VẬY RỐT CUỘC, CHÚNG TA SINH RA ĐỂ LÀM GÌ?
Bài viết này sẽ không có quá nhiều tên của các triết gia hay thuật ngữ triết học đâu, nên đừng sợ. Vì chúng ta cũng tồn tại và được sinh ra, chẳng hơn nhưng cũng chẳng kém gì các triết gia, nên hoàn toàn có đủ thẩm quyền để tự mình nói xem, rốt cuộc chúng ta sinh ra để làm gì. Do cả hai đều là con người, nên chẳng ai có thẩm quyền nói rằng họ hiểu về con người hơn người còn lại cả. Nôm na, hai người trong một cặp đôi thì không ai có thể tự nói rằng bản thân hiểu về mối quan hệ của cả hai hơn người còn lại. Có vẻ như càng giải thích càng khó hiểu nhỉ… Nhưng đây là logic đó. Tôi nghĩ mình sẽ nói thêm về chỗ này trước khi đi vào nội dung bài viết.
Chúng ta có:
A và B là hai người trong cùng một cặp đôi. C là mối quan hệ của họ.
A không thể nói rằng A hiểu về C hơn B được, vì C là thứ được cấu thành bởi chính suy nghĩ của B. B hiểu sao thì C sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sự hiểu biết đó, chứ C không bất biến hay được quyết định bởi riêng A. Do vậy, giả sử trong một lần cãi nhau, A nói rằng A hiểu nhiều hơn về mối quan hệ của hai người, rằng anh/cô ta đã cố gắng nhiều hơn, hy sinh nhiều hơn, nhưng B hoàn toàn có thể nói rằng bản thân không thấy điều đó, cũng như không tin rằng như vậy thì tốt hơn cho C, và cảm thấy mối quan hệ của cả hai thật nhảm nhí, đã đến lúc chia tay. Sự hiểu biết của A chẳng giúp ích gì cho mối quan hệ C của họ cả, và hiển nhiên là C vẫn phụ thuộc vào sự hiểu biết của B. Tất nhiên chúng ta không nói ai đúng ai sai, ta chỉ đang chỉ ra một sự thật logic: trong một mối quan hệ, không ai có đủ thẩm quyền để nói rằng họ hiểu về mối quan hệ của cả hai nhiều hơn người còn lại, do kết quả mà người này dùng để đối chiếu thì được quyết định bởi người kia. Người ta chỉ hiểu nhầm như vậy thôi, còn đó là một điều phi lý.
Dễ hiểu mà đúng không? Tương tự, vì bạn và một nhà triết học nào đó cũng đều là con người, nên cả hai có quyền nói về “con người là gì”, nhưng không thể tự nhận rằng ai thì có nhiều thẩm quyền hơn hay nói đúng hơn người còn lại. Vì hiểu biết của bạn cũng đại diện cho loài người, do bạn là một phần của loài người. Do đó, cả hai chỉ là một phần tử trong một tập hợp, và không phần tử nào có thể đứng ngoài tuyên bố rằng mình hiểu được tính chất của tập hợp là gì cả.
Quay trở lại với nội dung chính của bài viết, thực ra câu hỏi chính xác nên là: “Rốt cuộc, ý nghĩa của cuộc đời này là gì?” – “What is the meaning of life”, vì câu hỏi này bao hàm nội dung được đề cập ở title [1]. Về “ý nghĩa cuộc đời”, nhìn chung nhân loại trăn trở các câu hỏi sau:
– Rốt cục cuộc sống này là vì điều gì? Chúng ta là ai?
– Tại sao chúng ta lại ở đây? Và ta ở đây vì cái gì?
– Nguồn gốc của toàn bộ cuộc sống này là gì?
– Mục đích của cuộc đời là gì? Mục đích trong cuộc đời của một người là gì?
– Điều gì là có ý nghĩa và giá trị trong cuộc đời?
– Lý do để sống là gì? Chúng ta sống để làm gì?
