Trong Mac OS X, có một ứng dụng mang tên Automator, được cài đặt sẵn khi bạn mua máy về hay khi cài lại Mac. Vậy nó là gì? Chức năng của nó có gì hay mà nhìn cái biểu tượng nó… đẹp thế? Thật ra, nó là một công cụ vô cùng hữu ích cho người dùng để thực hiện việc tự động hoá trong Mac đấy. Nếu chưa biết cách sử dụng, bạn hãy theo dõi bài viết này nhé.
Bạn nào đã đọc phần cơ bản rồi thì có thể qua luôn phần nâng cao: Hướng dẫn nâng cao sử dụng Automator: hiện tuỳ chọn, sử dụng biến trên Mac OS X
1. Tìm hiểu chung về Automator
Automator là phần mềm được thiết kể bởi Apple, bạn có thể tìm thấy nó trong thư mục Application của máy. Automator xuất hiện lần đầu tiên trong Mac OS Tiger. Ứng dụng này có thể giúp bạn tự động thực hiện những công việc lặp lại hoặc những thao tác trên nhiều thành phần. Bạn có thể dùng Automator để tương tác với Finder, Safari, iCal, Address Book, iPhoto, iMovie,… Rất nhiều ứng dụng khác không phải của Apple cũng hỗ trợ Automator, chẳng hạn như Microsoft Office for Mac. Nói tóm lại, có thể xem Automator như một công cụ lập trình đơn giản, thực hiện chủ yếu bằng thao tác kéo thả theo từng bước để thực hiện mong muốn của người dùng.
2. Các khái niệm cơ bản
a. Action
Action là các hành động đơn lẻ, thực hiện một tác vụ nào đó. Ví dụ: thao tác sao chép tập tin, thao tác tải một địa chỉ web, thao tác chơi một bài hát. Automator sở hữu một thư viện Action phong phú và có thể được bổ sung thêm.
Để có thể thực hiện được một tác vụ, action cần có dữ liệu nhập (input). Action có thể kiểm tra dữ liệu nhập này rồi chuyển đến việc thực hiện. Từng action thực hiện xong công việc của mình thì sẽ được chuyển đến action kế tiếp. Action có thể dùng ô nhập liệu, menu dạng pop-up, ô checkbox hoặc nút nhấn để hoạt động.
Input có thể được đưa vào ở dạng này, sau khi qua action, nó sẽ được biến đổi thành một kiểu thông tin khác. Đây là một tính năng mạnh mẽ của Automator. Chẳng hạn như action “Text to Audio File” biến đổi chữ (tiếng Anh) thành một tập tin âm thanh để phát ra loa. Tương tự, output là dữ liệu xuất của action. Input của action thường lấy từ output của action trước nó. Bạn có thể xem input và output của một action ở bảng Info, nằm ở góc dưới bên trái của cột Library.
Action có thể lấy input từ bên ngoài workflow (xem định nghĩa ở mục b), từ những ứng dụng của hệ thống như nhóm trong Address Book, danh sách phát (playlist) của iTunes hoặc một đối tượng bạn đã chọn trong Finder.