm lẫn rằng một số sự kiện trong quá khứ chẳng mang lại hậu quả gì to tát lắm, nhưng thực tế chúng có thể đã tệ hơn rất nhiều. Khi đó chính sự thiên vị đã khiến chúng ta mắc kẹt trong tình huống tiêu cực nếu tái phạm, đơn cử với những ai đang cai thuốc lá, rượu bia hoặc ma túy. Một người có thể cai nghiện trong nhiều năm, nhưng khi niềm vui trở lại và hậu quả đã phai nhạt đi thì lúc ấy “có trời mới cản anh rít điếu này”. Hay chuyện vẫn thường xảy ra nhất là người ta có thể hoài niệm về mối tình đã qua với những khát khao nuối tiếc, mọi lỗi lầm đều sẽ chẳng là gì nếu đặt trước viễn cảnh tái hợp một tình yêu. Lúc này ta đã quên hết những gì từng là lí do khiến mọi thứ trở nên không thể tha thứ phải dẫn đến kết cục chia tay, và hoàn toàn có thể là thảm họa khi lặp lại một mối quan hệ cần được kết thúc.
(b) Vượt qua sự không chắc chắn:
Năm 2016, tạp chí khoa học Nature Communications thiết kế một nghiên cứu trong đó các tình nguyện viên sẽ đoán xem tảng đá nào có con rắn bên dưới, nếu đoán trúng sẽ nhận một cú sốc điện nhẹ. Có hai nhóm được phân tách, nhóm A khi đoán trúng sẽ chắc chắn bị giật, trong khi nhóm B khi đoán trúng chỉ có 50% khả năng bị giật. Thiết kế của nhóm B mô phỏng một sự thật sinh tồn rằng ngay cả khi bạn biết rõ con rắn nằm ở đâu, tỷ lệ bị rắn cắn vẫn không chắc chắn, và bộ não đã tiến hóa dựa trên đó, hơn là tình huống đơn giản như của nhóm A. Kết quả những tình nguyện viên nhóm A trở nên bình tĩnh và ít bị kích động hơn so với nhóm B, mặc dù nhóm B ít có nguy cơ bị giật điện hơn [3]. Nghiên cứu này cho thấy não bộ chúng ta sẽ thích nghi tốt hơn với sự ổn định chắc chắn, và sẽ muốn biết kết quả mọi thứ bằng cách này hay cách khác để nắm lấy lợi thế phán đoán. Bởi sự không chắc chắn tương đương với mối nguy hiểm tiềm tàng giữa môi trường xung quanh, bộ não con người hoạt động liên tục để quét và cập nhật, đưa ra phán đoán về điều gì an toàn hay nguy hiểm, và nó hoạt động kể cả khi chúng ta đang ngủ [4]. Do nhận thức ưu tiên cảnh báo cơ thể về sự không chắc chắn, bộ não rất dễ trở thành một bậc cha mẹ bảo vệ con mình thái quá, dù mục đích có tốt đến đâu thì cơ chế này rất dễ khiến cơ thể kiệt sức trong ngột ngạt. Việc luôn giữ bản thân tránh khỏi bất trắc bởi một tâm trí được đặt vào an toàn thái quá sẽ khiến ta không nhìn cuộc sống như nó thực sự là, thay vào đó ta nhìn cuộc sống như cách ta nghĩ. Người bạn gái mới quen không trả lời tin nhắn, kết quả kỳ thi đến muộn, tình cờ chứng kiến đồng nghiệp xì xầm điều gì đó không rõ. Não bộ lúc này sẽ có xu hướng cá nhân hóa kết quả, đặt ra điều tồi tệ nhất có thể xảy ra vì mục đích truy cầu sự chắc chắn. “Cô ấy có người mới chăng?”, “Kiểu này thi rớt rồi.”, “Lẽ nào đồng nghiệp biết mình đội tóc giả?” – sự giả định là bất tận, khiến bản thân ngày càng phản ứng co cụm lại.
Việc bạn gái không trả lời tin nhắn sẽ giống như con rắn dưới tảng đá (còn việc có trả lời nghĩa là không có con rắn dưới tảng đá), nhưng liệu ý nghĩa của việc không trả lời tin nhắn ấy là gì vẫn là điều chưa chắc chắn. Nên cũng như nhóm B phải đối mặt với sự thiếu rõ ràng sau khi tìm thấy con rắn dưới tảng đá, chúng ta cũng bị kích động khi không biết lý do vì sao bạn gái không trả lời tin nhắn.