…
Những câu hỏi này mặc dù nghe giống như trăn trở hiện sinh của một bạn trẻ bất kỳ, nhưng nó cũng là thứ mà các lý thuyết khoa học, triết học, thần học và tâm linh cạnh tranh nhau để xem ai mới là người đưa ra câu trả lời đúng.
Nhưng trước khi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên, chúng ta nên làm một việc rất quan trọng khác, tìm hiểu xem vì sao chúng ta lại đặt ra các câu hỏi phía trên. Vì sao chúng ta, những cá thể thuộc về loài người, lại hỏi rằng “rốt cuộc ý nghĩa cuộc đời là gì” mà không phải một câu hỏi khác. Đó là một câu hỏi nghe đơn giản, nhưng nó đã đính kèm một số điều tương đối phức tạp, chẳng hạn:
– Nó giả định rằng cuộc đời này là có ý nghĩa. Lỡ như cuộc đời này không có ý nghĩa gì hết thì sao? Chúng ta có đang đi tìm kiếm một thứ không tồn tại?
– Giả như cuộc đời này có ý nghĩa, thì chúng ta có thể hiểu được nó hay không? Sẽ ra sao nếu như chúng ta phát hiện ra rằng cuộc đời có ý nghĩa, nhưng ta không bao giờ đủ khả năng để hiểu nó?
– Rốt cuộc chúng ta đang muốn hỏi gì. Khi nói về “ý nghĩa”, thì chúng ta đang hàm ý điều gì?
Việc tìm hiểu câu trả lời bằng cách nghiên cứu bản thân câu hỏi, có thể giúp chúng ta làm rõ xem rốt cuộc trong đầu mình có gì, và thứ gì đã khiến cho một câu hỏi như vậy được nảy ra. Liệu một con chó có thắc mắc câu hỏi tương tự hay không? Giả như có người ngoài hành tinh tồn tại và có nhận thức, liệu họ có quan tâm đến cùng mối quan tâm với loài người? Như vậy, tìm hiểu xem vì sao loài người lại đau đầu trong việc tìm hiểu xem “ý nghĩa cuộc sống là gì”, có thể trong lúc ấy một câu trả lời sẽ nảy ra. Vì không loại trừ khả năng đó chỉ là ảo tưởng của riêng giống loài của chúng ta. Đây gọi là nhận th… à mà thôi, tôi đã hứa rằng sẽ không đề cập đến bất kỳ thuật ngữ triết học nào cả. Tóm lại, khi nghe đến một câu hỏi, đặc biệt là những câu hỏi phổ quát như thế này, chúng ta khoan hãy vội trả lời, vì kiểu gì cũng trật. Hãy bắt đầu bằng việc thử nghĩ xem, rốt cuộc vì sao ta lại hỏi chúng ngay từ đầu.
Vậy, rốt cuộc từ “ý nghĩa” trong câu “ý nghĩa cuộc đời là gì”, có nghĩa là gì?
Nếu xét từ ở từ mang nghĩa đối lập, là “vô nghĩa”, hay cả cụm là “cuộc sống vô nghĩa”, thì nó mang nghĩa tiêu cực, dễ gây liên tưởng đến sự vô tích sự, không đáng sống hay sự phi lý. Vậy ắt hẳn “ý nghĩa” phải mang hàm ý tốt. Người ta sẽ chấp nhận những câu trả lời đại loại, “tôi nghĩ ý nghĩa cuộc đời này là xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”, “ý nghĩa cuộc đời là trở thành một người thành công và hạnh phúc” hay ít nhất cũng phải là “ý nghĩa cuộc đời là để lại di sản cho các thế hệ sau, chẳng hạn như gien”, chứ đâu thể nào chấp nhận câu trả lời đại loại “ý nghĩa cuộc sống là tận hưởng sự hoan lạc”, “ý nghĩa cuộc đời là được chơi game thoải mái” hay “ý nghĩa cuộc sống là hút chích”. Nhưng… tại sao lại thế? Tại sao ý nghĩa của cuộc sống lại nên là một điều gì đó tích cực và tốt đẹp? Giả như một người khao khát được nằm dài một chỗ và tận hưởng cơn khoái lạc từ chất kích thích cũng mãnh liệt như cách một người khác muốn trở thành một người thành công, và xem đó là ý nghĩa của cuộc đời họ, thì không hợp lệ hay sao? Hmm… có lẽ chúng ta sẽ quay trở lại chỗ này sau. Nhưng bây giờ hãy cùng thống nhất với nhau rằng khi mọi người tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời, họ đang mong muốn tìm thấy một thứ gì đó tốt đẹp mà hình dung về nó gợi lên mùi thoang thoảng của bánh mì nướng, của sự thanh thản, của ánh nắng ban mai, hình ảnh lũ trẻ nô đùa trên bãi cỏ… những thứ đại loại vậy.
Một điều nữa, câu hỏi này có hai cách hiểu, một là “ý nghĩa trong (in) đời là gì” (tức tôi hay bạn, những cá nhân, phải làm sao để sống một cuộc đời có nghĩa) và “ý nghĩa của (of) cuộc đời là gì” (tức là ý nghĩa phổ quát của nhân loại, hay sự tồn tại của chúng ta, là để làm gì). Chúng ta sẽ đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên, “ý nghĩa trong đời là gì”, vì đó là thứ hữu ích cần quan tâm, và đây cũng là mối bận tâm của các nhà triết học phân tích. Điều này có lẽ cũng bắt nguồn từ “nghịch lý về tuyên bố của loài người” (tôi tạm bịa ra thuật ngữ thôi, đừng nghiêm túc quá nhé) ở trên, khiến cho việc đi tìm “ý nghĩa phổ quát của đời người” là một mục tiêu nếu không vô nghĩa thì rất có thể cũng quá tự phụ. Vậy, rốt cuộc ý nghĩa trong cuộc đời này là gì? Có nhiều câu trả lời khác nhau, tôi sẽ trình bày nó theo dòng lịch sử (chứ không phải theo mức độ đúng đắn), chủ yếu là ba giai đoạn với ba kiểu quan điểm chính, mà rất có thể bạn đang sở hữu quan điểm vốn là sự pha trộn của cả ba.
Đầu tiên là các quan điểm của thế giới cũ, mà rất có thể các bạn đã từng nghe đến, hay bắt gặp được ở các thế hệ đi trước (hay thậm chí lờ mờ nhận ra trong tâm trí của chính mình một cách gián tiếp), mang thiên hướng siêu nhiên. Quan điểm này cho rằng Chúa và linh hồn có tồn tại, nên ý nghĩa của cuộc đời chính là thực hiện mong muốn của Chúa. Chính bởi thế, người ta sẽ nỗ lực tìm hiểu xem rốt cuộc Chúa muốn gì, và bản thân sinh ra là để thực hiện nhiệm vụ gì cho Chúa. Bởi thế, đạo đức sẽ do Chúa quyết định (và nhà thờ là người truyền đạt lại), Kinh Thánh là các bản hướng dẫn và sự ngoan đạo là một cách để sống một cuộc đời có nghĩa. Mục đích của con người lúc này có thể tạm hiểu là cố gắng để lên thiên đường hay chí ít là không phải xuống địa ngục, và những gì trong lúc sống còn nhằm phục vụ cho bản thân sau khi đã chết [2].
Quan điểm này cho đến nay vẫn phổ biến, nhưng không còn thống trị nữa. Trong suốt nhiều thế kỷ, đây là quan điểm thống trị ở nhiều vùng đất trên thế giới, và rất hiếm bắt gặp ai có suy nghĩ khác. Thuở ấy, nó hiển nhiên giống cách bây giờ bạn chấp nhận chủ nghĩa tư bản vậy. Bạn sẽ hỏi “ủa thế chủ nghĩa tư bản thì có vấn đề gì”? Chính xác, bạn hình dung ra được phần nào về sự hiển nhiên của niềm tin siêu nhiên trong quá khứ rồi đó.