Trong khi đó, hoài niệm là trạng thái cảm xúc của một chúng sinh đang nhìn ngược chiều thời gian, và trong mạch quá khứ sẽ không có điều gì là không chắc chắn. Mọi sự kiện đều đã diễn ra, đều trả về kết quả mà ta đã biết. Quá khứ lúc này giống như việc nhóm A nhìn thấy con rắn dưới tảng đá, hay như việc ta biết rằng bạn gái mình không nhắn tin vì một lý do khuất tất, ta sẽ bình thản hơn ngay cả khi biết rằng nó gắn liền với kết cục không mong muốn. Nếu hiện tại luôn tồn tại vô số khả năng dẫn đến một kết thúc mở đặt ở tương lai, thì quá khứ lại dễ chịu hơn rất nhiều khi mọi thứ đều đã có câu trả lời. Do đó hoài niệm là một cách để ta hồi tưởng lại quá khứ đã biết trước, và dù chúng có tích cực hay tiêu cực đến đâu cũng chỉ làm tăng thêm dư vị cay nồng của ly rượu ký ức mà ta nhấm nháp với tâm thái bình thản.
(c) Định mức khuây khỏa: Hình dung kinh nghiệm sống con người như một bể nước được những trải nghiệm thực tế liên tục rót vào mỗi ngày, mực nước dâng lên đến đâu cũng là lúc vốn sống đạt đỉnh ngay lúc đấy. Ta không thể biết rõ giới hạn kinh nghiệm là ở đâu vì tuổi thọ vẫn còn di chuyển tịnh tiến đến tương lai. Ta không biết nước sẽ tiếp tục dâng theo cách nào và bao nhiêu, nhưng hoàn toàn có thể chắc chắn những cột mốc mà nước đã dâng qua, bởi kinh nghiệm sống không thể bị tụt giảm như hình phạt trong game nếu lỡ sai lầm. Và ở mỗi định mức tất yếu tồn tại các sự kiện mang lại trải nghiệm tích cực hoặc tiêu cực, kèm theo những nhận định chủ quan của bản thân về cường độ ảnh hưởng.
Hoài niệm về một game PC nào đó ở thập niên 90, ta có thể đánh giá nó là tựa game xuất sắc nhất mình đã từng chơi. Tuy nhiên sự thực là nó chỉ xuất sắc cho đến thời điểm đó, thuộc về quá khứ. Trải qua hàng chục năm tiếp theo, xung quanh ta là những tựa game khác liên tục xuất hiện với đồ họa tân tiến, gameplay vượt trội hơn hẳn. Lúc này về mặt khách quan, ta có thể đánh giá tựa game trong quá khứ kia thực sự có nhiều điểm không bằng những gì đang trải nghiệm ở hiện tại, đó là tất yếu. Nhưng hoài niệm là một trải nghiệm cảm xúc đậm tính chủ quan, ta sẽ vẫn miêu tả tựa game quá khứ kia rất xuất sắc, rất hoàn hảo bằng sự ưu ái dưới định mức nhưng cảm nhận vẫn luôn đạt đỉnh. Một nghiên cứu của hai nhà khoa học Tory Higgins và Charles Stangor trên tạp chí “Journal of Personality and Social Psychology” vào năm 1988 đã cho thấy con người khi đưa ra đánh giá về một sự việc sẽ có xu hướng thể hiện nó trong mối quan hệ với một thứ khác [5]. Ví dụ khi nói rằng bộ phim này thật tuyệt vời, có nghĩa là nó xuất sắc hơn so với những bộ phim đã từng xem tính đến thời điểm đó. Higgins và Charles tiếp tục lập luận rằng khi hoài niệm về các sự kiện trong quá khứ, người ta có thể nhớ về đánh giá đã đưa ra cho sự kiện đó, nhưng thường không nhớ về lí do vì sao lại đánh giá như vậy. Có nghĩa ta có thể nhớ đó là bộ phim xuất sắc nhất mình đã từng xem, nhưng lại quên đi cơ sở đánh giá là dữ liệu so sánh với tất cả những phim đã xem trước đó. Nếu giờ đây xem lại với tư cách một người trưởng thành, về khách quan bộ phim đó có thể không tuyệt vời đến thế.
Vì sao thanh xuân luôn rực rỡ? Nhìn lại những sự kiện thời trẻ, người ta có thể khuây khỏa trong những định mức cảm xúc rạng ngời, xuất sắc vẹn nguyên sau ngần ấy năm tháng, chỉ đơn giản quên rằng mình đã nhận định chúng dựa trên cơ sở nào. Và với vốn sống rộng hơn của một người trưởng thành, các sự kiện tiếp theo sẽ cần rất nhiều nỗ lực để đạt định mức cảm xúc tương đương ở thì quá khứ. Bởi thế, càng về già sẽ càng ít vui.
Từ (a), (b) và (c) – có thể hiểu được lý do vì sao quá khứ thường trông có vẻ tốt hơn hiện tại. Điều này cũng giúp làm rõ hơn định nghĩa của hoài niệm, vốn là trạng thái cảm xúc khao khát về một quá khứ được lý tưởng hóa. Sự lý tưởng hóa này khiến quá khứ trở nên đẹp đẽ trong thiên lệch, ổn định trong chắc chắn và luôn mang lại cảm giác thăng hoa theo cách ưu ái nhất mà bản thân có thể.
2. Chúng ta hoài niệm vượt cả thời đại sống
Ban đầu, hoài niệm được định nghĩa bằng nỗi nhớ nhà theo thuật ngữ “nostalgia” của bác sĩ Johannes Hofer đặt ra vào năm 1688 từ việc kết hợp giữa hai từ Hy Lạp cổ: trở về nhà (nostos) và nỗi đau (algos). Như thế theo nghĩa đen, “nostalgia” là bệnh nhớ nhà (homesickness), chủ yếu đề cập đến tình trạng của nỗi đau từ việc phải rời xa quê hương và khát khao được trở về một lần nữa [6]. Bệnh lý này được ghi nhận trong khoảng cuối thế kỷ XVII khi những đội quân đánh thuê người Thụy Sĩ thường mắc các triệu chứng “tim đập nhanh, u sầu, mất ngủ, chán ăn và liên tục nghĩ về nhà” thậm chí dẫn đến tử vong. Hofer nhận định đây có thể là một căn bệnh thần kinh, với cơ chế chủ yếu là sự giao cảm được kích thích từ một trí tưởng tượng đau khổ luôn hướng về quê nhà.
Hơn 300 năm sau, “nhớ nhà” không còn là căn bệnh đặc sản của riêng người Thụy Sĩ mà đã được nhận biết trên toàn thế giới như một trạng thái cảm xúc ở mức độ phức tạp và sâu sắc hơn. Những nghiên cứu từ thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX của các nhà khoa học ở những chuyên ngành thần kinh học, đặc biệt là tâm lý học đã từng bước biến chuyển “nhớ nhà” từ một bệnh thần kinh trở thành rối loạn tâm thần, sau đó là một dạng biến thể của trầm cảm. Năm 1995, nhà tâm lý học người Mỹ Krystine Batcho đã tiến hành một nghiên cứu có hệ thống khi ghi chép lại hoài niệm của 648 người tham gia và nhận thấy rằng, mặc dù họ bày tỏ sự khát khao về một địa điểm nhưng đồng thời cũng có cảm xúc tương tự với những người thân yêu, thời thơ ấu, đồ vật kỉ niệm hay chỉ đơn giản là một cảm giác bình yên không lo lắng [7]. Tương tự vào năm 2006, nhà tâm lý học Tim Wildschut và các đồng nghiệp ở đại học Southampton cũng nhận định phần lớn những câu chuyện hoài niệm từ các sinh viên xoay quanh nhiều thứ khác hơn là địa điểm cụ thể [8]. Đến thời điểm hiện tại, định nghĩa “nhà” trong nỗi nhớ đã được phổ biến rộng hơn với nhà là “quê hương, con phố, đồ vật, người thân”. Từ đây, “nhớ nhà” được xác định là “homesickness”, trong khi “hoài niệm” chính thức mang thuật ngữ đại diện “nostalgia” cũng như được hiểu theo một khái niệm rộng hơn là một trạng thái cảm xúc biểu thị nỗi khát khao, tiếc nuối về một quá khứ được lý tưởng hóa.