Vấn đề của niềm tin này là cho đến bây giờ người ta không tìm ra được linh hồn hay Chúa, do hai khả năng (1) Chúa và linh hồn không có thật và (2) con người mãi mãi không đủ khả năng để tìm thấy Chúa và linh hồn. Nhưng (2) thì cũng như (1). Nên về sau, nhân loại chán quá, quyết định đi tìm ý nghĩa cuộc đời theo cách khác, không cần dựa vào Chúa nữa.
Vậy là giai đoạn quan điểm tiếp theo bắt đầu, đi kèm với sự phát triển của lý trí, logic, khoa học và các kiểu thể loại đồ chơi khác mà bây giờ bạn vẫn đang say sưa sử dụng cũng như tin tưởng. Đầu tiên là các triết gia, sau khi đã miệt mài nghiên cứu Kinh Thánh cũng như suy luận chán chê để tìm Chúa và ý nghĩa cho giống loài của mình, thì nhận ra rằng, “oh, hình như tôi đã biết được cách không cần đến Chúa nữa, nhưng cuộc đời này vẫn có ý nghĩa, miễn là chúng ta phải tin vào giống loài của mình, rằng con người quả thực hoàn toàn độc lập và tự do trong thế giới này”. Khoảnh khắc họ nhận ra họ có thể giải thích lại toàn bộ thế giới mà không cần Chúa thật kỳ diệu. Nó giống như bạn bỗng dưng tìm ra cách vận hành một nền kinh tế mà không cần tiền, hay lập nên quốc gia mà không cần tới chính phủ vậy. Khi đã nhận ra điều mà trước nay con người thường nghĩ là hiển nhiên và cần phải đặt nền tảng, trên thực tế có thể xếp gọn qua một bên, thế giới đã thay đổi, và quan niệm về đời người cũng vậy [3].
Lúc này, khoa học phát triển, và những tư tưởng chống Chúa khi trước lại được ủng hộ bởi các bằng chứng thực nghiệm, chẳng hạn chỉ ra:
– Vũ trụ này bắt nguồn từ một vụ nổ chứ không phải do Chúa tạo ra và rồi nó sẽ đến thời tận diệt, nhưng không phải vì bộ tứ kỵ sĩ khải huyền mà vì entropy (hoặc các nguyên nhân khác, nhưng nói chung không liên quan gì tới mấy ông cưỡi ngựa).
– Sự sống bắt nguồn một cách ngẫu nhiên do may mắn từ không có gì, và con người vốn tiến hóa từ vượn cổ, cũng như các sinh vật đều có tổ tiên chung là vi khuẩn cổ đại.
– Chúng ta có thể bay lên trời, rất xa ra ngoài vũ trụ, nhưng ở đó không có thiên đàng, mà chỉ là một vùng không gian rộng đến vô tận, với bức xạ ánh sáng, bụi thiên thạch, lỗ đen, vật chất tối… và những thứ đại loại vậy.
Vậy, khi nhận ra giống loài của mình là một kẻ lạc lõng bơ vơ giữa không thời gian rộng lớn, chứ không phải người được chọn nằm ở trung tâm thế giới… con người phải sống để làm gì đây? Sứ mệnh với Chúa không còn nữa, thiên đường cũng chẳng có, rốt cuộc ta phải làm gì với cuộc đời của mình?