Những năm tiếp theo, hoài niệm không chỉ gắn với một cá nhân (phần 1) mà còn có thể được mở rộng thành hoài niệm lịch sử – “historical nostalgia” [9]. Ở trạng thái này, hoài niệm của con người không còn đơn thuần xoay quanh những ký ức tự truyện mà còn vượt cả thời đại họ sống, lùi về những quá khứ có thể gần hoặc xa xăm hơn. Như cách người Mỹ thường nhớ về thời đại vàng son những năm 1900, hay bản nhạc từ một bộ phim TVB nào đó cũng gợi lên phong cách retro Hồng Kông thập niên 90. Có thể ví dụ đơn cử bộ phim “Midnight in Paris” (2011), một biên kịch Hollywood thành đạt tên là Gil Pender luôn bị ám ảnh bởi Paris những năm 1920, bằng cách nào đó anh đã du hành thời gian trở về gặp những F. Scott Fitzgerald, Ernest Hemingway, Pablo Picasso [10]. Phim đặc tả Gil luôn cảm thấy lạc lõng với cuộc sống hiện đại, và anh thường hoài niệm về thời quá khứ vàng son nơi các nghệ sĩ tài hoa tồn tại trong cùng một thời đại, nhưng anh gặp những con người tài hoa ở đó, và chính họ cũng hoài niệm về một quá khứ cũ hơn, một nơi mà chính họ cũng chưa từng trải qua và không hề thuộc về. Hoài niệm lịch sử thường là hệ quả nảy sinh từ sự bất mãn sâu sắc với hiện tại và sở thích với những điều lâu năm. Không như hoài niệm cá nhân, một người trải qua hoài niệm lịch sử có thể mang về góc nhìn hoài nghi với thế giới hiện đại, nơi chốn và thời điểm đang sống trở nên phủ kín bởi sắc màu của những chấn thương, nỗi đau, hối tiếc và cả những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu [11].
Một thanh niên bất mãn với cuộc sống hiện đại năm 2021 có thể trìu mến nhớ về thập niên 90 – giai đoạn xã hội chưa bị làn sóng công nghệ xâm chiếm và vẫn còn sự gắn kết khăng khít giữa người với người, mong muốn rời bỏ chốn phồn hoa để trở về quê nuôi thêm cá, trồng thêm rau. Những khao khát này không đơn thuần chỉ là ước mơ nhất thời khi đã mang trong mình một nét u sầu về quá khứ đã qua, xen lẫn một tình yêu nuối tiếc. Hoài niệm lịch sử hoàn toàn có thể ám chỉ sự phản ánh của một cá nhân về các giai đoạn phát triển không hoàn hảo của họ, mà thường xảy ra ở những giai đoạn xã hội thay đổi. Họ bị bỏ lại phía sau tấm lưng của những con người đã thích nghi với nhịp sống mới, trở thành những sinh vật đặc trưng của chủ nghĩa thoát ly thực tại, thường xuyên hồi tưởng về dòng thời gian đã mất. Thực tế, một thuật ngữ mới đã được đặt ra để dành riêng cho hoài niệm lịch sử là “amenoia” – diễn tả nỗi nhớ về những ngày tốt lành mà một người còn quá trẻ để biết, về một quá khứ mà bản thân chưa từng bao giờ sống [12]. Ở một khía cạnh nhất định, những nhà khảo cổ, người sưu tầm cổ vật dành gần trọn cuộc đời trên hành trình khám phá, tìm kiếm và ngắm nhìn những tạo tác cũ xưa, là đại diện cho những người hoài niệm lịch sử nhiều nhất.
Khác với hoài niệm cá nhân mang tính chất đơn lẻ và duy nhất, hoài niệm lịch sử thể hiện sự siêu liên kết khi gắn bó những con người ở khắp mọi nơi trên thế giới có cùng chung loại trải nghiệm cảm xúc “khát khao về thời đại đã mất” này. Và con người rất biết cách khai thác tính liên kết của trạng thái cảm xúc đặc biệt này vào hai ứng dụng: tiếp thị tiêu dùng và mặt tối của hệ thống chính trị.
– Tiếp thị tiêu dùng: Hãy xem xét cách hoài niệm được tận dụng để tạo ra chiến lược tiếp thị, mời gọi sự tham gia của người tiêu dùng. Nhà hàng, quán bar thể thao trưng bày những đồ tạo tác và kỷ vật cũ trên tường; các phần phim hoặc game được làm lại (remake); những chương trình truyền hình có sự tái hợp giữa các diễn viên mùa trước; các liveshow âm nhạc kỷ niệm 10 năm làm nghề với danh sách bài hát xa xưa; những chiến dịch quảng cáo gợi lên truyền thống và hình ảnh quá khứ để xác thực sản phẩm và thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Như cách Coca-Cola trực tiếp nhắc lại quảng cáo của mình cách đây 20 năm trong chiến dịch remake “I’d Like to Teach the World to Sing” [13], hay sản phẩm mì Miliket Hai Con Tôm đang rầm rộ trở lại với bao bì gợi nhớ về những năm 70-80 [14]. Có thể thấy rõ khi được khai thác đúng cách, hoài niệm lịch sử trở thành một công cụ tiếp thị sản phẩm lợi hại khi có thể gợi lại một cách có ý thức những liên tưởng và các ký ức xưa cũ, khơi lên những phản ứng cảm xúc tích cực về một thời kỳ liên quan trực tiếp đến quá khứ của người tiêu dùng. Sự tận dụng này khiến quảng cáo tạo ra một mảng mới chuyên tiếp cận những giá trị truyền thống bằng cách liên kết chặt chẽ với ý nghĩa của hoài niệm. Những thế hệ sinh ngoài thời đại này sẽ chịu ảnh hưởng từ ông bà, cha mẹ vốn là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ văn hóa tiêu dùng các mặt hàng truyền thống, vì thế trong vô thức đã hình dung về một ý tưởng hoài niệm liên quan đến “thời đại ngày xưa”, “phong cách retro”, “thập niên 80 – 90”. Từ đây, hoài niệm lịch sử được thương mại hóa dưới dạng các vật dụng, ấn phẩm mang vẻ ngoài gợi nhớ về quá khứ.
– Mặt tối của hệ thống chính trị: Sức mạnh của hoài niệm có thể bị tận dụng để hình thành một niềm tin của người dân vào trạng thái văn hóa hoàn thiện trước đây, đồng thời mang đến mô tả một hiện tại đã bị sa ngã bởi giới tinh hoa, ca thán về quá khứ thiên đường nay đã chết. Hoài niệm lịch sử luôn là công cụ của các nhà chính trị độc tài sử dụng để khơi nguồn phẫn nộ vì bản sắc đất nước bị chia cắt, từ đó kêu gọi đoàn kết dân tộc cùng khôi phục lại những tháng ngày vinh quang. Quá khứ chói lọi được gợi nhớ này dễ dàng bị ngụy tạo và lợi dụng bởi những nhà lãnh đạo độc tài, những người tìm cách thay thế các diễn ngôn đa sắc thái và hệ tư tưởng đa dạng bằng lòng yêu nước và chủ nghĩa dân tộc đồng nhất như Hitler, Pol Pot, Mao Trạch Đông, Stalin. Chính trị của hoài niệm lịch sử ít liên quan đến những ký ức cụ thể mà một người nhất định phải trải qua, thay vào đó bộ máy tuyên truyền sẽ cung cấp những thông tin phù hợp để gợi lên trí tưởng tượng về những tình huống có thể xảy ra, mà rất có thể là không bao giờ. Chiến lược tuyên truyền này gieo vào đầu mọi người một tình hình hiện tại có thể tồi tệ hơn thực tế đang diễn ra, từ đó mang lại cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên nếu tham gia vào phong trào thì sẽ tạo nên cảm xúc tích cực, từ đây một cơ chế loại bỏ sự không phù hợp về mặt cảm xúc sẽ tạo động lực thúc đẩy một người có khuynh hướng hành động chính trị.
Hoài niệm về lịch sử đất nước có thể làm tăng lòng tự tôn dân tộc, nhưng đồng thời cũng có khả năng bị ảnh hưởng bởi sự phân biệt chủng tộc và bài ngoại có chủ đích. Chán nản với hiện tại cũng như không yên tâm về tương lai, những người này đi ngược dòng ký ức và lùi về quá khứ, nơi mà như cách nói của người Đức – thế giới có lẽ vẫn còn trật tự.