Như vậy, bây giờ con người đã được trao trả tự do (hoặc ít nhất họ đã nghĩ như vậy), nhưng phải tự đi tìm ý nghĩa cho đời mình. Khi Chúa biến mất, các quan điểm mới nhanh chóng trỗi dậy để chỉ ra rằng sự tự do của con người và của thế giới này sẽ giúp mọi thứ hoạt động trơn tru. Chính việc được tự do bản thân nó đã cho thấy cuộc đời của con người có nhiều ý nghĩa, đồng thời nhờ vào tự do, mỗi người hoàn toàn đủ khả năng và được phép tìm kiếm ý nghĩa cho riêng mình. Tất nhiên các nhà lý thuyết cũng khôn khéo nói rằng, khi mọi người đều tập trung vào chính mình, không phải tất cả sẽ biến thế giới này thành một nơi tồi tệ vì sự ích kỷ, mà bằng một lý do cực kỳ logic nào đó, bỗng dưng thế giới cũng nhờ thế mà trở nên tốt đẹp hơn.
Nôm na, khi bạn và toàn bộ mọi người đều muốn hạnh phúc, rất có thể sẽ nảy sinh mâu thuẫn, nhưng mâu thuẫn ấy lại giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn vì người ta tìm ra cách hạnh phúc hiệu quả hơn. Khi tất cả đều bảo vệ cho sự thật mà họ theo đuổi, và đấu tranh lẫn nhau, tất yếu sẽ tìm được một sự thật đúng đắn cho tất cả. Hay khi tất cả người mua kẻ bán đều hướng tới lợi ích cho riêng mình, thì thị trường sẽ được đảm bảo vận hành tốt nhất… đại để vậy. Nói tóm lại, vì Chúa đã biến mất, nên không ai sắp đặt cuộc đời cho bạn nữa. Do đó bạn phải tự mình giành lấy nó. Thành công là do bạn giỏi và thất bại là vì bạn dở. Vì tất cả mọi người đều tự do và độc lập, nên thật khó để nói rằng người này nên hy sinh ý nghĩa cuộc đời mình để giúp cho ý nghĩa cuộc đời của kẻ khác, và làm sao để biết sự hy sinh này sẽ giúp thế giới tốt đẹp hơn.
Quan điểm này bây giờ bạn có thể nhìn thấy nó phổ biến nhất ở nhóm trưởng thành và cận trưởng thành, cũng như rất có thể nó đang chiếm một phần kha khá bên trong bạn (hoặc không, tôi đoán thế để nghe cho nguy hiểm thôi chứ làm sao tôi biết bạn là ai).
Nhưng… khi tất cả đều tin như vậy, và cơ số trong đó rơi vào thất bại, số đông đã cảm thấy dường như mình đang bị lừa và bắt đầu hoài nghi. Rằng làm sao để chắc rằng mọi thứ đúng thật là như thế? Đồng ý rằng Chúa không có thật, vậy lý do gì để cho rằng sự tự do và những lợi ích của nó là có thật? Làm sao để tôi theo đuổi được ý nghĩa của cuộc đời mình khi bắt đầu cuộc đời với khoản nợ sinh viên, không tài sản thừa kế, không được quyền tiếp cận vào cơ sở hạ tầng chất lượng cao, không được lắng nghe, không được tôn trọng và thậm chí còn bị buộc phải tin rằng tất cả những điều ấy là do lỗi của bản thân? Nếu như kết quả của sự tự do là như thế này, chi bằng tin vào Chúa và tuân theo bản hướng dẫn của nhà thờ còn hơn, vì bạn sẽ không phải mang nợ khi đi học trường dòng, và đạo đức của các cộng đồng tôn giáo chí ít có thể bảo vệ được các cá nhân (miễn là đủ ngoan ngoãn).
Như vậy, cũng từ niềm tin vào khoa học, vào tự nhiên, và không tin vào siêu nhiên, nhưng một nhánh quan niệm khác đã ra đời: chủ nghĩa hư vô. Quan niệm này cho rằng, về cơ bản, cuộc đời này là vô nghĩa, và con người thì tồn tại chả vì mục đích gì cả. Vũ trụ sinh ra rồi chết đi, và những thứ bên trong ấy cũng vậy. Ý nghĩa của quá trình ấy là gì? Nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Họ cho rằng các giá trị của con người là không có cơ sở, cuộc sống là vô nghĩa, sự hiểu biết tuyệt đối là không thể đạt được. Và rất có thể chẳng có bất kỳ thứ gì thực sự tồn tại cả?
Ban đầu, luồng quan điểm này phát sinh để chống lại sự áp đặt của các nhóm người (thường là các nhóm đặc quyền) lên văn hóa, nghệ thuật, đạo đức, chính trị hay thẩm mỹ. Tại thời điểm Nhà thờ thống trị, họ quyết định cái gì đúng, cái gì sai một cách công khai nhân danh Chúa. Chí ít điều đó còn đỡ đáng sợ và đỡ nguy hiểm hơn ở thời của sự tự do, nơi một số nhóm đặc quyền đặt ra các quy chuẩn của riêng mình để áp đặt lên người khác, nhưng rêu rao rằng “vì xã hội vận hành một cách tự do, tôi cố làm tốt việc của mình, anh cố làm tốt việc của anh, bây giờ kết quả chỉ ra như này, xem như việc tôi hơn anh là quy luật vậy”. Chẳng hạn, họ đánh giá cao việc học piano, nhưng ai cũng biết giữa một đứa trẻ nông dân và một đứa trẻ con nhà quý tộc, ai có khả năng khi lớn lên sẽ biết đánh đàn piano hơn. Bạn sẽ nói rằng, à, đứa bé nông dân có thể sống cuộc đời của mình và cố gắng để trở nên thật giỏi giang trong điều kiện của chính nó. Nhưng vì sao tôi lại dùng phép so sánh “con nhà nông dân” với “con nhà quý tộc” ở đây, và bạn hình dung về điều gì khi nghe từ “nông dân”, và hình dung điều gì khi nghe từ “quý tộc”? Không thể so sánh rằng liệu việc leo cây dừa thoăn thoắt hay đánh đàn piano thì phức tạp hơn, nhưng rõ ràng chúng ta biết rõ mình sẽ bị cuốn hút và đánh giá cao kỹ năng nào hơn. Đôi lúc sự áp đặt này còn lớn đến mức người ta từ chối tin rằng những món ăn ở nhà hàng cao cấp có thể không ngon miệng bằng tô hủ tiếu gõ ở ven đường, dù quả thực họ đã cảm thấy như vậy. Chủ nghĩa hư vô nói rằng bạn thấy tôm hùm ngon hay hủ tiếu ngon không quan trọng, vì cả hai cũng đều vô nghĩa như nhau, và cảm giác ngon của bạn cũng vậy, thế nên những kẻ vĩ cuồng bớt bớt nguy hiểm về món tôm hùm một chút thì hay hơn. Kiểu kiểu thế [4].
Sự trỗi dậy của các luồng quan điểm hư vô cũng gần với sự trỗi dậy của các quan điểm hậu hiện đại (lưu ý rằng tên gọi này vẫn còn gây nhiều tranh cãi), tức giai đoạn gần đây nhất và vẫn đang tiếp tục, nhằm chỉ ra rằng mặc dù Chúa không có thật, nhưng con người cũng chẳng tự do. Họ chỉ ra rằng con người mắc kẹt bên trong ngôn ngữ, cấu trúc và các thể chế như thế nào. Ví dụ, câu hỏi “ý nghĩa của cuộc sống là gì” có thể không phải một suy nghiệm tự do, mà chỉ là bạn được “ủy quyền” để hỏi như thế, vì bạn sử dụng bộ ngôn ngữ này, và sống trong xã hội này. Bản thân việc bạn nói nó ra đã cho thấy sự thiếu tự do (vì bạn không thể nói khác đi được), chứ không phải là đó là cơ sở để đi tìm tự do. Một số quan điểm hậu hiện đại cho rằng các cá nhân chỉ là phần mở rộng của ngôn ngữ và xã hội, chứ không có được tự chủ thực sự.
Chà, khó hiểu quá nhỉ.