3. Bạn không thể về nhà lần nữa
Hoài niệm là một trạng thái cảm xúc mâu thuẫn giữa cay đắng và ngọt ngào. Thật da diết và quyến rũ khi chúng ta nhớ về những quãng thời gian tốt đẹp nhất trong đời. Nhưng sự cay đắng cũng đến đồng thời khi ta biết chắc rằng sẽ không bao giờ có thể thực sự lấy lại được những kí ức này, chúng đã ra đi mãi mãi theo quy luật thời gian. Tuy nhiên, hoài niệm giúp hợp nhất ý thức chúng ta về mặt danh tính. Theo năm tháng, ta sẽ thay đổi liên tục theo những cách không thể tin được. Bằng cách thúc đẩy việc nhớ lại quá khứ trong cuộc sống, hoài niệm giúp gắn kết chúng ta với con người đã từng tồn tại đó, và so sánh với phiên bản chúng ta của ngày hôm nay. Điều này giúp bản thân đánh giá, nhận định và tiếp tục hình dung về người mà ta muốn trở thành trong tương lai. Về mặt thời gian, hoài niệm có vẻ xuất hiện theo một trạng thái thống nhất và tịnh tiến như một trình tự cứu chuộc với sự nuối tiếc về quá khứ và hạnh phúc vì những cảm xúc tích cực mà nó mang lại. Đồng thời bằng cách nhớ lại quá khứ, con người trở nên hy vọng nhiều hơn vào tương lai và chờ mong những gì sắp đến.
Thực tế, hoài niệm còn là một cảm xúc mang tính xã hội cao, nó kết nối người với người, giữ lại những ký ức cho thấy mối quan hệ tồn tại giữa bản thân với những người quan trọng nhất như cha mẹ, anh chị em, bạn bè thân thiết. Khi chúng ta tiếp tục phát triển, hoài niệm tự động mở rộng phạm vi với những ai mà ta đã từng tương tác, từ đó gắn kết xã hội theo cách thức lành mạnh. Bản thân các thực hành nghi lễ tôn giáo thông qua những ngày lễ lớn (Giáng Sinh, Tết Nguyên Đán, Lễ Tạ Ơn) cũng tái tạo lại những trải nghiệm trong quá khứ, từ đó đáp ứng được khát khao hoài niệm. Sự đan xen giữa các dịp lễ lớn trong một năm cũng là cách tôn giáo đạt được tác động lớn nhất trong việc gắn kết xã hội, đồng thời giảm bớt động lực chìm đắm trong quá khứ của mỗi người. Bên cạnh đó, hoài niệm còn là nguồn cảm hứng to lớn cho những môn nghệ thuật sáng tạo như âm nhạc, hội họa, văn chương. Rất nhiều những tuyệt tác đã được ra đời từ mối quan hệ tan vỡ, khung cảnh cũ xưa, di vật kỷ niệm… mà giờ đây đã trở thành những yếu tố biểu tượng mỗi khi nhắc đến hoài niệm.
Tuy nhiên, hãy cẩn thận với trạng thái cảm xúc này vì như mọi thứ trong cuộc sống, hoài niệm cũng tồn tại mặt trái của nó. Bản thân những ký ức được nhớ về đã bị biến dạng và méo mó theo cơ chế của não bộ, những gì được giữ lại đã không còn khách quan do bị can thiệp bởi rất nhiều thành kiến. Con phố, hàng cây, ngôi nhà, căn phòng… tất cả có thể sẽ còn đó, thậm chí nguyên bản trong thực tế – chỉ mỗi ta đã thay đổi theo thời gian. Vì thế, bạn không thể trở về nhà lần nữa, mà chính phiên bản tiếp theo của bản thân ở tương lai mới là người làm điều đó. Trầm mê vào quá khứ sẽ không giúp ích quá nhiều cho cuộc sống thực tế ở hiện tại, thậm chí có hại. Cụ thể là hoài niệm lịch sử, nếu con người cứ mãi chìm trong những thời đại quá khứ “tốt đẹp” đã bị não bộ lọc ra thì họ có thể nghĩ rằng cuộc sống ngày xưa thật tuyệt mà quên mất tác động của dịch bệnh, sự kém phát triển của y tế, xung đột chiến tranh, nạn phân biệt chủng tộc.
Việc khao khát quá khứ, từ chối hiện tại và sợ hãi tương lai sẽ ngăn cản sự thúc đẩy của tiến bộ, dẫn đến sự vô trách nhiệm, từ đó tìm cách thiết đặt lại những trật tự cũ kỹ (vốn biến mất vì nhiều lý do) và trì hoãn các kế hoạch kiến tạo những thứ mới mẻ chuẩn bị cho thế hệ tiếp theo. Như trái đất vẫn quay, nhưng nếu ta chọn cách dừng lại và tiêu tốn quá nhiều thời gian để nhìn về quá khứ, thì hậu duệ tương lai của chúng ta sẽ không còn gì để hoài niệm.
Họ sẽ hoài niệm điều gì về giai đoạn mà chúng ta đang muốn chối bỏ này?
#MonsterBox
https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=3059146264366119&id=1938993986381358