Đại để, khi bạn hỏi “tự do là gì”, có thể bạn nhầm lẫn rằng bản thân là một người khao khát sự hiểu biết, và khao khát truy cầu hiểu biết về sự tự do. Nhưng nghịch lý là, việc bạn thắc mắc về câu hỏi ấy cho thấy rằng ngôn ngữ bạn sử dụng và xã hội bạn đang sống, bằng một cách nào đó đã giam cầm và làm bạn bật lên câu hỏi về tự do tại thời điểm này. Bởi thế, theo như hậu hiện đại, ý nghĩa cuộc đời (nếu có) của các cá nhân là phải nhận thức được sự ảnh hưởng của ngôn ngữ và các cấu trúc lên chính mình, ngay cả khi rất có thể cá nhân ấy không có khả năng để thoát ra. Phong trào này nhìn chung mỉa mai, phê phán và bác bỏ các quan điểm hiện đại (tức luồng quan điểm thứ hai tôi vừa đề cập phía trên), vì họ tin rằng việc đề cao sự “tự do” chỉ là lớp sơn tô lên trên một cấu trúc thiếu tự do, và việc đề cao quá trình theo đuổi chân lý hay các thước đo chuẩn mực hướng thượng nghe chừng hay ho nhưng chẳng ai nói được vì sao những chuẩn mực, thước đo ấy là “thượng-thực-sự”; hay chúng chỉ là thứ được ai đó đặt lên và bảo rằng đó là “thượng” – một kiểu nhốt người ta vào tù nhưng bảo đấy chính là toàn bộ thế giới [5].
(Ví dụ dễ hiểu hơn: Hậu hiện đại sẽ nói rằng câu “Thiên chức của một người phụ nữ là đẻ con” là một sản phẩm của ngôn ngữ và cấu trúc xã hội, chứ chẳng có “thiên chức” nào ở đây cả).
Luồng quan điểm này bây giờ vẫn đang trong chu kỳ phát triển và bạn có thể thấy nó xuất hiện ở các quan niệm, phong trào, lối sống, văn hóa phẩm mới xuất hiện gần đây, mà rất có thể vẫn chưa xuất hiện trong sách vở giáo khoa, sách kinh điển hay trong các cuộc trò chuyện với các thế hệ trước. Nhưng độ phủ và sức ảnh hưởng của nó đã sớm lan ra trước khi bạn biết về nó.
Vậy, rốt cuộc, ý nghĩa của cuộc đời là gì và đọc bài viết này có ý nghĩa gì?
Khó nhỉ. Nếu tôi đưa ra một kết luận và nói rằng “tôi biết về kết luận này nhờ nghiên cứu kỹ lắm”, tức là tôi hàm ý rằng có một câu trả lời cho câu hỏi ở tựa bài, và để biết được câu trả lời ấy thì bạn phải “tu luyện” thật tốt, thì dường như điều này giống với các quan điểm thần học.
Nếu tôi bảo rằng quyền tự quyết nằm ở mỗi cá nhân, các bạn hãy tự tìm kiếm câu trả lời cho chính mình, tôi đang hàm ý rằng việc ấy có thể giúp ích, rằng câu trả lời các bạn tìm ra cũng có giá trị tương đương với quan điểm của tôi, và nó giống với luồng quan điểm tự do.
Còn nếu tôi nói rằng câu hỏi này vô nghĩa, bài viết này vô nghĩa, và sự tồn tại của tôi hay bạn cũng thế, thì lại nghe như hư vô chủ nghĩa.
Tôi không thực sự nghiêng về bất kỳ quan điểm nào cả (và bạn cũng đừng bắt chước điều này), điều tôi quan tâm bây giờ là người ở cả ba phe sẽ mổ xẻ bài viết này mạnh mẽ đến mức nào ở dưới phần bình luận. Hãy đọc nó.
Hỡi các độc giả đại chúng, mục đích đời tôi là hy sinh để đem lại hiểu biết cho các bạn, còn cuộc đời của các bạn thì chịu, tôi không biết.
#MonsterBox
https://www.facebook.com/1938993986381358/posts/3039459933001419/